Chỉ định sống một năm nhưng giờ đã là năm thứ 10 trong rừng, Miriam và chồng không muốn quay lại cuộc sống hiện đại nữa.
Miriam Lancewood, 35 tuổi và người chồng Peter Lancewood, 65 tuổi vừa làm diễn giả một hội thảo ở Hong Kong đầu tháng 11 về cuộc sống trong rừng của họ. Trong một thập kỷ qua họ đi bộ từ châu Âu, đến châu đại dương và hiện tại sống ở vùng Đảo Nam, New Zealand, lấy săn bắt, hái lượm để sống.
Những tưởng Miriam sẽ mang bộ dạng thường thấy như người nguyên thuỷ với áo quần lếch thếch, tóc tai loà xoà, nhưng thực tế cô có hàm răng trắng nhờ vệ sinh bằng tro, mái tóc suôn và không có gàu nhờ và một cơ thể khoẻ khoắn như nữ chiến binh.
"Cô ấy có sức mạnh hạ gục bất cứ người đàn ông nào trong một trận đấu tay đôi", Peter, chồng của Miriam cười nói.
Miriam và Peter sống trong rừng bước sang năm thứ 10. Ảnh: SCMP.
Đôi vợ chồng gặp nhau năm 2006 trong một chuyến du lịch Ấn Độ. Lúc đó Peter là một người chăn cừu, chuyên gia trồng rừng và một giảng viên đại học, trong khi Miriam chỉ mới 22 tuổi, là giáo viên thể dục và khát khao khám phá thế giới.
Cô gái quê Hà Lan và người đàn ông New Zealand chênh nhau 30 tuổi đã nhanh chóng "bắt sóng" nhờ những quan điểm sống tương đồng. Năm 2010, họ bán và cho đi hầu hết tài sản và bắt đầu sống trong rừng.
"Một trong những điều dũng cảm nhất mà tôi từng làm trong đời là rời khỏi nhà, đặt chìa khóa vào hộp thư cho đại lý bất động sản và đi đến sân bay chỉ với một chiếc túi. Từ đó, tôi trở thành người tị nạn trong cuộc sống hiện đại", Peter nói.
"Chúng tôi muốn trở thành một phần của tự nhiên, thay vì chỉ quan sát nó", Miriam nói thêm.
Ban đầu hành trang của họ là hai túi nặng tổng cộng 85 kg, có mọi thứ cần thiết từ yến mạch đến sữa bột, mật ong, gạo và rau... Cặp vợ chồng đã tập luyện làm quen cuộc sống trong rừng như khả năng chịu lạnh, thiếu điện, nước, công nghệ số. Họ dự tính chỉ sống kiểu này một năm, nhưng đến giờ đã 10 năm và họ chắc chắn sẽ không quay lại cuộc sống hiện đại.
Miriam làm nhiệm vụ săn bắn và hái lượm, trong khi chồng cô đảm nhận việc nấu nướng. Họ ăn khi đói và ngủ khi màn đêm xuống trong một cái lều.
Miriam dùng cung và súng săn để kiếm thức ăn. Ảnh: Mirror.
Vào mùa đông đầu tiên ở rừng, cô bị gàu và phải tìm nhiều biện pháp chống lại. "Chồng tôi bảo người Eskimo dùng nước tiểu vào sáng sớm để trị gàu. Tôi đã thử và cách này khá hiệu quả", Miriam tiết lộ.
Bệnh tật cũng là nỗi lo. Một lần Peter bị sốt rét tấn công và họ không có điện thoại để liên lạc, trong khi di chuyển tới làng gần nhất phải mất vài ngày. "Không có bác sĩ và chúng tôi ở giữa rừng. Đó là khoảnh khắc rất đáng sợ. Rất may chúng tôi có một hộp cứu thương và có thuốc điều trị sốt rét", cô nói.
Miriam cũng nhớ gia đình và bạn bè vì thường vài năm mới gặp họ một lần. Mỗi khi gặp thợ săn, cô sẽ nhờ họ gửi thư tới gia đình. Dù vậy, cô sẽ không đánh đổi cuộc sống của mình để quay trở lại thành phố. Cô không chịu được áp lực phải đi làm. Mỗi lần phải vào thị trấn mua vật dụng cần thiết, cô có thể bị cảm, do lây bệnh từ người khác.
Cặp vợ chồng có tiền tiết kiệm nên họ không lo lắng về tiền bạc. Trung bình mỗi năm họ chỉ tiêu 3.200 đôla (hơn 70 triệu đồng).
Peter hơn vợ tới 30 tuổi. Ảnh: Theguardian.
Với khoảng cách 30 tuổi, Peter hay bị nhầm là cha của Miriam. "Khi gặp Miriam, chúng tôi đều là người trưởng thành. Ai đó nói rằng các mối quan hệ phải thế này, thế khác thì đó là định kiến", Peter bày tỏ.
Ba năm trước, Miriam đã ra mắt cuốn sách Woman in the Wildernes (Người phụ nữ nơi hoang dã) và trở thành một hiện tượng ở châu Âu. Hiện tại cô đang viết cuốn sách thứ hai, dự kiến xuất bản năm 2020.
"Chúng tôi sống không có khái niệm thời gian, không có đồng hồ, không có ngày tháng, không bao giờ có cảm giác nuối tiếc đêm chủ nhật. Chúng tôi thậm chí không có gương và sẽ chẳng phải nhìn ngắm mình. Không có suy nghĩ về tiền, bởi vì chẳng có nhu cầu để tiêu. Đó là một trạng thái rất tự do", Miriam nói.
Theo VnExpress
https://vnexpress.net/doi-song/cap-vo-chong-bo-pho-vao-rung-lam-tarzan-4027587.html