9
/
164071
Sinh viên chi tiêu khoảng 10 triệu đồng/tháng có đủ không?
sinh-vien-chi-tieu-khoang-10-trieu-dong-thang-co-du-khong
news

Sinh viên chi tiêu khoảng 10 triệu đồng/tháng có đủ không?

Thứ 3, 14/05/2024 | 14:45:00
2,033 lượt xem

Mới đây, trên trang mạng xã hội TikTok xuất hiện các video chia sẻ sinh viên sống ở TP.HCM, Hà Nội chi tiêu dao động trong khoảng 8 - 10 triệu đồng/tháng dành cho việc ăn uống, tiền phòng trọ, mua sắm… Từ câu chuyện trên, nhiều sinh viên cũng bày tỏ sự tương đồng về việc chi tiêu hàng tháng.

Nguyễn Minh Thư, sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, được gia đình viện trợ mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng. Ngoài giờ học, Minh Thư còn đi làm thêm được khoảng 3 triệu đồng/tháng. Minh Thư thuê phòng trọ và ở một mình với giá 4 triệu đồng/tháng.

“Là con gái ai mà không thích mua sắm. Cứ vào đợt sale của các sàn thương mại điện tử là mình mua 1 chiếc áo, đôi giày hoặc món phụ kiện nào đó. Ngoài mua sắm đồ đạc, hàng tuần có 2 - 3 cuộc hẹn ăn uống bên ngoài với bạn bè nhưng không nỡ từ chối. Mỗi lần như thế, chi 200.000 - 300.000 đồng, chưa kể thỉnh thoảng đi quán cà phê ngồi học bài. Mình không dám gọi về xin tiền bố mẹ. Tuần cuối cùng trong tháng là lúc mình cảm thấy cuộc sống chật vật nhất, vì lúc đó đã xài hết sạch tiền, phải vay mượn bạn bè để chờ... viện trợ”, Minh Thư chia sẻ.

Rời xa gia đình, nhiều sinh viên phải tự quản lý tài chính khi sinh sống ở TP.HCM

Rời xa gia đình, nhiều sinh viên phải tự quản lý tài chính khi sinh sống ở TP.HCM PHÚC KHA

Nguyễn Thị Trúc Ngọc, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết ngoài việc được gia đình chu cấp 7 triệu đồng/tháng, còn có một khoản tiền kha khá từ việc làm thêm ở cửa hàng tiện lợi.

“Nếu làm chăm chỉ và đều đặn, mình có thể kiếm được khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/tháng nhờ vào công việc làm thêm”, Ngọc nói.

Tuy nhiên, chẳng tháng nào cô gái có dư dả cả. Ngoài việc mua sắm quần áo, cô còn thích la cà quán xá cùng bạn bè, đi xem phim, “đu idol” ở các chương trình ca nhạc lớn. Có khi mỗi ngày, Ngọc tốn gần 100.000 đồng chỉ để ngồi quán cà phê làm bài tập.

“Khi đã tiêu xài như thế rồi thì mình không cách nào tiết kiệm lại được. Có lúc, mình tiết kiệm được một khoản nhỏ rồi sau đó đã nghĩ đến chuyện mua sắm và số tiền ấy lại hết sạch vào dịp khuyến mãi của các nhãn hàng”, Ngọc chia sẻ.

Sinh viên chi tiêu rất nhiều cho việc đi ăn uống cùng bạn bè

Sinh viên chi tiêu rất nhiều cho việc đi ăn uống cùng bạn bè PHÚC KHA

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục tài chính, chị Nguyễn Hoàng Khánh Tiên, cho biết sinh viên chưa biết cách phân biệt khoản nào là nhu cầu, mong muốn trong quá trình đưa ra quyết định chi tiêu. Nhu cầu là khoản phí cần thiết để phục vụ cuộc sống. Các khoản như tiền thuê nhà, ăn uống, xăng xe, tài liệu học tập, học phí… Mong muốn là những thứ mà không thiết yếu cho cuộc sống như đi du lịch, ăn uống cùng bạn bè, mua sắm quần áo mới.

Hơn nữa, các bạn chưa thực hành theo dõi tình hình tài chính của mình bao gồm xác định khoản thu nhập thường xuyên và thời vụ, mục tiêu tiết kiệm của bản thân, phạm vi được chi tiêu định kỳ. Việc biết nhưng không đưa các dữ liệu này vào một dạng công cụ nào đó để cân đối sẽ dẫn đến khó theo dõi, cân đối tình hình tài chính.

“Sinh viên cũng chưa biết phân biệt được cách quản lý tài chính hiệu quả sẽ khác với việc kiếm thật nhiều tiền hoặc là tiết kiệm thật nhiều. Quản lý tài chính hiệu quả là chúng ta "liệu cơm gắp mắm", vun vén trong số tiền mình có để xác định phạm vi được chi tiêu. Vì thế, việc làm ra thật nhiều tiền nhưng lại chi tiêu không có kế hoạch, quá phạm vi đó vẫn có thể khiến chúng ta rơi vào tình trạng mất cân bằng tài chính và khả năng chi trả. Còn đối với việc tiết kiệm tối đa hết mức có thể dẫn đến việc thiếu đầu tư chi tiêu cho những nhu cầu cần thiết để duy trì và phát triển cuộc sống”, chị Khánh Tiên chia sẻ.

Sinh viên chi tiêu khoảng 10 triệu đồng/tháng có đủ không?- Ảnh 3.

Khi chi tiêu cho những thứ không thiết yếu, bạn trẻ cần cân nhắc khả năng tài chính PHÚC KHA

Để quản lý tốt tài chính cá nhân và gia đình, chị Khánh Tiên khuyên người trẻ nên có một công cụ hỗ trợ để theo dõi được tình hình tài chính của mình. Ví dụ, lập một bảng ngân sách cá nhân, theo dõi được các nguồn thu nhập thường xuyên thời vụ, đề ra những mục tiêu tiết kiệm, xác định phạm vi được chi tiêu định kỳ là bao nhiêu.

Từ đó, cần phân loại chi tiêu nào thuộc về nhu cầu để ưu tiên rồi mới đến những thứ tùy chọn thuộc về mong muốn. Việc cân đối những chỉ tiêu kể trên giúp cho người quản lý tài chính kịp thời theo dõi các con số và là cơ sở để đưa ra quyết định tài chính cho bản thân, gia đình.

“Hiện nay, có rất nhiều công cụ, ứng dụng nhằm giúp chúng ta theo dõi các mục ngân sách được thuận tiện hơn. Dù có các công cụ hỗ trợ, nhưng điều quan trọng nhất vẫn chính là tính kỷ luật và quyết tâm của chúng ta trong việc quản lý tài chính của mình”, chị Khánh Tiên chia sẻ.

Chị Nguyễn Hoàng Khánh Tiên, đang là chuyên gia phát triển cộng đồng cho các tổ chức phi Chính phủ và tư vấn độc lập về thực hành kinh doanh có trách nhiệm cho doanh nghiệp tại Việt Nam. Chị có 12 năm làm việc trong lĩnh vực giảm nghèo đói, trao quyền sinh kế, giáo dục tài chính và phát triển thanh thiếu niên. Chị Khánh Tiên từng công tác 10 năm tại Tổ chức phi Chính phủ Save the Children và hiện là thành viên Hội đồng quản trị Mạng lưới ung thư vú Việt Nam. 

Theo Thanh niên

https://thanhnien.vn/sinh-vien-chi-tieu-khoang-10-trieu-dong-thang-co-du-khong-18524051412504007.htm 

  • Từ khóa

'Lực lượng đặc biệt' dãi nắng, dầm mưa hỗ trợ nhân dân đến viếng Tổng Bí thư

Là một trong những lực lượng có mặt sớm nhất tham gia phục vụ lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và về muộn nhất là các thanh niên tình nguyện. Với tình...
14:40 - 26/07/2024
428 lượt xem

Cùng một lúc, kiếm được nhiều tiền từ các công việc khác nhau…

Các bạn trẻ hiện nay có xu hướng làm nhiều công việc cùng lúc để tăng thêm thu nhập. Đồng thời, trước bối cảnh có nhiều cơ hội việc làm rộng mở, linh hoạt...
10:25 - 26/07/2024
516 lượt xem

Ướt đẫm áo xanh tình nguyện phục vụ người dân vào viếng Tổng Bí thư

Trời Hà Nội đang nắng bỏng rát bỗng chốc đổ cơn mưa lớn, lực lượng tình nguyện viên thủ đô vẫn bám các nút giao, hỗ trợ phân luồng và phục vụ nhân dân vào...
06:31 - 26/07/2024
638 lượt xem

Nhóm du khách dũng cảm cứu hai bé trai đuối nước ở Thác Mây

Thấy hai bé trai chới với giữa dòng nước, ba người đã nhảy xuống đưa lên bờ an toàn. Một người cũng bị kiệt sức nhưng được hai người còn lại hỗ trợ.
14:59 - 25/07/2024
1,023 lượt xem

Đưa di sản văn hóa vào sản phẩm khởi nghiệp

La Quốc Bảo (26 tuổi) hiện độc lập nghiên cứu về mỹ thuật và thiết kế ứng dụng di sản. Anh từng được nhắc đến với bộ sưu tập giày phủ họa tiết cung...
11:45 - 25/07/2024
1,079 lượt xem