Mẹ lớn tuổi một thân một mình không ai chăm nên tôi định về quê sinh sống và lập nghiệp. Ở được vài tháng, tôi đành tất tả quay lại thành phố.
Về quê vài tháng không thể xin được việc, tôi lại tất tả quay lại thành phố - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều lập luận cho rằng trăm nghìn vạn bạc không bằng sự kề cận, chăm lo các bậc phụ huynh khi đến độ tuổi già. Bởi đời người hữu hạn trăm năm, đi qua một phần tư kiếp sống, chúng ta còn có bao lần để được kề cận thăm nom hay chăm sóc.
Vậy nên, khi ba đột ngột qua đời, tôi đã gói ghém hết mọi công việc, đồ đạc để quay về. Những ngày đầu, tôi thả mình trong không khí bình yên đến trong lành của quê nhà. Sáng dậy sớm ngắm mặt trời, chăm sóc mấy chậu lan, cây cảnh. Trưa chiều phụ má mấy việc lặt vặt, đi xuống đi lên nhà dưới nhà trên, vậy mà cũng xong hết một ngày.
Ngại tìm việc bằng quan hệ và nói không với lót tay để có công việc bằng mọi giá
Về quê rồi, công việc cần lắm sự giao tiếp, gặp gỡ trò chuyện và trao đổi hai chiều dần rơi vào thế tắc nghẽn. Cơ hội công việc làm từ xa khó, hiếm. Ngược lại, ở quê nhà, tôi chưa biết phải làm gì khi công việc của mình gắn với xu hướng, truyền thông và giải trí.
Có vài người bạn khuyên tôi gửi hồ sơ xin việc nơi này, nơi nọ tại địa phương. Tôi cũng đọc và tìm hiểu, nhưng thực sự chưa có công việc nào thực sự phù hợp.
Những công việc đòi hỏi sáng tạo và nền tảng tri thức, bằng cấp hay học vấn, tôi tìm muốn đỏ mắt. Có lẽ các công ty, tập đoàn lớn đóng trên địa bàn đã có lực lượng nhân sự ổn định.
Một số công việc khác, gần gần với năng lực và kiến thức, phần lớn họ tuyển thêm kiểu "intern" (thực tập sinh) hoặc tuyển đại bổ sung nhân lực vòng ngoài, kiểu thêm theo thời vụ. Chưa kể, mức lương hoặc thu nhập của những vị trí này suy cho cùng cũng chỉ đủ tiền xăng xe hoặc chi trả các sinh hoạt phí rất cơ bản.
Một người bạn nói nhỏ: "Muốn xin việc lớn hoặc ổn ổn chút, cần có mối quan hệ".
Ở các miền quê, chữ "quan hệ" có thể được hiểu theo nhiều nghĩa. Đó có thể là phải thân thiết, có gốc gác hoặc có người này, người kia đứng ra bảo lãnh, giới thiệu. Mà trong các mối quan hệ đều có "quota", người trung gian giới thiệu nếu bằng sự quen biết gửi gắm thì lần sau cũng sẽ khó "có cơ" gửi thêm cho con cháu, họ hàng khác.
Tôi hiểu rõ điều đó nên cũng ngại nhờ vả. Còn nếu thiết lập "quan hệ" bằng tiền để có công việc thì đó không phải là lựa chọn của tôi. Bởi đơn giản tôi không có tiền để lót tay và không thích, cũng như không chọn cách đó để có được công việc bằng mọi giá.
Một tháng. Hai tháng. Rồi ba tháng. Tôi vẫn chưa thể tìm được công việc phù hợp với năng lực và kiến thức, kinh nghiệm bản thân đã trau dồi. Dù trước đó, một vài đội marketing của tập đoàn đóng trên địa bàn quê tôi phải thuê đến agency trước đây tôi từng làm để giúp họ làm truyền thông, nội dung cần có sự phá cách, sáng tạo.
Tôi thực hành cách sống tối giản, thắt chặt chi tiêu để cân đối kinh tế và trang trải bản thân. Sau hơn 3 tháng, sau khi thấy má nguôi ngoai trước sự ra đi của ba, tinh thần ổn định, nhất là khi má nói tôi cứ vào thành phố làm việc đừng có lo chi, tôi mới mạnh dạn vác ba lô đi.
Khó tìm việc nhưng đừng vội tiêu cực và phao tin thất thiệt
Trong câu chuyện tìm việc thích hợp ở quê nhà, tôi nhận ra mấu chốt vấn đề không phải là những cái khó do con người đặt ra với nhau bởi hai từ "quan hệ". Mặc dù tiền và vật chất trao đổi có thể tạo ra "quan hệ", nhưng quan trọng là sự kết nối với nhau giữa những người bôn ba nay về quê với quê hương, sở làm tại địa phương chưa từng có sự thiết lập trước đó.
Nhiều giám đốc công ty hay cán bộ địa phương sẽ không nắm rõ, hiểu được trình độ, khả năng của những người con quay về và tìm việc đột ngột. Chưa kể, với tính ổn định của nhân sự, phải có vị trí khuyết mới có thể tuyển thêm.
Bằng không, tuyển thêm một người mà phần đông lại đòi hỏi một mức lương xét về mặt bằng chung cao hơn nhân lực tại địa phương, xét về mặt kinh tế, chọn lựa đó vội vã và hoàn toàn không có lợi cho công ty, doanh nghiệp.
Một người bạn thân kể, công ty bạn ở quê từng tuyển một nhân sự cấp cao tại thành phố lớn quay về do anh giới thiệu. Việc đầu tiên nhân sự này làm là đưa ra nhiều yêu cầu và đòi hỏi, chưa kể thái độ lên mặt, tỏ ra "trên cơ" khó hòa hợp với tập thể.
Phút cuối, ban lãnh đạo công ty phải chọn cách ngừng hợp tác sau 2 tháng thử việc. Ngược lại, phía nhân sự bỏ phố về quê sinh sống và lập nghiệp lại cho rằng công ty bảo thủ, không chịu đổi mới và không biết cách quản trị, phát triển doanh nghiệp.
Không rõ thực hư thế nào, nhưng theo người bạn của tôi, dù cuộc hợp tác làm việc bất thành, chuyến về quê lập nghiệp thất bại nhưng đó không phải là bức tranh màu xám hoàn toàn. Vẫn có những trường hợp chấp nhận về quê làm lại từ đầu với mức lương và thu nhập thấp hơn cùng tinh thần cầu thị, hòa đồng với tập thể.
"May mắn là người bạn đó không phao tin thất thiệt, không chia sẻ cảm xúc tiêu cực về doanh nghiệp trên mạng xã hội nên mình ở giữa giới thiệu cũng không bị khó xử", người bạn kể.
Quay trở lại với câu chuyện tôi về quê rồi vội vã quay trở lại thành phố để tiếp tục, ngoài lý do khó tìm việc thích hợp, môi trường khó giúp cho sự nghiệp thăng hoa, phát triển, còn có một lý do khác nữa là mức lương và thu nhập doanh nghiệp tại địa phương chưa đáp ứng được.
Một người bạn sau khi xem CV và quá trình phát triển cùng thực tế đóng bảo hiểm xã hội cũng như thu nhập thật sự của tôi đã lắc đầu bảo, với mức lương này người ta có thể thuê được nhân sự địa phương đến 3-4 người.
Nếu tôi chấp nhận để có công việc và môi trường làm việc địa phương thì phải tự hạ mức lương mong muốn, hoặc cắt bớt quá trình, giấu bớt bằng cấp. Ngoài ra, để dễ kiếm việc nhanh, tôi từ bỏ vị trí chuyên viên hoặc chuyên gia trong lĩnh vực đã và đang đạt được thì may ra mới có cơ hội tìm việc.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/ve-que-song-tuong-khong-kho-ma-kho-khong-tuong-2024051520470591.htm