Muốn phê bình mà trẻ không căng thẳng, bất trị, hãy dùng "phương pháp sandwich" - chính là bọc chỉ trích trong những lời ngợi khen.
Phương pháp sandwich liên quan đến các kỹ thuật giao tiếp khác nhau, giúp giải quyết xung đột một cách êm ái, dễ chịu, đặc biệt với trẻ.
Nhà tâm lý học cho trẻ em - tiến sĩ Daniel Amen chia sẻ rằng nhiều bậc cha mẹ có thói quen bày tỏ sự không hài lòng với con một cách thô lỗ, hoặc ngược lại, e sợ không dám bày tỏ thẳng thắn những cảm xúc của mình. Tiến sĩ chỉ ra hai đặc điểm có thể tạo ra sự khác biệt tích cực trong việc nuôi dạy trẻ, đó là kiên định và yêu thương.
Tưởng tượng chiếc bánh sandwich giống như việc dạy trẻ, thì các lớp của nó bao gồm:
Phương pháp sandwich kẹp các lời chỉ trích trong những lời ngợi khen.
Khi cha mẹ kiên định về hành vi không mong muốn của con cái, nhưng thể hiện nó bằng tình yêu, sự quan tâm và thái độ chân thành, họ sẽ luôn nhận được kết quả tốt.
Các bước của "phương pháp sandwich" bao gồm:
1. Khen ngợi
Trước khi bạn hiểu rõ điều trẻ làm, hãy cố gắng bắt đầu câu chuyện bằng những điều tích cực về trẻ. Điều này sẽ giúp phá vỡ sự căng thẳng. Điều quan trọng cần phải lưu ý ở đây, chính là những cụm từ chung chung như "con là một đứa trẻ tốt bụng"... không hiệu quả. Nếu bạn đang đề cập đến hành vi của con, tốt hơn nên nhắc lại một khoảnh khắc khi con bạn từng cư xử một cách tử tế, để trẻ được khuyến khích.
2. Nêu ý kiến của bạn
Ngay sau khi bạn chắc chắn rằng con đang lắng nghe mình, bạn bắt đầu có thể giải quyết các vấn đề hoặc hành vi mà bạn cho là không ổn. Một lần nữa, các quan sát, bình luận và nhận xét nên được cụ thể. Các cụm từ như "mẹ không thích hành vi của con", "con không được làm điều đó một lần nữa", không những không chỉ ra sai sót của trẻ, mà chỉ càng khiến đứa trẻ không hợp tác. Đừng mắng trẻ, cũng đừng chỉ cho chúng cư xử thế nào cho phải phép, thay vào đó, hãy cùng nhau đưa ra giải pháp để cải thiện tình hình bằng cách nói chuyện dân chủ.
3. Hỏi ý kiến của trẻ
Sau khi bạn đã hoàn thành việc nêu ý kiến, cần cố gắng nhận phản hồi từ con. Việc lắng nghe xem trẻ đón nhận những chia sẻ của bạn như thế nào rất quan trọng. Cần hỏi trẻ xem nó có hiểu điều mà bạn nói hay không, và chúng có đồng ý với điều đó, hay có bất cứ điều gì muốn nói hay không? Nếu trẻ muốn tranh luận thì cũng chớ căng thẳng, hãy duy trì một giọng điềm tĩnh, lắng nghe, cố gắng đừng ngắt lời chúng, sau đó là thảo luận vấn đề với nhau.
4. Đừng quên nói cho con bạn yêu chúng nhiều thế nào
Điều quan trọng là khi cuộc trao đổi chấm dứt, bạn không để lại trong trẻ ấn tượng rằng chúng đã làm bạn thất vọng, và bạn không còn yêu chúng nữa. Điều này có thể phát triển cảm giác tội lỗi to lớn trong tâm trí trẻ, hoặc chúng có thể sẽ bắt đầu cư xử tệ hơn như một cách phản kháng. Nên kết thúc cuộc nói chuyện bằng một lời khen cụ thể, hãy cố gắng đừng sử dụng những câu nói chung chung, mà quan trọng là bằng cảm xúc thật nơi bạn.
Chúng ta đều biết rằng chẳng có đứa trẻ nào hoàn hảo. Nhưng chúng ta cần tìm kiếm những điều tốt đẹp nhất ở con cái và xây dựng những điều tích cực.
Theo VnExpress
https://vnexpress.net/doi-song/cach-phe-binh-ma-khong-khien-tre-bat-man-4031065.html