4
/
81270
Cần ý thức của doanh nghiệp trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
can-y-thuc-cua-doanh-nghiep-trong-xuat-khau-nong-san-sang-trung-quoc
news

Cần ý thức của doanh nghiệp trong xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Chủ nhật, 27/10/2019 | 07:50:57
844 lượt xem

Vẫn còn tình trạng có doanh nghiệp giữ thói quen xuất khẩu tiểu ngạch nên hàng hóa chưa được đóng gói theo đúng quy định, thậm chí còn cất giấu những nông sản mà Trung Quốc chưa cho phép nhập khẩu.

Quả thanh long. (Ảnh: Bùi Giang-TTXVN)

Quả thanh long. (Ảnh: Bùi Giang-TTXVN)

Chuyển sang nhập khẩu chính ngạch, Trung Quốc đã tăng cường thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động thực vật và chất lượng hàng hóa nông, thủy sản nhập khẩu.

Thực hiện điều này, thời gian thông quan hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đã tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tình trạng có thương nhân, doanh nghiệp vẫn giữ thói quen xuất khẩu tiểu ngạch nên hàng hóa chưa được đóng gói theo đúng quy định, thậm chí còn cất giấu hay đưa thêm những nông sản mà Trung Quốc chưa cho phép nhập khẩu.

Để làm rõ hơn vấn đề này, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam.

- Thông qua kiểm tra, kiểm soát, phía Trung Quốc đã phát hiện có hiện tượng một số thương nhân, doanh nghiệp xuất khẩu lấy các loại rau quả “đội lốt” nhau? Ông đánh giá thế nào về việc này?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Đây là việc làm không phổ biến, chỉ diễn ra ở một số thương nhân, doanh nghiệp, nhưng nó làm chậm cả quá trình giao hàng qua cửa khẩu, tạo thêm sự ách tắc.

Ví dụ như mặt hàng sầu riêng, trước đây Việt Nam thường xuyên xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên, từ khi Trung Quốc chuyển sang nhập khẩu chính ngạch và có danh sách các mặt hàng nông sản được phép nhập khẩu thì sầu riêng là mặt hàng chưa được phép nhập khẩu.

Do đó, đây vẫn là mặt hàng cấm xuất khẩu sang Trung Quốc. Cái gì càng cấm dĩ nhiên càng đắt và có lợi nhuận cao khiến doanh nghiệp tham lợi nhuận mà làm. Khi cho sầu riêng vào trong thùng thanh long, đối với Trung Quốc sẽ là hàng lậu và đã là hàng lậu thì đương nhiên bị bắt và trả ngược lại.

Hay việc có thông tin chôm chôm Thái Lan đội lốt chôm chôm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo tôi, điều này có hai khả năng. Một là ở miền Tây có nhiều nhà vườn đã trồng giống chôm chôm Thái nên sản phẩm giống nhau. Có thể bên Trung Quốc chưa cập nhật được nên bảo đó là hàng Thái Lan, nhưng thực tế đó là hàng Việt Nam trồng. Nếu doanh nghiệp lấy hàng Thái Lan về để xuất khẩu thì giá và chi phí sẽ tăng lên so với hàng Việt Nam.

Hai là doanh nghiệp có thể thiếu một số lượng khi đóng hàng nên đôi khi cho thêm vào để đủ chuyến hàng. Doanh nghiệp chỉ làm việc đó khi đóng hàng bị thiếu và theo tôi đây là nguyên nhân chính.

Việc gian lận thương mại về mặt hàng nông sản xuất khẩu chỉ diễn ra khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nguyên nhân của hiện tượng này không hẳn chỉ do doanh nghiệp Việt Nam mà một phần do thương nhân Trung Quốc. Vấn đề này có thể hiểu là sự móc ngoặc giữa thương nhân hai bên.

[Giảm thiểu thời gian thông quan nông sản ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh]

- Như ông nói hiện tượng trên không phổ biến và chỉ xảy ra đối với một số trường hợp, nhưng rõ ràng đã làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, thậm chí uy tín, hình ảnh của Việt Nam. Theo ông, các thương nhân, doanh nghiệp cần nhận thức vấn đề này như thế nào?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Nếu hiện tượng này cứ diễn ra thì phía Trung Quốc sẽ mất lòng tin và đương nhiên sẽ thực hiện kiểm tra, thậm chí tăng tần suất, kéo dài thời gian kiểm tra. Nước nhập khẩu có quyền nghi ngờ và kiểm tra, đây là điều mình không thể trách được.

Thường cứ vào vụ nông sản nào đó là hàng hóa về cửa khẩu nhiều, điển hình là mặt hàng thanh long vừa qua. Để giảm áp lực thông quan tại cửa khẩu, thay vì tập trung ở khu vực biên giới, các doanh nghiệp nên chọn các phương thức vận chuyển khác như đường biển để lên phía Bắc của Trung Quốc.

Nếu cứ tập trung ở khu vực này cộng với hiện tượng gian lận thương mại về mặt hàng xuất khẩu thì đương nhiên phía bạn phải thắt chặt, tăng tần suất kiểm tra. Việc xuất khẩu sang thị trường này sẽ khó khăn hơn.

Can y thuc cua doanh nghiep trong xuat khau nong san sang Trung Quoc hinh anh 1

Xe chở hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

- Hàng hóa bị dỡ ra làm lại, thậm chí là bị trả về do sai về bao bì, quy cách đóng gói. Điển hình như việc lô nhãn đầu tiên nhập khẩu vào Australia bị dừng thông quan do lỗi đóng gói không đúng quy định. Tại sao doanh nghiệp vẫn gặp phải tình trạng này, thưa ông?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Xảy ra tình trạng trên đôi khi do doanh nghiệp không nắm bắt kịp thời yêu cầu của đối tác, nước nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp chỉ trao đổi với khách hàng là nhà nhập khẩu, nhưng chính nhà nhập khẩu cũng chưa nắm bắt kịp thời những quy định của hải quan nước mình.

Doanh nghiệp không phải không tuân thủ mà do họ nắm bắt thông tin không kịp thời hoặc không đầy đủ quy định của nước nhập khẩu. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có hình thức ủy thác cho đơn vị vận chuyển lo thủ tục xuất nhập khẩu nên cũng có trường hợp doanh nghiệp sẽ không cập nhật kịp thời, dẫn đến phản ứng không kịp.

Như vậy, phần thiệt hại sẽ rơi vào doanh nghiệp xuất khẩu, thông thường sẽ bị hủy đơn hàng hoặc hàng bị trả về. Doanh nghiệp nếu gặp phải trường hợp này thì đây sẽ là bài học nhớ đời.

- Ông có khuyến cáo gì đối với doanh nghiệp khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Nguyên tắc là khi đưa hàng hóa sang một thị trường mới, doanh nghiệp phải có bộ phận chuyên trách nghiên cứu thị hiếu, thủ tục thông quan của nước đó. Doanh nghiệp phải nắm chắc những vấn đề đó.

Nhiều doanh nghiệp thấy được phép xuất khẩu là chỉ lo đưa hàng đi mà không để ý những vấn đề nêu trên. Trước khi xuất khẩu, cơ quan chức năng Việt Nam có kiểm tra, nhưng do quá nhiều hàng hóa nên họ không thể kiểm soát hết được.

Hàng gian lận thường được nhét sâu trong thùng cũng gây khó khăn cho cơ quan chức năng bởi họ không thể dỡ hàng ra kiểm tra chi tiết được. Nếu việc kiểm tra, kiểm soát quá lâu sẽ ảnh hưởng và gây thêm ách tắc.

Quan trọng nhất vẫn là ý thức của doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định trong nhập khẩu. Giải pháp trong kiểm soát là cần áp dụng công nghệ như máy soi hàng hóa. Nếu có hệ thống máy soi thì khó có chuyện "độn hàng" khác và thời gian thông quan cũng nhanh chóng.

Hiện nay, một số doanh nghiệp đã chuyển sang vận chuyển hàng hóa theo đường biển và việc thông quan rất nhanh, không gặp phải những vấn đề trên. Việc gian lận chủ yếu qua đường bộ vì tại các cửa khẩu chưa được trang bị công nghệ máy soi hàng hóa. Để giảm áp lực thông quan tại cửa khẩu, doanh nghiệp nên đẩy mạnh xuất khẩu lên phía Bắc của Trung Quốc.

Nếu cứ dồn xuất khẩu vào một vài cửa khẩu thì đương nhiên xảy ra ùn ứ. Một số doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi chuyển hàng từ đường bộ qua biên giới sang chuyển hàng bằng đường biển vào phía Bắc Trung Quốc. Sản phẩm của họ đi lên Thượng Hải thâm nhập sâu vào nội địa và rất thuận lợi, không gặp khó khăn gì.

Điển hình như thanh long vừa qua, một số tỉnh giáp Việt Nam cũng trồng nhiều thanh long. Doanh nghiệp lại đưa thanh long vào đúng khu vực trồng nhiều thanh long thì đương nhiên sẽ gặp khó khăn. Mùa vụ thanh long của Trung Quốc từ tháng 5 đến tháng 11, doanh nghiệp và nông dân cần chủ động dải vụ, tránh trùng với họ.

- Xin cảm ơn ông!

 Theo Bích Hồng (TTXVN/Vietnam+)

  • Từ khóa

Vietjet khai trương đường bay Hà Nội-Kuala Lumpur

Ngày 23/11, tại Kuala Lumpur (Malaysia), Vietjet chính thức khai trương đường bay mới kết nối Hà Nội và Kuala Lumpur, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại,...
16:57 - 23/11/2024
333 lượt xem

Giá USD tăng cao nhất trong năm

Tỷ giá đang chịu nhiều sức ép vào thời điểm cuối năm. Giá USD trong ngân hàng tăng cao ở mức kịch trần cho phép còn đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế...
08:57 - 23/11/2024
518 lượt xem

Trung Quốc trỗi dậy về công nghệ, Hàn Quốc đứng ngồi không yên

Sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc đang gây áp lực lớn lên các ngành công nghiệp và công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc.
20:04 - 22/11/2024
811 lượt xem

Xăng sinh học tiêu thụ ít, Bộ Công Thương thay đổi đề xuất điều hành giá

Hai mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến là RON 95-III và dầu diesel DO có thể sẽ được Bộ Công Thương công bố giá trần.
15:12 - 22/11/2024
941 lượt xem

Vé máy bay Tết đến hẹn lại căng

Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ 2025 không chỉ đắt đỏ mà còn khan hiếm, đặc biệt trên các đường bay tỉnh. Dù có mức giá gấp đôi ngày thường, nhưng nhiều chặng...
14:00 - 22/11/2024
947 lượt xem