Ông Ðặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, nông sản Việt Nam “tắc” ở cửa khẩu khi xuất vào Trung Quốc thời gian qua có thể do các lô hàng “lẫn” nông sản Thái Lan.
Nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc bị tắc ở Lạng Sơn mấy ngày qua. Ảnh: Duy Chiến
Ngày 24/10, bên lề hội thảo về triển lãm, hội nghị quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam, ông Nguyên cho rằng: Thái Lan là nhà xuất khẩu trái cây lớn nhất vào Trung Quốc, tiếp đó là Chi Lê và thứ ba là Việt Nam.
Theo ông Nguyên, các nước trên xuất khẩu số lượng ít hơn, nhưng giá trị thu về có thể lớn hơn, do công nghệ bảo quản, các loại giống của họ tốt.
“Một kg sầu riêng của Việt Nam bán được 5 đồng, nhưng họ được 10 đồng, như vậy là Việt Nam phải bán số lượng gấp đôi mới bằng của họ”, ông Nguyên nói.
Liên quan đến thông tin 470 xe chở thanh long, chôm chôm… của Việt Nam bị tắc ở cửa khẩu ở Lạng Sơn, ông Nguyên cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó vấn đề đảm bảo truy xuất nguồn gốc chưa tốt.
“Ngoài ra còn có trục trặc về giấy tờ. Bao bì in một đằng, giấy tờ khai một nẻo, nên kiểm dịch hải quan Trung Quốc tăng cường kiểm tra, kiểm soát… dẫn đến chậm thông quan”, ông Nguyên nói.
Theo ông Nguyên, Trung Quốc đang hướng vào việc xuất nhập khẩu chính ngạch, vụ việc trên sẽ giúp “rèn các doanh nghiệp Việt Nam đi vào
khuôn khổ”.
Về nghi ngại trong hàng chôm chôm Việt Nam xuất sang Trung Quốc có cả hàng Thái Lan, ông Nguyên cũng cho rằng, những vi phạm đó cũng làm ảnh hưởng đến kiểm tra hàng hóa.
Tại sao hàng Thái không xuất thẳng sang Trung Quốc mà “mượn đường” qua Việt Nam, theo ông Nguyên, có thể nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc cần đơn hàng lớn, trong khi nhà cung cấp Việt Nam không đủ, nên lấy hàng của Thái Lan bù vào.
Lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho rằng, trước đây, có tình trạng trái cây của Thái Lan tạm nhập về Việt Nam rồi tái xuất đi Trung Quốc, nhưng kim ngạch vẫn tính vào xuất khẩu của Việt Nam. “Tuy nhiên, bây giờ họ yêu cầu xuất chính ngạch rồi, thì việc đó không làm được”, ông Nguyên nói.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), trong 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu rau quả cả nước ước đạt 2,84 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp trong năm nay (từ tháng 5/2019), kim ngạch rau quả giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Nam Khánh/Tiền phong