Philippines tuyên bố sẽ đưa tàu ra bãi Sa Bin ở Biển Đông để giám sát 'các hoạt động được cho là bất hợp pháp của Trung Quốc nhằm xây đảo nhân tạo'.
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Philippines trong vụ chạm trán gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông ngày 30-4 - Ảnh: AFP
Ngày 11-5, văn phòng Tổng thống Ferdinand Marcos Jr cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã cử một tàu "để giám sát các hoạt động được cho là bất hợp pháp của Trung Quốc nhằm xây đảo nhân tạo". Ngoài ra, thêm hai tàu khác đang được triển khai luân phiên trong khu vực này ở Biển Đông.
Người phát ngôn Jay Tarriela của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines nói rằng đã có "sự cải tạo quy mô nhỏ" bãi cạn Sa Bin, mà Manila gọi là Escoda, và rằng Trung Quốc là "tác nhân có khả năng thực hiện nhất".
Theo ông Tarriela, một tàu Philippines đã neo đậu tại bãi Sa Bin để "ghi lại việc đổ san hô bị nghiền nát trên các bãi cát" với sự hiện diện "đáng báo động" của hàng chục tàu Trung Quốc, bao gồm cả tàu nghiên cứu và tàu hải quân.
Ông Tarriela cho biết sự hiện diện của tàu Trung Quốc tại bãi Sa Bin, cách tỉnh Palawan của Philippines 200km, trùng hợp với việc lực lượng bảo vệ bờ biển của Manila phát hiện hàng đống san hô chết và bị nghiền nát. Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines sẽ đưa các nhà khoa học biển đến khu vực để xác định xem các đống san hô là do tự nhiên hay do sự can thiệp của con người.
Ngoài ra, lực lượng này cho biết họ dự định duy trì "sự hiện diện lâu dài" tại bãi cạn Sa Bin, nơi tập trung của các tàu Philippines thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho quân đội Philippines đóng trên tàu chiến mắc cạn ở bãi Cỏ Mây.
Hãng tin Reuters cho biết Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa trả lời yêu cầu bình luận về những khẳng định của Philippines.
Động thái này của Manila có thể làm tăng căng thẳng đang leo thang nhiều tháng qua với Bắc Kinh sau những chạm trán giữa tàu hai nước trên Biển Đông thời gian qua.
Căng thẳng tiếp tục dâng cao cuối tuần này khi cố vấn an ninh quốc gia Philippines kêu gọi trục xuất các nhà ngoại giao Trung Quốc vì cáo buộc rò rỉ cuộc trò chuyện qua điện thoại với một đô đốc Philippines về vấn đề trên Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, nơi dòng chảy thương mại trị giá 3.000 tỉ USD đi qua mỗi năm. Tuy nhiên, phán quyết ngày 12-7-2016, do Hội đồng trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, nhấn mạnh Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để yêu cầu quyền lịch sử đối với các nguồn tài nguyên vượt quá các quyền mà UNCLOS quy định.
Bãi cạn Sa Bin nằm ở quần đảo Trường Sa của Việt NamBãi cạn Sa Bin nằm cách tỉnh Palawan của Philippines 200km và tọa lạc ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Liên quan hoạt động của các bên ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán rằng mọi hoạt động ở Biển Đông phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia được xác lập phù hợp với UNCLOS, không có hành động làm phức tạp tình hình, gia tăng căng thẳng, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. "Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, cùng đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ. |
Theo Trần Phương/ Tuổi Trẻ
https://tuoitre.vn/nghi-trung-quoc-xay-them-dao-nhan-tao-o-bien-dong-philippines-dua-tau-ra-giam-sat-2024051207482444.htm