Giải pháp kỹ thuật nhỏ từng bị các nhà sản xuất lớn bỏ quên đã tạo ra cơ hội khởi nghiệp thành công cho một doanh nghiệp trẻ. Đó là giải pháp rơ le chống giật điều khiển phao điện.
Sản phẩm rơ le chống giật của STC đã được phân phối khắp cả nước - Ảnh: TẤN LỰC
Với giải pháp rơ le chống giật, thợ kỹ thuật có thể tạo ra lớp bảo vệ an toàn chống rò rỉ, giật điện cho các gia đình sử dụng bồn nước gắn phao điện.
Khởi nghiệp từ ý tưởng bất ngờ
Nguyễn Mạnh Cường (25 tuổi), giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thiết bị điện STC Electric, quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng), trông chững chạc hơn nhiều so với tuổi.
Từ năm cuối giảng đường, Cường lập doanh nghiệp và hùn vốn cùng bạn bè chế tạo rơ le phao điện bán ra thị trường. Chỉ mới gần 2 năm khởi nghiệp, giải pháp này được đón nhận mạnh mẽ. Mỗi tháng công ty bán ra hàng ngàn sản phẩm và luôn trong tình trạng "cháy hàng".
Nói về sản phẩm đầu tay, Cường tỏ ra vô cùng sôi nổi. Đó là chiếc rơ le dùng lắp đặt phao điện nhỏ bé có nguyên lý khá đơn giản đã phủ sóng khắp cả nước qua 150 nhà phân phối, đại lý cấp 1.
Nguyễn Mạnh Cường (25 tuổi), giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thiết bị điện STC Electric, với sản phẩm đầu tay - Ảnh: TẤN LỰC
Cường cho biết ý tưởng chế tạo thiết bị vô cùng ngẫu hứng khi nghe một số người thợ chia sẻ nhiều trường hợp bị giật điện từ rò rỉ phao điện. Nguyên nhân là do sử dụng lâu ngày trong thời tiết nắng nóng, lớp bảo vệ của dây dẫn hoặc phao điện bị hư hỏng, bong tróc dẫn tới rò rỉ điện vào bồn.
Sau nhiều ngày suy nghĩ và tìm hiểu nguyên lý hoạt động phao điện, đầu anh "nảy số" với ý tưởng tạo thiết bị hạ điện áp cấp vào phao điện, đảm bảo phao hoạt động bình thường, không gây rò rỉ điện, không gây giật cho người dùng.
"Về nguyên tắc, phao điện là một công tắc đóng ngắt điện thay đổi trạng thái tùy vào dung tích chứa nước. Do đó, phao có thể hoạt động với nhiều cấp điện áp.
Trước đây khi chưa có giải pháp này, kỹ thuật viên đấu trực tiếp điện 220V vào phao. Dòng điện cao, có thể gây nguy hiểm nếu rò rỉ.
Với rơ le chúng tôi sản xuất, khi lắp vào sẽ hạ cấp dòng điện lên phao chỉ còn 12V, đảm bảo phao hoạt động ổn định và an toàn, kể cả trường hợp rò rỉ điện" - Cường giải thích.
3 sinh viên góp tiền chế rơ le
Dù đã sáng chế ra giải pháp tốt, thị trường có nhu cầu nhưng việc thương mại khá gian nan. Sau khi nguyên mẫu đầu tiên thử nghiệm thành công, anh cùng hai người bạn - lúc đó đều là sinh viên, góp được khoảng 3,5 triệu đồng sản xuất lô đầu tiên 30 thiết bị.
Nhân viên STC Electric lắp đặt rơ le chống giật cho phao điện - Ảnh: TẤN LỰC
Do chưa có thương hiệu, tên tuổi, sản phẩm ra thị trường chưa ai biết tới. Các bạn quyết định tiếp cận trực tiếp giới thợ điện nước và các hội nhóm ngành nghề này để tiếp thị sản phẩm.
Những người sử dụng đầu tiên đánh giá rất cao đã tiếp thêm động lực cho nhóm cải tiến và mở rộng sản xuất. Cứ thế, mỗi lô sản xuất sau số lượng nâng dần lên từ vài trăm đến vài ngàn sản phẩm, số lượng đại lý cũng tăng theo nhanh chóng.
Để tiếp tục tiến xa, tháng 9-2022, doanh nghiệp non trẻ nộp đơn đề nghị cấp bằng sở hữu trí tuệ. Tháng 3-2023, cơ quan chức năng đã thông báo nhận hồ sơ. Cường cho biết hiện một số nhà sản xuất thiết bị điện lớn đã tung ra các sản phẩm với tính năng tương tự.
Những bản mạch điện tử của rơ le chống giật đã hoàn thiện, chờ lắp khung vỏ - Ảnh: TẤN LỰC
Tuy nhiên, công ty anh không quá lo lắng bởi sản phẩm có công suất cao hơn, giá thành rẻ hơn đối thủ. Để tiết kiệm chi phí sản xuất, công ty nhập linh kiện theo lô lớn và tận dụng các linh kiện, thân vỏ thiết bị điện được sản xuất đại trà, không thiết kế bộ thân vỏ riêng.
Nhờ đó, tỉ suất sinh lợi có thể đạt tới 55%. Trong trường hợp mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nhiều hơn cho nhà máy và chi phí truyền thông, tiếp thị..., anh ước đoán tỉ suất sinh lợi vẫn trên 40%. Đây được coi là mức sinh lợi rất cao đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất.
Thị trường đón nhận tích cực
Nhận xét về sản phẩm này, ông Bùi Văn Tuyến, đại lý tại Thanh Hóa, bảo rằng nhiều khách hàng không biết, nhưng khi nghe tư vấn thì rất thích và chốt mua ngay.
Trước đây khi lắp đặt bồn nước thường đấu điện trực tiếp, nhiều người e ngại nguy hiểm nhưng không có giải pháp an toàn. Nay nhiều người dùng thấy tốt giới thiệu cho người thân, bạn bè, nên sức mua rất lớn, mỗi đợt nhập hàng về vài tuần lại hết.
Ông Tuyến cho hay đến nay đại lý đã bán ra trên 600 sản phẩm trên các kênh của mình.
Cùng nhận định, ông Hoàng Minh Toán, nhà phân phối Phú Hưng khu vực Hưng Yên - Hà Nam, cho hay sản phẩm có tính năng khá tốt. Ưu điểm giá thành vừa phải, nhiều tính năng, tỉ lệ lỗi phải đổi trả thấp so với thương hiệu khác.
Khi được giới thiệu sản phẩm này khách hàng thường lựa chọn lắp đặt ngay. Hiện mỗi tháng đơn vị này bán ra trên 100 sản phẩm.
Sản phẩm bơm thông minh tự ngắt dành cho máy cắt vừa được doanh nghiệp này sản xuất thương mại - Ảnh: TẤN LỰC Tìm giải pháp cho các vấn đề trong cuộc sống Ngoài sản phẩm rơ le chống giật cho phao điện, doanh nghiệp khởi nghiệp này còn nghiên cứu chế tạo một số sản phẩm khác và đã đưa ra thị trường. Trong đó, sản phẩm bơm thông minh tự ngắt dành cho máy cắt là giải pháp được đánh giá cao. Sản phẩm lắp đặt vào máy cắt, bơm nước tự động khi máy cắt hoạt động để giảm khói bụi trong quá trình thao tác. Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ định hướng phát triển là tạo ra các giải pháp mới xử lý các vấn đề tồn tại trong cuộc sống thường ngày. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, thuê đất làm nhà xưởng để hoạt động chuyên nghiệp hơn. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/che-ro-le-chong-giat-ban-ca-ngan-chiec-moi-thang-luon-chay-hang-20230412143730863.htm