Tìm việc làm thêm ngay từ năm nhất cũng là cách mà tân sinh viên sớm hòa nhập với cuộc sống mới và cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, tân sinh viên cũng cần lưu ý nhiều điều khi đi tìm việc làm thêm.
Chọn việc làm thêm phù hợp với lịch học
Từng làm thêm từ khi mới vào năm nhất đại học, Nguyễn Văn Tỷ, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết đã làm gia sư được 4 năm. Tỷ luôn chọn công việc này để vừa học, vừa kiếm thêm thu nhập. Thời gian làm gia sư của Tỷ thường rơi vào buổi chiều tối hoặc các ngày cuối tuần. Do đó, không ảnh hưởng nhiều đến lịch học ở trường.
Tỷ cho biết thêm, hiện nay có rất nhiều trung tâm tuyển dụng những gia sư là sinh viên. Trong đó, các kênh tuyển dụng gia sư thường có nhiều ở các trung tâm dịch vụ việc làm hay trên mạng xã hội. Mức lương phụ thuộc vào kinh nghiệm cũng như thâm niên làm việc. "Mức lương gia sư đối với sinh viên năm nhất hiện nay dao động từ 80.000 đến 100.000 đồng/giờ khi dạy kèm cho học sinh ở bậc THPT", Tỷ nói.
Phục vụ quán cà phê, nhà hàng phù hợp với tân sinh viên khi muốn tìm việc làm thêm Dạ Thảo
Còn Nguyễn Khoa Nam, sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng từng làm thêm kể từ khi mới vào giảng đường được 2 tháng. Lý do Nam đi làm thêm là vì lịch học còn trống nhiều, cộng với mức sống ở TP.HCM quá cao nên muốn kiếm thêm thu nhập. Nam từng chọn nhiều việc làm thêm vào năm nhất đại học, như: nhân viên bán hàng, phục vụ quán ăn, marketing... Do đó, với các tân sinh viên, Nam khuyên có thể lựa chọn những công việc như trên để phù hợp và không ảnh hưởng nhiều đến việc học.
Nam cũng cho biết khi sinh viên làm những công việc trên thì các doanh nghiệp luôn hỗ trợ thời gian linh động. Thông thường, công việc sẽ chia theo ca, mỗi ca khoảng 4 hoặc 8 tiếng đồng hồ. Bên cạnh đó, sinh viên có thể đổi ca với đồng nghiệp nếu trùng lịch học.
"Đi làm thêm giúp mình có thu nhập, kinh nghiệm trong cuộc sống, kỹ năng mềm, cách giao tiếp. Tuy vậy, thu nhập thì không quá nhiều, chỉ đủ trang trải cuộc sống, tiền ăn và tiền trọ", Nam cho hay.
Đừng quá chú trọng làm thêm mà quên việc học
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Doanh nghiệp và việc làm sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhận thấy, qua nhiều năm, tân sinh viên rất chủ động trong tìm kiếm việc làm ngay khi vừa nhập học. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tân sinh viên chưa có kinh nghiệm trong tìm việc. Các bạn chỉ tìm việc qua lời giới thiệu từ bạn bè hoặc nghe theo những lời quảng cáo hấp dẫn như: việc nhẹ lương cao, không cần kinh nghiệm… Từ đó dễ bị lôi kéo vào những "ma trận" tìm việc và không có lối thoát.
Để không bị rơi vào tình trạng lừa đảo, bóc lột sức lao động khi tìm việc làm thêm, theo ông Phương tân sinh viên nên chọn đúng những nơi cung cấp thông tin việc làm như: trung tâm dịch vụ việc làm uy tín, hoặc website trung tâm giới thiệu việc làm ở các trường đại học. Đồng thời, tân sinh viên cũng nên lựa chọn việc làm thêm đúng với chuyên ngành theo học.
Thông thường những công việc dịch vụ, sinh viên được làm theo ca DẠ THẢO
Ông Phương cũng cho rằng hiện nay những việc làm phù hợp nhất với tân sinh viên thường rơi vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ và một số ngành kỹ thuật. Cụ thể như: phục vụ quán ăn, nhà hàng, cà phê; nhân viên bán hàng ở siêu thị tiện lợi; giúp việc nhà; gia sư; cộng tác viên dạy thêm ở các trung tâm ngoại ngữ; marketing… Mức lương dao động cho sinh viên khoảng 25.000 đồng/giờ, một số lĩnh vực yêu cầu chuyên môn cao hơn thì dao động trên dưới 30.000 đồng/giờ.
"Riêng đơn vị của tôi luôn có mạng lưới rộng lớn với các doanh nghiệp, do đó vào thời điểm sinh viên nhập học luôn có hàng ngàn đầu việc chờ các bạn", ông Phương chia sẻ.
Ông Phương cũng khuyên tân sinh viên đừng nên sốt ruột tìm việc làm mà quên nghĩa vụ học tập, bởi việc học luôn quan trọng. Nếu xao nhãng việc học cũng vô tình làm mất đi cơ hội nghề nghiệp tốt cho tương lai.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/nhung-viec-lam-them-nao-phu-hop-voi-tan-sinh-vien-185230821165443164.htm