9
/
90551
Chàng trai không tay chân từng suýt bị chôn sống
chang-trai-khong-tay-chan-tung-suyt-bi-chon-song
news

Chàng trai không tay chân từng suýt bị chôn sống

Thứ 2, 27/04/2020 | 09:23:22
370 lượt xem

Nay Djrueng, đứa con duy nhất của ông Kbôr Djoang ở xã Krông Năng, huyện Krông Pa học đến cao đẳng dù không tay, không chân từ khi vừa lọt lòng.

Nửa đêm ngày cuối tháng 4, Nay Djrueng vẫn lạch cạch bên chiếc máy tính xách tay trong phòng trọ nhỏ ở Bình Thạnh, TPHCM. Cậu dùng hai cái cổ tay lướt nhanh trên bàn phím. Mất ngủ nên Djrueng thức thâu đêm hoàn tất các công việc liên quan đến hoạt động thiện nguyện mình phụ trách và học thêm về dựng phim.

Sinh ra trong một gia đình 8 người con nhưng Nay Djrueng cùng hai người khác bị khuyết tật do di chứng da cam của bố. 

26 năm trước, người Jrai ở Krông Năng có một phen bàng hoàng khi cậu bé Nay Djrueng chào đời trong hình dạng kỳ dị: Không tay, không chân. Theo quan niệm cũ của làng, đứa trẻ là hiện thân của ma quỷ nên phải chôn sống kẻo gây họa.

Xót con nhưng không dám cãi lệ làng, vợ chồng ông Kbô Djoang chỉ biết ngồi khóc. Một người anh trai trước của Nay Djrueng cũng bị dị tật như cậu và đã bị chôn ngay khi vừa sinh. Lần này, một người họ hàng biết chuyện đã bế Djrueng bỏ trốn.

Người làng sợ xui xẻo không dám đến gần nhà ông Djoang nên sau vài ngày bỏ trốn, đứa trẻ lén về bên bầu vú mẹ mà không bị ai phát hiện. "Dù sao nó cũng là giọt máu của vợ chồng tôi nên vẫn cố nuôi và yêu thương con", ông Djoang nói.

Không chân, không tay nhưng Nay Djrueng vẫn lớn lên bình thường như những đứa trẻ Jrai khác. Cậu thèm được đi học nhưng sợ bị bắt nạt, sợ các anh, chị, em của mình xấu hổ. Nay Djrueng thèm lên rẫy, nhưng cha mẹ bận làm, không thể cho theo. Hàng ngày, cậu chỉ biết ngồi khóc một mình trong căn nhà đã khóa cửa.

Đôi dép đi ngược ra phía sau của Djrueng giúp cậu đỡ bỏng rát khi đi trên cát. Năm lớp 4, cậu được tặng chân giả, nhưng đau nếu di chuyển nhiều. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Năm cấp một, Djrueng có duy nhất bộ quần áo để đến trường. Đôi dép đi ngược ra phía sau của Djrueng giúp cậu đỡ bỏng rát khi đi trên cát. Năm lớp 4, cậu được tặng chân giả, nhưng đau nếu di chuyển nhiều. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mãi đến năm 8 tuổi, khi các chị, các anh đã rời trường làng, Nay Djrueng mới dám xin cha mẹ cho đi học. Ban đầu, ông Djoang chở con đến lớp. Được ba ngày, Djrueng bảo với bố "để tui tự đi với bạn".

Bằng "đôi chân" không đều nhau, cậu bé người Jrai đến trường cách nhà hơn 600 mét. Mùa nắng, cát bỏng rát khiến "đôi chân" trần sưng tấy. Mùa mưa, nước ngập đường làng, mẹ phải cõng cậu đến trường. Đến năm lớp 3, Djrueng năn nỉ mẹ mua cho đôi dép, gập ngược ra phía sau đi.

"Nó đi bằng đầu gối, nhưng có bạn bè rủ đi chơi là đi ngay. Nó vui vẻ, quậy lắm chứ không có hiền", ông Djoang nhớ lại. Suốt năm cấp một, cậu chỉ có duy nhất một bộ quần áo đến trường. Cứ sáng giặt phơi khô, chiều lại mặc đến lớp.

"Cuộc sống càng khó khăn càng thôi thúc tôi học để thay đổi đời mình", chàng trai hiện cao chỉ một mét kể.

Đến cấp hai, Djrueng được vào trường nội trú. Mọi sinh hoạt đều phải tự túc. Tuần nào các bạn cũng được bố mẹ đón về, chỉ Djrueng một mình ở ký túc xá. Vợ chồng ông Djoang còn bận nuôi đàn con ăn học, không còn thời gian cho đứa con xa nhà. Có những tuần, cậu đi bộ hơn 20 km về thăm nhà. 

Các thầy cô, bạn bè không bỏ quên cậu học trò khuyết tật. Biết trò không có cơm trưa khi phải học cả ngày, giáo viên hùn tiền mua cho Djrueng. Sách vở, tài liệu của cậu học trò khuyết tật được cha nuôi – là một thầy giáo trong trường mua tặng.

"Tình thương của thầy cô cũng tiếp sức cho tôi. Có lần tôi ốm suốt vài ngày liền, không có bố mẹ bên cạnh, thầy dạy Vật lý nấu cháo mang vào giường cho tôi ăn", Djrueng kể.

Học cấp hai, nhiều thầy cô "phát khóc" vì ngày nào kiểm tra, cậu học trò cũng không thuộc bài. Dù thức đêm học bài rất kỹ nhưng, Djrueng không thể trình bày kiến thức dưới dạng lý thuyết.

Để khắc phục, Djrueng cố gắng lấy điểm miệng ngay trên lớp. Trong các kỳ thi, cậu ghi điểm ở các bài tự luận. Mỗi tháng, được trợ cấp, cậu luôn dành tiền mua ít nhất hai cuốn sách nâng cao để ôn luyện. 

"Khiếm khuyết ngoại hình nhưng em ấy không hề mặc cảm. Djrueng thích hát và rất có năng khiếu", cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết, giáo viên dạy âm nhạc tại trường Phổ thông dân tộc nội trú Krông Pa kể. Đã về hưu sau khi chở hàng chục "chuyến đò", nhưng ấn tượng về cậu học trò Djrueng vẫn đậm nguyên trong lòng cô.

"Hoạt động nào Djrueng cũng tham gia. Các bạn làm lao động em ấy cũng cầm chổi đi quét. Chân em lết lết từ chỗ nọ sang chỗ kia. Tôi bảo đeo chân giả vào, nhưng Djrueng nói ‘đeo nhiều em đau lắm cô ạ’", nữ giáo viên về hưu rơm rớm kể.

Djrueng thắp nến tri ấn tại nghĩa trang liệt sĩ ở Đà Nẵng năm 2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Djrueng thắp nến tri ấn tại nghĩa trang liệt sĩ ở Đà Nẵng năm 2017. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Có lần huyện Krông Pa tổ chức cuộc thi "Tiếng hát quần chúng", cô Tuyết thấy Djrueng háo hức nên đăng ký để hai cô trò tham dự. Nhiều người nghi ngại khi một đứa trẻ không tay chân đại diện cho trường đi thi, nhưng năm đó cô trò Djrueng giành giải nhì.

Một lần xem chương trình truyền hình về "hiệp sĩ công nghệ thông tin" Nguyễn Công Hùng – người khuyết tật đã thành lập trung tâm tin học – Djrueng quyết định theo học cao đẳng công nghệ thông tin tại trường Đại học Đà Nẵng.

Lần đầu nhìn thấy cậu bạn người dân tộc khuyết tật, ăn mặc lếch thếch, Nguyễn Văn Tiến, quê Hà Tĩnh rớm nước mắt vì thương. Nhưng lên lớp, Tiến "sốc" khi thấy Djrueng tự tin giới thiệu về mình trước cả lớp. "Cậu ấy ứng cử làm lớp trưởng rồi làm hết 3 năm cao đẳng luôn. Hoạt động nào cũng hô hào anh em. Nếu Djrueng không có sức khỏe để tham gia thì đến cổ vũ", Tiến kể.

Các bạn trong lớp đề nghị đưa đón Djrueng từ ký túc xá đến trường nhưng cậu từ chối. Dù đi chân giả đau, nhưng cậu lớp trưởng này chưa từng nghỉ học ngày nào.

Djrueng trao quà cho học sinh khó khăn tại trường Tiểu học Krông Năng năm học 2018-2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Djrueng trao quà cho học sinh khó khăn tại trường Tiểu học Krông Năng năm học 2018-2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tốt nghiệp, Nay Djrueng đã xin việc ở một vài công ty, nhưng sau một thời gian cậu muốn tiếp sức cho những hoàn cảnh không may như mình nên nhận việc chăm sóc một phần website từ thiện. Năm 2014, Nay Djrueng xây dựng quỹ "Tiếp sức đến trường" để đồng hành với học sinh vùng sâu, vùng xa. Quỹ còn eo hẹp nên học sinh nghèo ở hai trường cấp một và cấp ba mà cậu từng theo học được ưu tiên.

Mỗi dịp khai giảng, Djrueng trực tiếp về trường trao quà. Nếu không kêu gọi được các mạnh thường quân, cậu tự bỏ tiền túi. "Tôi từng được rất nhiều người yêu thương, giúp đỡ, nên muốn giúp tiếp thêm lửa cho các em qua những món quà nhỏ", cậu nói.

Từng dạy Djrueng, thầy Dương Văn Cư, giáo viên vật lý trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Krông Pa không ngạc nhiên khi cậu học trò cũ liên hệ nhờ kết nối để tặng quà cho các em khóa dưới.

"Tôi vẫn nhớ ngày còn đi học, khi cả lớp bị phê bình, em ấy đứng ra nhận lỗi. Khi trường trao quà cho học sinh nghèo vượt khó, Djrueng thường chủ động nhường cho bạn khác. Em ấy không chỉ là niềm tự hào của trường mà còn là tấm gương sáng của ba xã nam sông Ba, Krông Pa, Gia Lai", thầy Cư nói.

Theo Phạm Nga/VnExpress

https://vnexpress.net/chang-trai-khong-tay-chan-tung-suyt-bi-chon-song-4090071.html

  • Từ khóa

Công dân 18 tuổi trở lên muốn hiến mô tạng phải đăng ký thế nào, tới đâu?

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa đăng ký hiến mô tạng và kêu gọi mọi người dân chung tay đăng ký, cứu sống người bệnh. Vậy người dân muốn đăng ký hiến mô...
07:34 - 21/05/2024
19 lượt xem

Sẽ bị phạt hàng chục triệu đồng nếu đánh bắt thủy sản bằng máy kích điện

Ná, mũi tên, súng "săn bắn" cá, máy kích điện bắt thủy hải sản tự chế… đang được nhiều người trẻ rao bán tràn lan trên mạng xã hội.
14:59 - 20/05/2024
430 lượt xem

Người trẻ học Bác để khát khao cống hiến cho cộng đồng

Sáng 19.5, nhân dịp 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị tuyên dương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư...
09:50 - 20/05/2024
535 lượt xem

Oái oăm nhận thiệp nhưng không biết người mời cưới là ai

Được bảo vệ gọi báo có thiệp mời cưới (chuyển bằng đường bưu điện), đúng tên mình nên tôi rất háo hức. Nhưng sau khi đọc đi đọc lại nhiều lần, tôi vẫn...
07:59 - 20/05/2024
585 lượt xem

Về quê sống tưởng không khó mà… khó không tưởng!

Mẹ lớn tuổi một thân một mình không ai chăm nên tôi định về quê sinh sống và lập nghiệp. Ở được vài tháng, tôi đành tất tả quay lại thành phố.
11:50 - 17/05/2024
2,027 lượt xem