Có rất nhiều phẩm chất dẫn đến thành công và hạnh phúc, nhưng một trong những điều mạnh mẽ nhất là có được lòng dũng cảm. Cha mẹ hãy dạy con tự tin làm điều đúng đắn để đặt niềm tin vào chính mình.
Ảnh minh họa
Không bậc cha mẹ nào muốn con cái mình gặp những khó khăn, những trở ngại của cuộc sống. Nhưng để con chuẩn bị tinh thần cho những cú va chạm của cuộc sống khắc nghiệt ngoài kia, cha mẹ cần trang bị cho con 1 lòng dũng cảm, để con học cách đứng dậy khi vấp ngã và đối mặt với những thất bại hay nỗi buồn.
Không ít người thành công và đứng lên từ những thất bại. Nhưng đằng sau những thành công mà họ có được chính là lòng dũng cảm mà họ có được trong suốt quá trình chinh phục những khó khăn. Là 1 bậc phụ huynh, bạn phải giúp con hiểu rằng, có rất nhiều phẩm chất giúp con trở thành 1 đứa trẻ thành công và hạnh phúc, nhưng một trong những điều quan trọng là có được lòng dũng cảm, dũng cảm là cách con biết nhận lỗi sai và tự tin làm điều đúng đắn để đặt niềm tin vào chính mình.
Xây dựng niềm tin
Trong cuộc sống, để làm bất cứ việc gì thành công bạn cần phải có niềm tin. Nhưng niềm tin cũng như nhiều phẩm chất khác không phải tự mà có. Niềm tin cũng như một hạt giống cần được ươm mầm, chăm sóc và phát triển thường xuyên, liên tục.
Trái tim của mỗi người đều dũng cảm nếu có thể xây dựng một nền tảng tinh thần vững chắc và suốt đời. Mặc dù cách nuôi con của mỗi người khác nhau, nhưng có một sự thật không đổi đó là niềm tin về lòng dũng cảm sẽ được khởi xướng từ niềm tin sâu sắc vào việc biết phân biệt điều gì đúng và sai. Từ nền tảng đó, lòng dũng cảm sẽ xuất hiện một cách chậm rãi nhưng không bộc phát để khiến con mạnh mẽ đến mức hấp tấp. Hãy thường xuyên giao tiếp và chia sẻ với con những điều xảy ra khi bạn từng ở độ tuổi của con, dạy con về lịch sử của gia đình, kể những câu chuyện mà gia đình hay cá nhân một thành viên nào đó đã đối mặt và cách vượt qua, từ đó khơi gợi niềm tự hào gia đình và giúp con có cơ sở hình thành và thể hiện lòng can đảm một cách chừng mực.
Giúp con điều hướng rủi ro
Cuộc sống có vô vàn những rủi ro mà chúng ta không thể nào tránh khỏi. Dù cha mẹ có cố gắng bảo vệ con cái khỏi những tổn hại ảnh hưởng đến chúng thì việc chở che quá mức sẽ vô tình khiến con sợ hãi khi phải đối mặt với rủi ro. Nhưng cũng không có nghĩa là cha mẹ sẽ dạy con liều lĩnh trong tất cả mọi chuyện. Hãy khuyến khích con bước ra khỏi vùng an toàn và thử những điều mà chúng có thể phải đối mặt với rủi ro thì mới đạt được kết quả như mong muốn.
Hãy dạy con cách phân biệt đâu là rủi ro dại dột và đâu là rủi ro cần thiết để đạt được những gì chúng muốn. Khi con đạt được kết quả từ chính sự dũng cảm của mình, cha mẹ đừng quên khen ngợi và tán thưởng con. Từ lòng can đảm trong những cuộc phiêu lưu ấy, con sẽ học được cách sống, cách suy nghĩ và không ngừng làm mới mình.
Để con nếm mùi thất bại
Khi còn nhỏ trẻ được gia đình và cha mẹ bao bọc nhưng khi lớn lên ra đời, chúng sẽ được trải nghiệm mọi thứ trong cuộc sống, kể cả là những thất bại. Nếu con muốn làm điều gì đó, mà bạn có thể nhìn thấy được khả năng thất bại của việc đó, trong chừng mực có thể, đừng ngăn cản chúng. Đây là cơ hội để con trở thành 1 cá nhân độc lập. Hãy cho con hiểu rằng con cần có trách nhiệm với quyết định của mình và chấp nhận thất bại để dũng cảm hành động.
Sau vài lần thất bại, trẻ sẽ có được những bài học bổ ích mà không trường lớp nào dạy được. Dù có thất bại đi chăng nữa thì con cũng có thêm những bài học kinh nghiệm để không liều lĩnh những vẫn hình thành được lòng dũng cảm mạnh mẽ trong con.
Dạy con không cần phải lúc nào cũng dũng cảm
Không phải lúc nào con bạn cũng có thể dũng cảm trong mọi trường hợp bởi sẽ có lúc con cảm thấy chưa sẵn sàng, và lúc ấy hãy cho chúng thấy rằng việc đôi khi cảm thấy bản thân nhỏ bé, bối rối và cần sự giúp đỡ là hoàn toàn có thể. Điều này là lời nhắc nhở để bạn có thể đồng cảm với con hơn sau những khoảnh khắc con đã dũng cảm thực hiện những bước chuyển mình trong cảm xúc. Bởi vì một trong những phần quan trọng nhất của việc dũng cảm là biết rằng ở đâu đó bên trong con, “dũng cảm” sẽ ở đó khi chúng cần nhưng không phải lúc nào cũng nên có mặt để giải quyết những vấn đề của con.
Dũng cảm đôi khi là việc chống lại cảm xúc “nghĩa hiệp” muốn làm mọi thứ bởi những suy nghĩ đẹp đẽ của lòng tốt nhưng điều quan trọng là lòng dũng cảm của con phải nhận được sự nể trọng và giúp chúng phản ứng một cách thực tế với cuộc sống. Chỉ khi đó, chúng mới có thể nhận lại niềm vui một cách chân thực để nuôi dưỡng lòng dũng cảm của mình và tập trung vào quá trình thay vì kết quả./.
Theo giadinhvietnam
https://giadinhvietnam.com/4-cach-day-con-tro-thanh-dua-tre-dung-cam-d150679.html