Bằng đôi tay khéo léo của mình, Nguyễn Viết Công Thành - một bạn trẻ 9X ở vùng cao A Lưới (Thừa Thiên Huế) - như thổi hồn vào những viên đá cuội qua từng nét vẽ sống động.
Nguyễn Viết Công Thành - người vẽ tranh trên đá cuội - Ảnh: L.CHI
Vẽ tranh trên đá cuội vốn không quá xa lạ trong giới hội họa nhưng không phải ai cũng có thể sống được với nghề và đưa tác phẩm của mình đến với người yêu hội họa khắp muôn phương. Nhưng chàng trai 9X ở phố núi A Lưới ấy lại đang làm được cả hai: vẽ tranh trên đá và sống được với nghề.
Càng vẽ tôi càng nhận ra chính cái xù xì, không cân xứng của mỗi viên đá ấy lại là nét độc đáo riêng có để từng bức tranh trên đá đều trở thành những phiên bản mới lạ độc nhất.
-NGUYỄN VIẾT CÔNG THÀNH-
Tranh trên đá cuội, tại sao không?
Công Thành tốt nghiệp ngành hội họa Trường ĐH Nghệ thuật Huế. Ra nghề, Thành chọn việc vẽ tranh tường trang trí cho các nhà hàng, quán cà phê. Đó là lúc "phải sống trước đã" như Thành nói nên tạm gác lại đam mê, hoài bão ấp ủ thời sinh viên, ưu tiên cho cuộc mưu sinh hằng ngày.
Cái duyên vẽ tranh trên đá đến với Thành khá bất ngờ, trong một lần cùng đám bạn ra suối chơi từ ba năm trước. Lang thang trên khe suối đầy đá cuội muôn hình muôn dạng, ý nghĩ tại sao không dùng cuội vốn là thứ nguyên liệu đầy rẫy ở quê mình để làm toan vẽ chợt lóe lên trong đầu Thành.
Nghĩ là làm. Thành cặm cụi nhặt từng viên đá về, cọ rửa thật sạch rồi phơi khô, sau đó bắt đầu pha màu, động bút. Nhưng vẽ tranh trên đá không hề dễ dàng như anh nghĩ. Bề mặt đá sần sùi, hình dáng không cân xứng cũng làm khó người cầm cọ khi muốn thể hiện ý tưởng.
Huyện miền núi A Lưới có nhiều con suối lớn nhỏ. Mùa khô, khi những cơn mưa dần thưa thớt, nước trong lòng suối cạn dần sẽ lộ ra lớp đá cuội đủ kích cỡ, hình dạng. Thành chờ khoảng thời gian ấy, vác theo chiếc bao nhỏ trên vai, lang thang khắp các con suối lần tìm những viên đá vừa mắt cho công việc vẽ tranh của mình.
Mỗi lần nhặt được viên đá cuội ưng ý, Thành đều nghĩ ngay đến ý tưởng mình muốn thể hiện trên viên đá ấy. Những viên đá vô tri, nằm im lìm giữa nắng gió, nhờ đôi bàn tay tài hoa của chàng trai bỗng khoác lên mình diện mạo mới, như có hồn hơn. Để có được những bức tranh tinh tế ấy, anh đã mất rất nhiều thời gian mày mò thử nghiệm, vẽ rồi tự sửa, tự rút kinh nghiệm cho chính mình.
Những tác phẩm tranh trên đá cuội của Nguyễn Viết Công Thành - Ảnh: L.CHI
Sống được với nghề
Người dân ở các bản vẫn hay bắt gặp hình ảnh Thành ngồi bên lòng suối săm soi giữa cái nắng chiều chói chang. Ấy là lúc anh đang ngắm nghía, kiếm tìm từng viên đá cuội cho những tác phẩm của mình. Nhiều người cũng ngạc nhiên mỗi lần nhìn thấy vậy.
Ngay cả mẹ Thành khi thấy con trai vác đá về chất đầy sau nhà dù rất tò mò nhưng vẫn lắc đầu vì chẳng biết "nó làm gì được với đám đá xù xì ấy". Bởi bà đã từng rất lo lắng từ cái ngày con trai mình quyết tâm theo ngành hội họa. Bà lo nghệ thuật không thể nuôi sống con!
Nhưng không phải thế. Chính Thành cũng không ngờ những bức tranh đá đầu tiên mình vẽ rồi đăng lên mạng xã hội, nghĩ cho vui thôi nhưng lại được bạn bè đón nhận nhiệt tình. Vậy là cứ thế nhiều người biết đến tranh đá 2D, 3D của anh.
Khách hàng đầu tiên là một người ở Hải Phòng đam mê sưu tập tranh đá. Qua mạng xã hội, họ biết đến tranh của Công Thành và tự tìm đến mua. Rồi những khách hàng từ nhiều nơi khác cũng tìm đến, mang những bức tranh đá cuội của chàng trai 9X rời thị trấn nhỏ, về với những địa chỉ mới ở TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội…
Tùy độ khó của tranh mà thời gian anh cần có để hoàn thành cũng khác nhau. Với những bức đơn giản, Công Thành có khi chỉ cần một đến hai tiếng là vẽ xong. Nhưng cũng có nhiều bức với độ khó cao, nhiều chi tiết nên đòi hỏi anh phải mất vài ba giờ hoặc lâu hơn mới hoàn thiện đến khi thật sự ưng ý với tác phẩm của mình.
Mỗi bức tranh đá của Thành có giá vài trăm nghìn đồng. Bức nào cầu kỳ, độ khó cao và tốn nhiều công sức hơn thường có giá tiền triệu. Thời điểm bùng nổ đại dịch COVID-19 lại là lúc Thành được rất nhiều khách hàng ủng hộ. Thế nên thu nhập từ nghề tay trái bỗng chốc thành nguồn thu nhập chính của chàng trai phố núi khi đó.
Anh họa sĩ trẻ ấy hiện vẫn đi làm nghề với công việc vẽ tranh tường trang trí đó đây. Nhưng giữa những khoảng thời gian đi làm nghề, Công Thành vẫn dành thời gian đều đặn để vẽ tranh trên đá cuội, vừa thỏa đam mê của mình, vừa đáp ứng nhu cầu của những người mê tranh đá.
Thổi hồn cho tranh đá cuội Công Thành chọn vẽ tranh trên đá dạng 2D, 3D và thường chọn phong cảnh thiên nhiên hoặc các con vật để vẽ. Những nét vẽ sinh động đến độ mỗi khi ngắm tranh, người ta dường như có thể nghe được cả tiếng con sao la đang cựa đôi sừng nhỏ giữa đại ngàn, hay tiếng đập cánh của chú bướm rất khẽ thôi giữa rừng già xanh thẳm. Lúc khác, lại tưởng như chú nhái đang chực chờ nhảy khỏi khe suối, rồi chú mèo ngoan hiền thu mình trong giấc ngủ yên lành. Hiện tại, Thành còn mở lớp dạy vẽ cho các em nhỏ ở huyện nhà. Anh không giấu ước mơ sẽ có một phòng trưng bày các sản phẩm tranh của mình trong tương lai gần. Anh cũng đang kết nối với các homestay tại A Lưới để thực hiện các tour du lịch trải nghiệm vẽ tranh trên đá cùng các chất liệu tự nhiên khác. Những dự định, ấp ủ cứ ngày một lớn dần cùng với niềm tin và cả tài năng của chàng trai xứ Huế mộng mơ nhưng rất khả thi. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/ve-tranh-tren-da-cuoi-20230222232918836.htm