Nơi dặm dài biên cương xứ Lạng, những "thành lũy xanh", "hàng rào mềm" đã được dựng lên góp phần bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia.
Các cán bộ đồn biên phòng kiểm tra cột mốc, tranh thủ kiểm tra hàng tre mới được trồng sát đường biên - Ảnh: HÀ THANH
Tháng 9-2022, 3.500 cây tre Bát Độ đầu tiên được trồng tại ba xã Cao Lâu, Xuất Lễ, Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn). Đến đầu năm nay 2023, hàng ngàn cây tre tiếp tục được trồng mới, số lượng lên đến 6.500 cây.
Đó là mô hình "Lũy tre biên giới Việt" do các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ba Sơn (Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn) lên ý tưởng, thí điểm trồng trên địa bàn biên giới. Hơn 6 tháng nay, bộ đội đã cùng người dân ba xã Cao Lâu, Xuất Lễ, Mẫu Sơn tự tay trồng, chăm sóc từng cây tre xanh tươi tốt.
Thượng úy Nguyễn Tố Linh - trạm trưởng trạm kiểm soát biên phòng Co Sâu (đồn biên phòng Ba Sơn):
"Thời xưa, cây tre giữ làng giữ nước, còn thời chúng tôi trồng tre là để giữ gìn và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia"
"Thành lũy xanh" bảo vệ biên cương
Trung tá Đặng Hùng Cường - đồn trưởng - nhớ lại ý tưởng ban đầu thôi thúc cán bộ, chiến sĩ ở đồn chung sức, chung lòng cùng bắt tay thực hiện.
Anh nhận thấy, từ xa xưa cây tre đã thể hiện tinh thần kiên cường, bất khuất của người dân Việt Nam. Do đó, việc trồng tre dọc theo biên giới khi cây trưởng thành sẽ tạo thành một hàng rào biên giới "mềm", vừa khẳng định chủ quyền lãnh thổ, vừa đem lại thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân từ việc khai thác măng.
"Đồng thời, khi bà con chăm sóc tre ở đường biên giới sẽ là những "chiến sĩ" hỗ trợ đồn biên phòng phát hiện dấu hiệu bất thường, người vượt biên để kịp thời cung cấp thông tin, phối hợp xử lý", anh Cường nói.
Mô hình “Lũy tre biên giới Việt” do các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ba Sơn (Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn) lên ý tưởng, thí điểm trồng trên địa bàn biên giới - Ảnh: HÀ THANH
Qua khảo sát, đồn biên phòng nhận thấy giống tre Bát Độ lấy măng dễ thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết trên địa bàn huyện Cao Lộc. Chưa kể chi phí trồng, chăm sóc cây tre không cao, thời gian cây trưởng thành và cho thu hoạch măng khoảng 2 năm, mang lại giá trị kinh tế cho bà con trên địa bàn.
Do đó, đồn biên phòng đã lựa chọn kỹ lưỡng giống tre Bát Độ từ vùng đất Phú Thọ và mang về trồng thử nghiệm trên địa bàn.
Trước khi trao tặng cây tre đến tay người dân, đồn biên phòng cũng tổ chức cho cán bộ thường xuyên đi địa bàn nghiên cứu kỹ thuật trồng, chăm sóc, sau đó hướng dẫn lại cho bà con để có thể tự tay chăm sóc, nuôi dưỡng cây tre.
"Đến nay, cây tre sinh trưởng, phát triển nhanh, cho chiều cao 60 - 70cm chỉ sau chưa đầy 6 tháng" - trung tá Hoàng Trung Hiếu, chính trị viên Đồn biên phòng Ba Sơn, thông tin.
Cùng bộ đội bảo vệ lũy tre nơi biên giới
Men theo 328 bậc thang lên cột mốc 1186/1, ông Hoàng Văn Tùng (ở xã Cao Lâu) hào hứng cho biết mỗi ngày ông đều đặn lên nương lên rẫy, đến thăm "hàng rào mềm" vừa được bộ đội giao cho gia đình chăm sóc đầu năm nay.
Trước khi trao tặng cây tre đến tay bà con, đồn biên phòng cũng tổ chức hướng dẫn lại cho bà con để có thể tự tay chăm sóc, nuôi dưỡng cây tre - Ảnh: HÀ THANH
Nhà ông Tùng có diện tích đất rừng khoảng 10 héc ta gần khu vực biên giới. Ông kể ngày trước gia đình chỉ làm nương, làm rẫy nhưng làm mãi cũng chỉ đủ ăn. Mới đây gia đình ông được cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ba Sơn giao chăm sóc 200 cây tre để phát triển kinh tế.
"Được các chú cho "cần câu", còn chỉ cho cách chăm sóc nên gia đình tôi mừng lắm. Các chú nói 2 - 3 năm sau sẽ thu hoạch được măng, chúng tôi được thu hoạch và mang đi bán, sẽ có thêm thu nhập" - ông Tùng bộc bạch.
Cũng như gia đình ông Tùng, ông Lý Văn Lài (xã Xuất Lễ) cũng chia sẻ, kể từ ngày được bộ đội biên phòng hướng dẫn kỹ thuật trồng tre, bà con trên địa bàn đều tin tưởng vào mô hình "Lũy tre biên giới" do Đồn biên phòng Ba Sơn khởi xướng.
"Gia đình tôi rất cảm ơn đồn biên phòng đã tặng tre cho gia đình để làm kinh tế. Gia đình sẽ cùng bộ đội biên phòng bảo vệ biên giới" - ông Lài nói.
Cùng các cán bộ đồn biên phòng kiểm tra cột mốc, tranh thủ kiểm tra hàng tre mới được trồng sát đường biên, thượng úy Nguyễn Tố Linh - trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Co Sâu (Đồn biên phòng Ba Sơn) - cho biết những ngày đầu tặng tre cho bà con trồng thì một số hộ dân chưa hiểu rõ về mục đích trồng.
"Do đó, trong quá trình tuần tra, bảo vệ biên giới, bộ đội biên phòng phải kịp thời tuyên truyền để bà con hiểu, hướng dẫn bà con cách chăm sóc.
Hiện tại ở mốc 1186/1 có khoảng 300 cây tre. Dự kiến khoảng 7 tháng nữa, cây tre sẽ sinh trưởng, phát triển tốt. Đến khoảng 1 - 2 năm nữa là bà con có thể lấy măng rồi" - anh Linh cho biết.
Cán bộ biên phòng kiểm tra cột mốc, đường biên giới - Ảnh: HÀ THANH
Các cán bộ đồn biên phòng kiểm tra cột mốc biên giới Việt - Trung - Ảnh: HÀ THANH
Việc trồng tre dọc theo biên giới khi cây trưởng thành sẽ tạo thành một hàng rào biên giới “mềm” - Ảnh: HÀ THANH
Dịp tháng 1-2023, Đồn biên phòng Ba Sơn, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Lạng Sơn tổ chức phát động và ra quân "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ". Nhận thấy ý nghĩa và lợi ích của việc triển khai mô hình "Lũy tre biên giới Việt", Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện. Dự kiến, trong dịp này sẽ có hơn 14.000 cây các loại được trồng trên toàn tuyến biên giới của tỉnh. Qua đó, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp cho đơn vị và tạo hàng rào mềm trên biên giới. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/luy-tre-viet-lam-hang-rao-mem-dung-thanh-luy-xanh-bien-gioi-20230228091944602.htm