"Vạ miệng" có thể sẽ khiến cộng đồng mạng phẫn nộ, "ném đá", gây xáo trộn và ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, cuộc sống. Để "né" được "họa do miệng mà ra", bạn trẻ cần trang bị kỹ năng gì; chẳng may "vạ miệng" thì ứng xử thế nào?
Giữ bình tĩnh là điều rất quan trọng
Thạc sĩ Nguyễn A Say, Phó trưởng khoa Xã hội - Truyền thông Trường ĐH Văn Hiến, cho biết nếu bị hiểu nhầm vì một bài đăng hay phát ngôn trên mạng xã hội thì hãy bình tĩnh và cần hiểu rằng "9 người 10 ý", mỗi cá nhân là một thực thể riêng biệt, do đó sẽ khó tránh ý kiến trái chiều. Vì vậy, không nên buồn hoặc phản ứng tiêu cực mà hãy tích cực đón nhận với tâm thế thoải mái, tinh thần học hỏi.
"Tuy nhiên, nếu những phát ngôn của bản thân thực sự có vấn đề, tức là thiếu chính xác, gây hiểu lầm… thì trước hết cũng cần đính chính một cách nhanh chóng. Hãy giải thích vấn đề một cách rõ ràng bằng những lời lẽ hết sức khéo léo và cầu thị. Dù mình đúng hay sai, thì các bạn cần sự bình tĩnh", thạc sĩ A Say nói và cho biết việc giữ bình tĩnh giúp suy xét vấn đề, để đón nhận những tình huống xấu nhất xảy ra. Không ai là hoàn hảo, ai cũng sẽ có lúc sai, tuy nhiên chúng ta cần biết mình sai ở đâu để khắc phục, phải biết sửa và hơn hết là bằng thái độ cầu thị. Hãy nhớ, dù ở đời thực hay trên mạng xã hội, việc tôn trọng lẫn nhau là điều hết sức cần thiết.
Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi bật khóc xin lỗi khán giả sau hàng loạt phát ngôn “vạ miệng” Chụp màn hình
Theo thạc sĩ A Say, ông bà ta đã dạy "uốn lưỡi bảy lần trước khi nói", tức là khuyên chúng ta trước khi phát ngôn cần suy nghĩ cho thật kỹ, khi đã thấu đáo thì sẽ tránh được việc nói sai, nói hớ. Bên cạnh đó, "lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" cũng là lời nhắn nhủ thiết thực mà thạc sĩ A Say dành cho người trẻ, cần phải khéo léo trong giao tiếp, nhất là trên không gian mạng.
Theo PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết những người trẻ trước tiên cần ý thức về đặc điểm và tính chất của thông tin số có thể dẫn đến những hậu quả không thể vãn hồi. Đó là nó có thể được sao chép, ghi lại nhanh chóng và phân phối, lan truyền dễ dàng. Nội dung khi đưa lên mạng sẽ được lưu trữ ở nhiều nơi, được tạo dựng và truyền đạt tự động và một khi đã đưa cái gì lên trên mạng thì về cơ bản nó sẽ tồn tại mãi mãi ở đó và vẫn sẽ được tìm ra.
PGS-TS Trần Thành Nam nhấn mạnh: "Trước khi quyết định chia sẻ cái gì lên mạng xã hội, mỗi cá nhân cần suy nghĩ thật kỹ. Suy nghĩ trong tiếng Anh là từ "Think" cũng muốn nhắc nhở chúng ta nguyên tắc T-H-I-N-K, tức là phải chia sẻ những thông tin đúng sự thật (chữ "T" trong từ "True"), chia sẻ thông tin hữu ích ("H" trong từ "Helpful"), chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng ("I" trong từ "Inspire"), chia sẻ những điều cần thiết cho cộng đồng ("N" trong từ "Necessary") và hãy chia sẻ những điều tử tế ("K" trong từ "Kind")".
Phát ngôn của TikToker Võ Thành Ý từng bị cộng đồng mạng ném đá
Thạc sĩ A Say thì lưu ý người trẻ khi phát ngôn trên mạng xã hội cần có sự khiêm tốn, việc kể lể quá nhiều về bản thân cũng sẽ mất điểm trước người khác. "Các bạn chỉ nên chia sẻ về chủ đề mà đã nắm rõ thông tin, có sự hiểu biết nhất định. Không nên nâng quan điểm cá nhân bằng cách hạ quan điểm của người khác, việc áp đặt kinh nghiệm của mình lên người khác cũng gây tác dụng ngược. Chúng ta chỉ nên chia sẻ kinh nghiệm của bản thân bằng một thái độ cởi mở, khiêm tốn chứ không nên phô trương. Để hạn chế rủi ro, các bạn trẻ cần cẩn thận, suy xét thật kỹ trước khi phát ngôn", thạc sĩ A Say khuyên.
Không lấy quyền tự do ngôn luận làm cái cớ để ăn nói tùy tiện
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết mạng xã hội là một kênh để mọi người dễ dàng chia sẻ và tiếp cận thông tin. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng câu "view" bằng cách tạo "phốt" hay dùng những lời lẽ thiếu văn hóa, không đúng chuẩn mực để đạt được sự nổi tiếng trở thành vấn nạn lớn đáng quan tâm, lo ngại. Thậm chí, có nhiều trường hợp người dùng không tiết chế cảm xúc, "bạ đâu nói đó", phát ngôn thiếu chuẩn mực, miệt thị người khác... đã bị xử lý nghiêm khắc. Vụ án Nguyễn Phương Hằng như một lời cảnh tỉnh về chuẩn mực khi phát ngôn và sử dụng mạng xã hội.
5 lời khuyên của PGS-TS Trần Thành Nam dành cho người trẻ để tránh “vạ miệng”
Theo luật sư Tiền, dẫu biết rằng ai cũng có quyền được tự do bày tỏ quan điểm, tâm tư, tình cảm của mình trên mạng xã hội; tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc người sử dụng mạng xã hội lấy quyền tự do ngôn luận để làm cái cớ cho phép bản thân ăn nói tùy tiện, dùng những lời lẽ thô tục, trái với thuần phong mỹ tục, xúc phạm, miệt thị người khác. Đến khi chuyện đã rồi thì có hối hận cũng không kịp và bản thân phải trả giá cho những phát ngôn nông nổi, thiếu suy nghĩ đó.
"Vì vậy, các bạn trẻ hãy là những người sử dụng mạng xã hội thông minh, có văn hóa, rèn cho mình cách ứng xử, tương tác thật chuẩn mực. Mỗi người cần hoàn thiện đạo đức, nhân cách của con người trong thời đại số. Có như vậy mỗi bài viết, mỗi video mới góp phần lan tỏa những quan điểm tư tưởng tiến bộ, những giá trị cao đẹp, tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng", luật sư Tiền khuyên.
Luật sư Tiền nói thêm: "Mặt khác, hãy góp phần đấu tranh với những tệ nạn tiêu cực, những hành vi vi phạm đạo đức, lối sống. Nếu không nói được những điều lạc quan thì nên giữ im lặng, tế nhị, tôn trọng người khác… Có như thế thì người dùng sẽ không vướng vào những vấn đề tiêu cực, hệ lụy xấu từ mạng xã hội".
PGS-TS Trần Thành Nam thì khuyên: "Giải pháp bền vững là mỗi cá nhân cần tự nâng cao năng lực công dân số của mình. Mỗi người hãy tự tạo cho mình những thông điệp riêng để nhắc nhở bản thân khi tương tác trên mạng xã hội một cách an toàn và thân thiện. Với tôi, nguyên tắc tự nhủ trước khi vào đọc tin trên mạng xã hội là: chia sẻ có ý thức, đọc có chọn lọc, bình luận có trách nhiệm, like (bày tỏ cảm xúc yêu thích) có chừng mực và bình tĩnh trong mọi trường hợp".
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/va-mieng-tren-mang-xa-hoi-phai-lam-gi-18523081016472271.htm