Tình hình Venezuela diễn biến hết sức căng thẳng khi phe đối lập nước này được một nhóm “nhỏ” quân đội ủng hộ, âm mưu đảo chính.
Tuy nhiên, âm mưu vừa “nhen nhóm” này đã bị chính phủ hợp hiến của Tổng thống Nicolas Maduro dập tắt tức thì. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đã lên án ý đồ sử dụng “bạo lực” để giải quyết khủng hoảng, đồng thời kêu gọi đối thoại giữa các bên.
Tuần hành ủng hộ ông Maduro ở Venezuela. Ảnh: EFE
Hiện tình hình đã nằm trong quyền kiểm soát của Chính phủ hợp hiến Venezuela. Phát biểu trước những người ủng hộ, Tổng thống Maduro hôm 1/5 đã bác bỏ thông tin về việc ông định rời khỏi đất nước, tới Cuba để trốn khỏi cuộc đảo chính; đồng thời cáo buộc Mỹ đứng đằng sau âm mưu này, với sự chỉ đảo trực tiếp từ Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton.
“Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói rằng, tôi có 1 chiếc máy bay đợi để chạy trốn sang Cuba. Rồi lực lượng của Nga đã đưa tôi ra khỏi máy bay và cấm tôi rời khỏi đất nước của mình. Ông Pompeo đã nói dối. Cố vấn an ninh Mỹ John Bolton là người đã ra lệnh cho các thành phần quân sự và dân sự tại Venezuela tham gia đảo chính. Tuy nhiên, âm mưu này đã bị đánh bại”, ông Maduro nói.
Nhà lãnh đạo Venezuela chỉ trích một số lãnh đạo phe đối lập âm mưu đảo chính và kêu gọi hàng nghìn người dân hỗ trợ âm mưu này. Theo ông Maduro, đây là hành động “chưa từng có” trong lịch sử của các quốc gia dân chủ trên thế giới, và rằng liệu đảo chính có thể mang lại hòa bình? Dự kiến, Cơ quan Tư pháp Venezuela sẽ sớm tiến hành một cuộc điều tra nhằm vào những người có liên quan, với cáo buộc phạm tội “phản quốc”, chống lại hiến pháp.
Âm mưu đảo chính bất thành, cuộc tuần hành “lớn nhất lịch sử” phản đối chính phủ do thủ lĩnh đối lập Juan Guaido kêu gọi ngày 1/5 cũng bị “dập tắt” theo. Phần lớn người biểu tình phản đối chính phủ ở thủ đô Caracas đã trở về nhà vào chiều qua (theo giờ địa phương). Một số nhóm nhỏ khác đã bị cảnh sát và quân đội Venezuela giải tán. Một thủ lĩnh đối lập khác là Leopoldo Lopez cũng đã phải tạm trú trong Đại sứ quán Tây Ban Nha.
Thay vì biểu tình phản đối, những cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ hợp hiến Venezuela, cả trong và ngoài quốc gia Nam Mỹ này đã diễn ra.
Tại Venezuela, phát biểu trước người dân tuần hành ủng hộ, Tổng thống Maduro cho biết, ông sẽ tiến hành 1 cuộc “đối thoại” vào cuối tuần này, để lắng nghe ý kiến người dân, sẵn sàng đưa ra các biện pháp sửa đổi thiếu sót của chính phủ, đồng thời cải thiện tình hình đất nước.
Tại Cuba, thậm chí là cả Mỹ, nhiều người dân xuống đường tuần hành trong ngày Quốc tế Lao động (1/5), kêu gọi Mỹ hay đứng bên ngoài cuộc khủng hoảng tại Venezuela. Người dân Cuba cũng lên án các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào nước này, đồng thời bác bỏ các cáo buộc mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump, rằng Cuba đang triển khai quân đội tại Venezuela để ủng hộ chính quyền của Tổng thống Maduro.
Những diễn biến tại Venezuela vừa qua cũng đã làm nóng những căng thẳng của mối quan hệ Nga – Mỹ. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton hôm qua đã cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình Venezuela, ủng hộ chính phủ của Tổng thống Maduro. Theo ông Bolton, Venezuela không phải là nơi Nga nên can thiệp và điều này sẽ không giúp ích gì trong việc cải thiện mối quan hệ giữa hai nước. Trong khi, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng để ngỏ khả năng can dự quân sự vào Venezuela trong trường hợp cần thiết, đồng thời kêu gọi Nga “giảm bớt” sự ủng hộ Tổng thống Maduro.
Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm giữa 2 Ngoại trưởng Nga - Mỹ, hôm qua (1/5), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cáo buộc ngược lại, lên án Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela, đe dọa tính mạng của nhà cầm quyền nước này. Theo ông Lavrov, điều này đã vi phạm luật pháp quốc tế và nếu tiếp diễn sẽ gây ra những hậu quả “nặng nề”. Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh, chỉ có người dân Venezuela mới có quyền quyết định số phận của mình.
Cũng giống như Nga, trước thông tin về âm mưu đảo chính do phe đối lập kêu gọi tiến hành, quốc tế, trong đó có cả các nước phương Tây và Mỹ Latin đều lên tiếng không ủng hộ một giải pháp “bạo lực”./.
Theo Đình Nam/VOV.VN