Tại Trung Quốc, phương thức mua bán hàng qua livestream (phát trực tiếp) đang đối mặt làn sóng tẩy chay từ các nhà buôn bán sỉ, lẻ.
Vào thời kỳ đại dịch, trong nỗ lực phục hồi doanh thu giảm sút, các nhà buôn Trung Quốc đã chuyển từ kinh doanh thông qua các sàn thương mại điện tử sang phương thức bán hàng khi livestream.
Hiện nay, mọi thứ quay về quỹ đạo bình thường, ngày càng nhiều tiểu thương quay về phương thức mua bán truyền thống. Điều này vô tình khiến những người bán hàng thông qua phát trực tiếp rơi vào "thế khó".
Dịch bệnh kết thúc, phương thức livestream bán hàng không còn "được lòng" bởi các doanh nghiệp kinh doanh ngoại tuyến (Ảnh: IC).
Giữa tháng 7 tại Hàng Châu (Trung Quốc), tiết trời vô cùng oi ả và nóng bức. Tuy nhiên, Nannan (28 tuổi) như đang sống giữa trời đông. Cô đứng trên con đường đông đúc, trước mặt là điện thoại phát livestream, cố gắng bán bộ quần áo mùa đông mình đang mặc: Áo len, quần jeans cùng khăn quàng dày.
Trán lấm tấm mồ hôi, Nannan hứa hẹn sẽ cho người xem "một mức giá rẻ nhất mà mọi người từng thấy".
Nếu là vài tháng trước, cô gái 28 tuổi thường livestream trong khuôn viên chợ Sijiqing - nơi có điều hòa mát mẻ, là tổ hợp các doanh nghiệp bán sỉ quần áo tại Hàng Châu. Đây được mệnh danh là "phố quần áo số 1 Trung Quốc".
Tuy nhiên, giống như hàng nghìn người chuyên phát sóng trực tiếp để bán hàng khác, cô hiện bị cấm đi vào bên trong chợ.
Những người chuyên kinh doanh thông qua livestream đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức (Ảnh: Sixth Tone).
Tại Trung Quốc, khu Sijiqing đã trở thành tâm điểm của sự chú ý khi tuyên bố cạnh tranh với ngành công nghiệp mua bán livestream trị giá hàng nghìn tỷ nhân dân tệ.
Trước đó, vào tháng 3, mọi hình thức mua bán qua phát trực tiếp bị cấm tại một số chợ ở khu vực. Theo Sixth Tone, người vi phạm phải đối mặt với mức phạt lên đến 8.350 USD (khoảng 200 triệu đồng) và bị tịch thu thiết bị.
Thông báo này được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc, từ đó dấy lên làn sóng "cấm livestream" tại các chợ khác thuộc nhiều khu vực. Đi cùng là cuộc tranh luận về việc: Liệu các nhà bán hàng tại Trung Quốc có nên thoát khỏi việc phụ thuộc vào livestream để tăng doanh số bán hàng hay không?
Việc bán hàng qua phát sóng trực tiếp trên các nền tảng như Douyin - phiên bản Trung Quốc của TikTok - đã giúp số lượng lớn các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch.
Theo dữ liệu của chính phủ Trung Quốc, đến cuối năm 2021, quốc gia này có hơn 1,2 triệu người phát trực tiếp với hơn 10 tỷ mặt hàng được bán mỗi tháng chỉ riêng trên Douyin.
Tuy vậy, các nhà buôn sỉ phàn nàn rằng, việc những người phát sóng trực tiếp cung cấp nhiều mã giảm giá sâu đã gây ảnh hưởng đến đối tượng là khách hàng bán lẻ của họ.
Cụ thể, với chiếc áo có giá gốc là 50 nhân dân tệ (khoảng 165.000 đồng), các nhà bán lẻ sẽ bán với giá 200-300 nhân dân tệ (khoảng 660.000-990.000 đồng). Tuy nhiên, các kênh livestream sẽ "phá giá" xuống còn 100 nhân dân tệ (khoảng 330.000 đồng).
Để thu hút người dùng, các gian hàng livestream sẽ giảm mức giá bán ra của món hàng nhiều nhất có thể (Ảnh: VCG).
Mặc dù trở thành thị trường trị giá tỷ đô, việc livestream bán hàng không phải là lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp bán hàng kiểu truyền thống.
"Để cạnh tranh, các gian hàng livestream phải bán với giá thấp nhất. Nếu không, họ sẽ không thể biến những người dùng xa lạ trên mạng thành khách hàng tiềm năng được", Li Yu (30 tuổi) - chủ một cửa hàng tại khu Sijiqing - cho hay.
Hơn nữa, những quy tắc bán sỉ cũ như không hoàn trả, không đổi hàng, không thử đồ trước không còn được áp dụng khi mua qua livestream. Người bán sẽ thử đồ trong nhiều cỡ khác nhau cho khách hàng, luôn cung cấp chính sách hoàn tiền và trao đổi hàng trong vòng 7 ngày bất kể vì lý do gì.
Chính vì thế, các khách hàng bán lẻ của Li Yu đã phàn nàn, coi các đối tượng livestream là mối đe dọa cho việc kinh doanh của họ.
"Nhưng nếu không có những người livestream, chúng tôi đã không thể tồn tại trong 3 năm dịch bệnh", Chu - chủ cửa hàng thời trang tại khu phố quần áo số hàng đầu Trung Quốc - cho biết.
Sijiqing không phải là thị trường duy nhất ban hành lệnh cấm. Vào tháng 4, một chợ quần áo khác ở thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) đã đưa ra thông báo tương tự, đối tượng là những người cung cấp dịch vụ livestream.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/nhip-song-tre/tai-sao-nghe-livestream-ban-hang-kiem-rat-nhieu-tien-bi-cam-o-trung-quoc-20230824174034615.htm