16 giờ 20 phút, trước cổng một trường tiểu học ở trung tâm TP.HCM, một phụ nữ đứng chờ con tan học với lỉnh kỉnh bánh sữa, trái cây trên xe máy. Đứa nhỏ vừa chạy ra, chiếc cà mèn đựng cơm cũng đã mở sẵn sàng.
Những bữa cơm vội vàng
Giờ tan trường, đến các cổng trường tiểu học ở trung tâm TP, bạn đọc sẽ không hiếm gặp những cảnh như vậy. Những chiếc xe máy được dựng sát hàng rào, cạnh đó có thể để thêm chai nước tương, bịch trái cây, đồ tráng miệng. Có nhà để sẵn cơm trộn trong chiếc tô. Đứa nhỏ hoặc đứng, hoặc ngồi trên yên xe máy vừa nhai cơm, gặp bạn bè tan học lại vẫy tay chào. Cha, mẹ, hoặc người giúp việc liên tục giục các cháu ăn lẹ rồi đi học kẻo trễ. Những bữa cơm vội vàng, chạy đua cho ca học thêm thường vào lớp lúc 17 giờ.
Đ.P (học ở Q.1, TP.HCM) cũng nằm trong số này, cháu đang học lớp 5, mỗi tuần học thêm 6 buổi chiều, với các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh để chuẩn bị cho kỳ thi khảo sát đánh giá năng lực vào lớp 6 một trường có tiếng trong TP. Việc học thêm như thế này đã quen thuộc với Đ.P cả 5 năm nay. Mẹ của Đ.P nói với cháu đây là ngôi trường toàn những thầy cô "đỉnh" nhất TP, bạn bè ai cũng vừa giỏi vừa ngoan, thi đậu vào đó thì yên tâm. Nhà ở cách xa trường gần 8 km do đó để cho cháu ăn đủ no, không lo mất vệ sinh thì cứ tan học là phụ huynh mang theo các hộp cơm, để cháu ăn ngay trước cổng trường rồi đi học luôn cho tiện.
Học sinh tiểu học ra về ở một trung tâm học thêm khi trời tối mịt NHẬT THỊNH
8 giờ tối, hình ảnh quen thuộc trước các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm bồi dưỡng kiến thức trong TP là học sinh đủ các độ tuổi ùa ra. Nhiều học sinh tiểu học mặc đồng phục, tay ôm ba lô, mặt mũi bơ phờ chờ bóng dáng người thân.
Không học thêm không yên tâm
"Không cho con đi học thêm thì cứ không yên tâm", đó là câu trả lời của rất đông phụ huynh khi chúng tôi đặt câu hỏi vì sao cấm nhưng nhưng học sinh tiểu học vẫn học thêm.
Điều 4, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT nêu rõ "Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống". Thế nhưng, tình trạng trẻ con học lớp chồi, lớp lá ở trường mầm non cho tới tiểu học vẫn sáng sáng đến trường, tối tối cắp sách đến lớp học thêm đã quen thuộc ở các gia đình.
Vấn đề học thêm của học sinh là do người lớn, ảnh hưởng này cứ được nối tiếp từ thế hệ này tới thế hệ khác. Tiến sĩ Huỳnh Công Minh (nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) |
Chị L.B (trú Q.7, TP.HCM) có con lớn học lớp 5, con út học lớp lá. Mỗi tuần 4 buổi, chị cho con gái lớn học thêm các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh "để các thầy cô ôn tập cho cứng cáp, vào lớp 6 học cho chắc. Mình không biết các con học như thế nào, không kèm cặp được con". Còn bé út, sắp vào lớp 1, dù trên trường mầm non con đã được các cô giáo tập cho làm quen chữ viết, toán, nhưng chị vẫn đăng ký cho con một tuần 3 buổi học "tiền tiểu học" ở gần nhà "cho yên tâm".
Thầy giáo Lê Hoàng Phong, nhà sáng lập và giám đốc học thuật Tổ chức Giáo dục và đào tạo Your-E (TP.HCM), nhìn nhận: "Việc học thêm như "mốt" của xã hội hiện đại. Không ít phụ huynh hiện nay nghĩ là "nếu không cho con đi học thêm thì không quan tâm chuyện học của con". Ngay đến nhiều cha mẹ có trình độ, là giáo viên đúng chuyên ngành cũng "gửi" con cho thầy cô giáo lớp học thêm với lý do "thầy cô dạy mới đúng phương pháp, bụt chùa nhà không thiêng…".
Trẻ học thêm do người lớn
Nói về tình trạng học sinh tiểu học vẫn đi học thêm, tiến sĩ Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thẳng thắn trao đổi với PV Báo Thanh Niên: "Vấn đề học thêm của học sinh là do người lớn, ảnh hưởng này cứ được nối tiếp từ thế hệ này tới thế hệ khác. Niềm tin của phụ huynh về việc không cho con em học thêm không được mãnh liệt lắm, do cuộc sống, do áp lực… Đây là vấn đề chúng ta cần cố gắng để thay đổi, làm sao chấn chỉnh được việc này".
Tiến sĩ Huỳnh Công Minh nói thêm: "Giáo dục thời gian qua đã được đổi mới, chấn chỉnh, đạt được bước tiến lớn. Trước đây do áp lực học tập nhiều nhưng giờ đây đã giảm áp lực, việc tổ chức thi cử nhẹ nhàng hơn, chính thức đánh giá quá trình nỗ lực của các em học sinh trong quá trình học tập. Trước sự đổi mới này, tôi nghĩ phụ huynh, giáo viên cũng cần có sự thay đổi trong nhận thức trong cách làm của mình. Hãy yên tâm xây dựng nền nếp, cách giáo dục mới, thay vì phải học để đối phó với thi cử, hãy có các hoạt động để các em khỏe hơn, nhanh nhẹn, năng động, phát triển toàn diện, đa dạng hơn".
Tiến sĩ tâm lý học Bùi Hồng Quân, công tác tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận trẻ tiểu học đi học thêm có nhiều nguyên nhân, chủ yếu ở đây là những mong muốn, kỳ vọng của phụ huynh về các con. Phụ huynh mong con được chuẩn bị nền tảng vững chắc cho tương lai, cải thiện thành tích, chuẩn bị kiến thức để thi vào trường tốp, "trường chuyên lớp chọn". Đó được xem là những mong muốn chính đáng. Nhưng ở góc độ ngược lại, cũng có những phụ huynh quá đề cao điểm số, hay so sánh với con nhà người khác, thấy điểm con mình thấp hơn là cho con đi học thêm.
Hoặc cha mẹ cho con đi học thêm vì quỹ thời gian của cha mẹ ít, khó có sự kiên nhẫn khi giảng bài cùng con, khó theo kịp sự thay đổi chương trình giáo dục nên nhờ người có chuyên môn kèm con học. Hoặc cho con tiểu học đi học thêm cũng là giải pháp tình thế, không còn lựa chọn khi không có ai trông con, cha mẹ vẫn phải đi làm, con không thể ở nhà một mình rồi chơi game, xem ti vi, nhất là khi tới đây là dịp nghỉ hè.
Học sinh tiểu học chờ người thân sau buổi học thêm, hình ảnh quen thuộc trước các trung tâm ngoại ngữ, trung tâm bồi dưỡng kiến thức ở những thành phố lớn NHẬT THỊNH
Hãy hiểu rõ con em mình
Tiến sĩ tâm lý học Bùi Hồng Quân cho rằng phụ huynh hãy hiểu rõ con em mình cần gì, muốn gì, lắng nghe, trao đổi để biết nguyện vọng của con, sở thích của con, cùng con sắp xếp thời gian biểu học tập hợp lý. Bởi có nhiều hệ lụy khi một đứa trẻ tiểu học phải đi học thêm quá nhiều. Kết quả học tập của em đó có thể cải thiện, nhưng về mặt phát triển của trẻ, nếu trẻ không được vui chơi, giải trí, không được tham gia các hoạt động đội, nhóm, xã hội thì không thể cân bằng tâm lý. Học sinh đó có thể nổi trội về điểm số, nhưng các kỹ năng mềm, kỹ năng xã hội thì chưa chắc. Các vụ việc trẻ chịu không nổi các áp lực học tập, gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, dẫn tới nhiều câu chuyện đau lòng vừa qua là những hồi chuông báo động.
"Nhiều cha mẹ có suy nghĩ là trước đây mình đã thiếu thốn, không được học cái này, cái kia thì bây giờ bù đắp cho con. Nhưng sự bù đắp cho con theo cách này không phải bao giờ cũng đúng. Con bây giờ khác, cha mẹ ngày xưa khác, không phải là một. Lấp đầy khoảng thời gian của con bằng những điều con không thích, không phù hợp thì kết quả không ổn, chưa kể có thể gây ra những căng thẳng, tổn thương tâm lý cho đứa trẻ", tiến sĩ tâm lý học Bùi Hồng Quân nhấn mạnh.
Thay đổi phải từ gốcThầy giáo Lê Hoàng Phong cho rằng để chấm dứt dạy thêm, học thêm, trước hết phải thay đổi từ gốc, đó là chương trình dạy học. "Chương trình phải được giảm tải, vừa sức, coi trọng kỹ năng ứng dụng và thực hành, đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá. Nhà trường, gia đình và xã hội không chạy theo thành tích. Phụ huynh không thỏa hiệp, tiếp tay cho dạy thêm. Không tổ chức dạy thêm trong trường, thay vào đó là dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo cho học sinh yếu, kém. Cần động viên, khuyến khích các em tự học. Những năm qua luôn xuất hiện nhiều thủ khoa các kỳ thi ĐH là học sinh nông thôn, tự học, không học thêm. Điều này cho thấy rằng học sinh nếu có kỹ năng tự học, sẽ học rất giỏi, đạt thành tích cao", thầy giáo Lê Hoàng Phong nói. |
Theo Thúy Hằng/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/vi-sao-cam-nhung-hoc-sinh-tieu-hoc-van-hoc-them-185240512161707498.htm