Một cuộc thăm dò ý kiến cho thấy cứ 10 người trẻ Hàn Quốc thì 6 người nói rằng ngay cả khi kết hôn, họ cũng không cần sinh con.
Một cuộc thăm dò ý kiến cho thấy cứ 10 người trẻ Hàn Quốc thì 6 người nói rằng ngay cả khi kết hôn thì họ cũng không cần sinh con - Ảnh: Getty
Điều này làm trầm trọng thêm mối lo ngại ngày càng tăng về tỉ lệ sinh đang giảm tại Hàn Quốc, nơi người trẻ hướng đến cuộc sống tự do thay vì kết hôn và sinh con như các thế hệ trước.
Người trẻ không cần có con sau kết hôn
Đây là một số phát hiện chính của cuộc khảo sát tìm hiểu thực tế về giới trẻ năm 2023 do Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc công bố gần đây.
Cuộc khảo sát được thực hiện ba năm một lần theo Đạo luật khung về thanh thiếu niên, dựa trên các cuộc phỏng vấn với 7.423 người trong độ tuổi từ 9 đến 24 và người giám hộ của họ tại 5.000 hộ gia đình trên khắp đất nước. Khảo sát diễn ra từ tháng 7 đến tháng 9-2023.
Nếu như năm 2017 có đến 51% thanh niên Hàn Quốc xem hôn nhân là cần thiết thì hiện nay, giới trẻ bắt đầu thể hiện sự hoài nghi về truyền thống hôn nhân. Một trong những điểm đáng chú ý là 60,1% số người trong độ tuổi từ 13 đến 24 cho biết họ không còn xem con trẻ là một phần thiết yếu của hôn nhân. Trong cuộc khảo sát năm 2017, con số này là 46,1%.
Khi được hỏi liệu có tin rằng kết hôn là cần thiết trong cuộc sống hay không, chỉ có 38,5% đồng ý, giảm nhẹ so với 39,1% vào ba năm trước. Dưới góc nhìn của các nhà hoạch định chính sách, kết quả này phản ánh xu hướng đáng lo ngại ở một quốc gia đang phải vật lộn để tăng số lượng trẻ sơ sinh trong nhiều năm.
Ở mức 0,72, tỉ lệ sinh của Hàn Quốc - tức số con trung bình mà một phụ nữ có trong đời - là thấp nhất thế giới vào năm 2023.
Chất lượng cuộc sống thay đổi tích cực
Các chuyên gia tại Cơ quan Thống kê Hàn Quốc - cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm quản lý số liệu thống kê quốc gia - dự đoán rằng con số này sẽ còn giảm xuống dưới mức 0,7 trong năm 2024. Cuối cùng, điều này sẽ bắt đầu tác động đến nhiều hệ thống đã được thiết lập trong xã hội - từ giáo dục đến lương hưu quốc gia.
Trong một cuộc phỏng vấn, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Chính sách thanh niên quốc gia, Kim Ji Kyung, một trong những người điều tra của nghiên cứu, cho biết: "Nếu xu hướng suy giảm này kéo dài cho đến cuộc khảo sát năm 2026, điều đó có thể được coi là dấu hiệu cho thấy nhận thức tiêu cực về hôn nhân ngày càng gia tăng trong thế hệ trẻ".
Tuy nhiên, cuộc thăm dò cũng cho thấy quan điểm khác thường về hôn nhân và con cái của những người trẻ tham gia khảo sát không phản ánh sự hoài nghi của họ về cuộc sống, hoặc tương lai.
So với khảo sát năm 2020, 29,6% cho biết họ thấy cuộc sống tổng thể của mình "đã thay đổi tích cực", 26,8% nói cuộc sống ở trường đã thay đổi tốt hơn, tăng lần lượt 13,4% và 11,4%.
Ngoài ra, khi được hỏi liệu họ có nghĩ xã hội Hàn Quốc công bằng hay không, 54,7% đồng ý với nhận định này, tăng 7,1%.
Nghiên cứu trước đó được thực hiện từ tháng 11-2020 đến tháng 2-2021, vào giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19. Những tác động của dịch bệnh về mặt giãn cách xã hội và các lớp học từ xa được phản ánh rõ ràng.
Thời điểm đó, 48,4% số người được hỏi cho biết trải nghiệm ở trường của họ đã thay đổi theo chiều hướng tồi tệ hơn, trong khi 30,4% cũng nói như vậy đối với trải nghiệm cuộc sống chung.
Những phát hiện mới nhất cho thấy khi đại dịch giảm bớt và cuộc sống bình thường phần lớn đã được khôi phục, những người trẻ nhận thấy cuộc sống của họ đã thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/nguoi-tre-han-quoc-khong-can-co-con-sau-khi-ket-hon-20240514165935088.htm