16
/
164039
Cấm nhà báo ghi âm, ghi hình phiên tòa là trái với luật Báo chí
cam-nha-bao-ghi-am-ghi-hinh-phien-toa-la-trai-voi-luat-bao-chi
news

Cấm nhà báo ghi âm, ghi hình phiên tòa là trái với luật Báo chí

Thứ 3, 14/05/2024 | 09:05:00
2,252 lượt xem

Theo các chuyên gia, dự thảo luật Tổ chức TAND (sửa đổi) chỉ cho phép ghi âm, ghi hình phần khai mạc phiên tòa và tuyên án là trái với luật Báo chí và nhiều luật khác.

Cụ thể, khoản 3 điều 141 của dự thảo luật Tổ chức TAND quy định về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp như sau:

Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của chủ tọa phiên tòa, phiên họp; trường hợp ghi âm, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp.

Nhà báo tác nghiệp qua màn hình trong phiên tòa Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát

Nhà báo tác nghiệp qua màn hình trong phiên tòa Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát NGUYỄN ANH

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên về quy định trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết ông không đồng tình với dự thảo bởi "việc này ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của người dân" và cũng không phù hợp với nhiều luật.

Luật sư Hậu dẫn chứng, tại khoản 4 điều 234 bộ luật tố tụng Dân sự và khoản 4 điều 153 luật Tố tụng Hành chính lại quy định nhà báo ghi âm, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử, đương sự, những người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ. Riêng điều 256 bộ luật tố tụng Hình sự thì không quy định về vấn đề trên.

Trên thực tế xét xử vụ án, ngay từ thời điểm khai mạc bắt đầu phiên tòa, tùy vào tính chất của vụ án thì chủ tọa sẽ thông báo ngay từ đầu về việc phiên tòa này là công khai hay xử kín, có được ghi âm, ghi hình hay không… Còn theo khoản 3 điều 103 Hiến pháp 2013 quy định: "TAND xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, TAND có thể xét xử kín".

Tại điểm d khoản 2 điều 25 luật Báo chí 2016 cũng quy định cho nhà báo quyền: "Được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật".

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng dự thảo luật Tổ chức TAND (sửa đổi) trái với nhiều luật về ghi âm, ghi hình

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng dự thảo luật Tổ chức TAND (sửa đổi) trái với nhiều luật về ghi âm, ghi hình NGỌC DƯƠNG

"Các luật hiện hành trên đã cho phép báo chí được ghi âm, ghi hình đối với các phiên tòa công khai. Do đó nếu đã là phiên tòa công khai thì việc xin phép ghi âm, ghi hình các chủ thể tại phiên tòa, cũng như giới hạn chỉ được ghi âm, ghi hình trong thời gian khai mạc phiên tòa và tuyên án, công bố quyết định là không phù hợp, cần phải được xem xét lại", vị Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Hậu, quy định như trong dự thảo của luật Tổ chức tòa án đang hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí và trái với luật Báo chí. Có thể nói hoạt động ghi âm, ghi hình là công cụ để người dân, các cơ quan báo chí giám sát các hoạt động tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng theo hướng cải thiện, góp phần giúp cho việc giải quyết vụ án được khách quan, dân chủ.

Theo luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP.HCM, cần phân biệt, làm rõ giữa được và mất khi không cho ghi âm, ghi hình phiên tòa. Trường hợp luật không hạn chế, hoặc cho phép có điều kiện việc ghi âm, ghi hình phiên tòa mà người nào lợi dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật thì đã có quy định chế tài.

Trường hợp không cho phép, hoặc cho phép ở mức độ rất giới hạn (khai mạc, công bố quyết định) kể cả đối với báo chí điều này làm hạn chế rất lớn đối với việc giám sát, minh bạch khi xét xử.

Giả sử người tiến hành tố tụng làm sai nhưng vì không có bằng chứng thì việc tố cáo hành vi sai trái này là điều bất khả thi, khi việc làm sai đó ảnh hưởng đến quyền lợi của người khác.

Luật sư Lê Văn Hoan đề nghị cần xem xét lại dự thảo vì thực tế người dân cần nhà báo đưa thông tin phiên tòa

Luật sư Lê Văn Hoan đề nghị cần xem xét lại dự thảo vì thực tế người dân cần nhà báo đưa thông tin phiên tòa NGÂN NGA

Báo chí nếu không được ghi âm thì khi tường thuật lại cũng khó mà chính xác. Bởi chỉ cần sai 1 chi tiết có thể làm ảnh hưởng đến nội dung bài viết và người đọc có thể sẽ hiểu theo một hướng khác. Việc báo chí ghi âm cũng là để kiểm chứng những phát ngôn của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng để đưa tin được chính xác.

"Khi người tiến hành tố tụng làm đúng thì việc ghi âm, ghi hình (nếu có) không ảnh hưởng đến việc giải quyết, cản trở hoạt động của tòa án. Theo tôi, nếu không cho, hoặc hạn chế việc ghi âm, ghi hình có thể làm giảm nhiều hiệu quả việc giám sát, thậm chí khó phát hiện tiêu cực, cũng như hạn chế việc nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của người tiến hành tố tụng", luật sư Hoan chia sẻ.

Cũng theo luật sư Hoan, giả sử trong quá trình xét xử có những dấu hiệu bất thường, gây bất lợi cho người tham gia tố tụng, họ muốn khiếu nại hoặc tố cáo thì cũng khó có bằng chứng để thực hiện quyền của mình. 

Trên thực tế, có nhiều đương sự, bị cáo tha thiết được ghi âm, ghi hình chính họ để làm bằng chứng và mong muốn sự có mặt nhà báo tại phiên tòa.

Luật sư Lê Văn Hoan

Ông Nguyễn Văn Phước, nguyên Chánh án TAND tỉnh Khánh Hòa, tại điều 23 Pháp lệnh số 02 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định: ghi âm, ghi hình ảnh của hội đồng xét xử, người tham gia tố tụng mà không được sự đồng ý của họ trong phiên tòa xét xử vụ án dân sự, vụ án hành chính; không tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa về hoạt động ghi âm, ghi hình trong phiên tòa xét xử vụ án hình sự, thì có thể bị xử phạt từ 7 - 15 triệu đồng và buộc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Do đó, ông Phước cho rằng, nếu báo chí chỉ ghi âm, ghi hình phần thủ tục bắt đầu phiên tòa và phần tuyên án sẽ khó có chứng cứ để tự bảo vệ mình và bảo vệ quy định pháp luật, chẳng hạn như chủ tọa, thẩm phán… có dấu hiệu không vô tư khách quan (nếu có) trong quá trình xét xử.

Theo Thanh niên

https://thanhnien.vn/cam-nha-bao-ghi-am-ghi-hinh-phien-toa-la-trai-voi-luat-bao-chi-185240513100956689.htm 

  • Từ khóa

Vụ GFDI lừa đảo hơn 3.700 tỉ đồng: Khám xét hàng loạt chi nhánh tại TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ

Công an vừa hoàn tất việc khám xét tất cả chi nhánh Công ty GFDI tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
14:15 - 02/12/2024
17 lượt xem

Vụ Tân Hoàng Minh 'chưa từng có tiền lệ', chỉ 4 tháng đã cơ bản xong THADS

Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội cho biết, vụ án Tân Hoàng Minh có số lượng bị hại và tiền phải thi hành rất lớn, 'chưa từng có tiền lệ', nhưng bằng nhiều...
11:32 - 02/12/2024
96 lượt xem

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" vi phạm giao thông

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày...
09:57 - 02/12/2024
138 lượt xem

Quảng Trị: Bắt giữ nghi phạm người Lào vận chuyển 18.000 viên ma túy

Công an H.Đakrông (Quảng Trị) vừa phối hợp với các đơn vị liên quan bắt quả tang một nghi phạm người Lào có hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.
09:54 - 02/12/2024
124 lượt xem

Những ai ‘bẻ lái’ kết luận thanh tra giúp đại gia Nguyễn Cao Trí thâu tóm dự án Đại Ninh?

Cựu bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị cáo buộc hai lần ký bút phê vào đơn kiến nghị để giúp đỡ ông Nguyễn Cao Trí và nhận cảm ơn...
15:04 - 30/11/2024
1,180 lượt xem