Mua nhà không đủ rộng, cặp vợ chồng ở thành phố Từ Châu, Trung Quốc bị con trai hành hung trước chốn đông người.
Sự việc trên xảy ra vài tháng trước tại thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ. Được can ngăn, người con trai tiếp tục mạt sát bố mẹ, thậm chí còn đẩy mẹ ngã. Người đi đường sau đó đã báo cảnh sát.
Vài ngày trước, dư luận nước này tiếp tục xôn xao trước thông tin một cô gái đánh mẹ giữa đường phố đông đúc tại thành phố Đạt Châu, tỉnh Tứ Xuyên vì mâu thuẫn nhỏ. Đáng nói là bà mẹ khi thấy mọi người lớn tiếng mắng con mình về cách hành xử đã vội vàng bênh và ngăn không cho mọi người chỉ trích. Cô con gái ngừng tay, nhưng đe dọa về nhà... xử lý tiếp.
Hành vi của cô gái trẻ lập tức trở thành đề tài thảo luận trên các diễn đàn. Nhiều người bình luận: "Nỗi buồn lớn nhất của cha mẹ kiểu Trung Quốc là họ đã cho đi tất cả mọi thứ, nhưng không thể nuôi dạy một đứa trẻ học cách biết ơn". Trong khi nhiều người khác lại nhận xét: "Rất nhiều bố mẹ đã vắt hết sức lực để cung phụng và làm hài lòng đứa con của mình. Thế nhưng có những đứa trẻ chưa bao giờ cảm thấy sự hy sinh đó là đủ".
Nhận xét trên rất giống trường hợp của một người đàn ông họ Dương sống ở tỉnh Thiểm Tây. Vì chỉ có một cậu con trai duy nhất nên ông Dương và vợ vô cùng nuông chiều, chưa bao giờ để con phải chịu thiệt thòi với bạn bè.
Khi lớn lên, quen với sự bao bọc của gia đình nên con trai ông Dương gặp nhiều khó khăn trong công việc, liên tục bị sa thải. Để có tiền, cậu tìm cách được hưởng tiền bảo hiểm từ cái chết của cha mẹ.
Anh ta mua bảo hiểm cho bố mẹ, đồng thời mua một liều thuốc cực độc, pha với trà cho họ uống. Sau khi bị bắt, người này vẫn tỉnh bơ nói: "Điều tôi quan tâm bây giờ là số tiền bảo hiểm đó sẽ thuộc về ai".
Biết được câu chuyện của ông Dương, nhà giáo dục người Pháp Rousseau nói: "Bạn có biết phương pháp giáo dục nào khiến đứa trẻ trở nên bất hạnh không? Đó chính là việc đáp ứng mọi yêu cầu của chúng".
Theo Rousseauo, một đứa trẻ được bảo bọc từ nhỏ, cơm đút tới miệng, nước dâng tận môi, được dành cho những món ăn ngon, đồ chơi đẹp, muốn gì được nấy mà không biết những thứ đó từ đâu ra thì lớn lên chắc chắn sẽ thành một con người chỉ quen hưởng thụ, nếu không được đáp ứng sẽ quay lại oán trách cha mẹ.
Cùng quan điểm, nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc Lý Nguyệt Lượng nhận xét: "Những đứa trẻ được giáo dục thế nào sẽ hình thành tính cách như thế đó". Cô đúc kết, bi kịch của những gia đình quá nuông chiều con thể hiện ở những biểu hiện sau của bố mẹ:
- Bố mẹ luôn sợ con bị bắt nạt, luôn lo lắng bởi không cung cấp đủ những thứ chúng yêu cầu.
- Khi đứa trẻ phạm sai lầm, chúng không được nhắc nhở và sửa chữa kịp thời.
- Khi đứa trẻ bị xã hội lên án về hành vi sai trái, cha mẹ luôn nhận lỗi thay con, thậm chí chi rất nhiều tiền để con cái thoát khỏi hình phạt.
"Một đứa trẻ được cha mẹ bảo bọc từ trong trứng nước, không từng sứt đầu mẻ trán, không từng đi xa một mình, không từng được thực hiện ước mơ... chắc chắn sẽ lớn lên với tâm lý ỷ lại và thụ động, chỉ trông chờ vào sự xếp đặt của người khác", cô nói.
Năm ngoái, video về một người cha có tên Bryan Thornhil ở Virginia, Mỹ "trừng phạt" con trai 10 tuổi được hàng triệu người yêu thích. Trong đoạn phim ngắn được chia sẻ, ông bố ung dung ngồi thoải mái trong chiếc xe hơi, bên ngoài trời đang đổ mưa và cậu con trai anh, Hayden, thì phải đội mưa chạy bộ đến trường.
Theo Bryan, lý do con trai anh nhận hình phạt là bởi cậu bé đã bắt nạt các bạn trên xe buýt nên bị nhà trường cấm lên xe trong 3 ngày. Vì muốn Hayden hiểu được hành động sai trái của mình và nhận lấy một bài học thích đáng, Bryan quyết định bắt con chạy bộ đến trường. "Hãy dạy dỗ con bạn. Bạn là bố mẹ chúng chứ không phải bạn bè. Đó là thứ bọn trẻ ngày nay cần biết", Bryan nói.
Anh Bryan Thornhil từng phạt con trai Hayden chạy bộ đến trường. Ảnh: theworldnews.
Nhà nghiên cứu đoạt giải Nobel William Golding từng nói nếu một đứa trẻ không bị trừng phạt bởi những hành vi sai, lớn lên chúng sẽ trở thành những con người hung ác. "Cha mẹ thông minh không chỉ cho con một tình yêu vô điều kiện mà còn phải biết cách hạn chế hành vi xấu của chúng".
"Những đứa trẻ quá được nuông chiều thì hạnh phúc của chúng chỉ giới hạn ở tuổi ấu thơ mà thôi", ông khẳng định.
Theo VnExpress
https://vnexpress.net/doi-song/nhung-dua-con-vo-on-tu-su-nuong-chieu-cua-cha-me-4033181.html