Thông tin cá nhân của người khác "có đầy" ngoài… thùng rác. Chuyện tưởng là đùa nhưng lại là sự thật.
Đó là chia sẻ của chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (còn gọi là Hiếu PC, Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin).
Theo Hiếu PC, việc rò rỉ thông tin cá nhân không chỉ xuất hiện trên mạng xã hội do những thói quen hớ hênh của mọi người. Mà ngoài đời thật, vì nhiều hành động chủ quan, không ít người đã vô tình làm lộ thông tin cá nhân.
"Chẳng hạn như khi mua hàng qua mạng. Những thông tin gồm: tên, số điện thoại, địa chỉ nhà, email… được dán ngoài hộp đựng (được nơi cung cấp sản phẩm in sẵn nhằm để người giao hàng tiện liên hệ khách mua - PV). Nhiều người lấy sản phẩm và vứt hộp đựng nhưng lại quên xé bỏ đi thông tin cá nhân. Nên sẽ không quá lời nếu nói cứ ra chỗ thùng rác là có thể thấy được thông tin cá nhân của rất nhiều người", Hiếu PC cho biết.
Không xóa thông tin trong những hộp đựng sản phẩm khi mua hàng trên mạng có thể dẫn đến việc lộ lọt dữ liệu cá nhân Phong Linh
Theo Đoàn Huỳnh Huy (28 tuổi), làm việc tại Công ty phần mềm ứng dụng Đà Nẵng (TP.Đà Nẵng), nhiều người trẻ thường chủ quan mỗi khi gửi các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính đến các nơi sửa hay bảo hành. Nếu người tiếp nhận có ý đồ xấu sẽ dẫn đến việc bị ăn cắp dữ liệu, lộ thông tin cá nhân.
Theo Hiếu PC, có nhiều người vô tư làm thẻ khách hàng ở các rạp chiếu phim, khu vui chơi giải trí, những cửa hàng ăn uống, trung tâm ngoại ngữ… để rồi sau đó mới giật mình là vừa cung cấp, tiết lộ thông tin cá nhân.
"Cũng có những trường hợp, vì nhẹ dạ cả tin mà mọi người đưa căn cước công dân để người khác chụp ảnh. Hoặc bị dẫn dụ bằng hình thức mua lại thông tin cá nhân với giá rẻ. Đó là minh chứng cho việc hiện nay ý thức bảo mật thông cá nhân của nhiều người chưa cao. Việc này không những khiến lộ thông tin cá nhân mà còn vô tình tạo cơ hội cho kẻ xấu mở khoản vay online, chiếm đoạt tiền hoặc thực hiện các hoạt động phi pháp", Hiếu PC nói.
Tiến sĩ, thiếu tá Trần Ngọc Mai, giảng viên Trường ĐH An ninh nhân dân (TP.HCM), cho biết: "Thông thường, khi giả mạo các cơ quan chức năng như: công an, tòa án, viện kiểm sát, cơ quan thuế… để gọi đến thì trước đó, kẻ xấu đã có thông tin cá nhân của người được gọi. Thậm chí, chúng sẽ "khuất phục" sự nghi ngờ của "con mồi" bằng cách đọc đúng cả số CCCD, số nhà, địa chỉ cơ quan… rồi sau đó "bày vẽ" nhiều chuyện. Chúng cũng có thể yêu cầu cung cấp thêm những thông tin khác mà chúng chưa có hoặc đang cần để sử dụng như: thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP…".
"Đối với những trường hợp này, chúng ta phải hết sức bình tĩnh. Dù người gọi đến tự xưng là đại diện cơ quan chức năng và đọc đúng tất cả những thông tin cá nhân của mình; hay thậm chí là những đối tượng này còn video call (gọi video - PV) với quân phục, cấp hàm của ngành công an; phải khẳng định rằng không cơ quan công quyền nào giải quyết những vụ việc của công dân bằng hình thức như vậy. Điều cần làm là nhanh chóng bật chế độ ghi âm lại cuộc gọi ấy. Đặc biệt là tuyệt đối không làm theo những gì chúng yêu cầu như cung cấp thêm thông tin, chuyển tiền… Sau đó, cần đến cơ quan công an gần nhất để trình báo về vụ việc", thiếu tá Mai hướng dẫn.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/ngoai-thung-rac-co-nhieu-thong-tin-ca-nhan-185230817164634047.htm