Được bảo vệ gọi báo có thiệp mời cưới (chuyển bằng đường bưu điện), đúng tên mình nên tôi rất háo hức. Nhưng sau khi đọc đi đọc lại nhiều lần, tôi vẫn không thể biết ai là người mời. Cô dâu, chú rể cũng chẳng để lại lời nhắn nào.
Ai cũng muốn tiệc cưới của mình đông, vui và thật ý nghĩa - Ảnh minh họa: TRIỆU VÂN
Không quen biết, chưa từng gặp mặt hay chỉ gặp nhau đúng một lần nhưng vẫn mời cưới, chuyện tưởng lạ mà thật ấy vừa mới cách đây chưa lâu.
Gặp đúng một lần, chưa kịp nhớ mặt vẫn được mời cưới
Thiệp mời viết đúng rõ ràng họ và tên, gửi đến đúng địa chỉ, nên gần như không có chuyện nhầm người. Tuy nhiên khi đọc tên cô dâu, chú rể, tôi hoàn toàn không biết họ là ai.
Tôi vào danh bạ điện thoại, nhập tên tuổi người đã mời cưới để truy tìm. Không có ai có tên đó. Lần tiếp vào Zalo, Facebook, thậm chí cả nền tảng Instagram tôi rất ít dùng để xem thử, nhưng vẫn chẳng có ai. Tôi phải lục lại danh sách khách mời trong đám cưới của mình cách 3 năm trước, với một hy vọng rằng có tên của cô dâu hoặc chú rể, lỗi ở mình khi đã quên họ, nhưng… chẳng có.
Bất ngờ hơn là một số anh chị đồng nghiệp ở công ty cũng nhận được thiệp. Và mọi người cũng không hề biết gì về cô dâu, chú rể. Khi biết chuyện, ai cũng ôm bụng cười vì đã lặng thầm truy tìm thông tin của chủ nhân tấm thiệp.
Và rồi, chút thông tin "nền" của chú rể cũng hiện ra. Chú rể là nhân viên của một công ty nọ, và từng có làm việc chung ở một hai dự án. Cả nhóm ngớ người vì có người chỉ từng gặp chú rể đúng một lần, có người còn chưa từng gặp gỡ, trò chuyện. Người từng gặp chú rể cũng lớt phớt, chẳng kịp nhớ mặt, cũng chẳng lưu thông tin liên lạc của nhau.
Đi thì vô duyên hết sức, không đi thì áy náy
Cả nhóm ở công ty tôi đã họp, bàn tính chuyện có nên đi đám này hay không.
Một anh trong nhóm nhất quyết không đi, cũng không gửi tiền mừng vì "quen biết gì nhau mà đi". Đến cả việc làm bạn bè của nhau trên mạng xã hội - điều hết sức đơn giản và "phổ thông" vô cùng nhưng cũng chẳng có, sao lại gửi thiệp.
Chị Nh. phân vân một chút bởi từng gặp chú rể… một lần, không đi cũng áy náy. Nhưng sau một hồi nghe phân tích, chị quyết định không đi. Bởi chắc gì khi tới đó chú rể và chị nhận ra nhau, khi đó thì thật sự vô duyên hết sức.
Nghe đâu đám cưới ấy dư rất nhiều bàn.
Cả xóm, cả làng chung sức phụ giúp khi nhà ai đó có tiệc, việc đại sự vốn vẫn là văn hóa tốt đẹp của người Việt - Ảnh: TRIỆU VÂN
Cả xóm góp tiền chung sức lo đại sự Bà Hoa (71 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) kể trước đây trong xóm nếu nhà ai sắp sửa có đám hỏi, đám cưới là cả xóm vui như Tết. Trước ngày cưới, trong xóm thường gom góp đủ thứ, từ trái mướp, mớ ớt… mang đến để lo đãi tiệc, cả xóm chung nhau nấu nướng, rửa dọn. Tùy mức độ thân tình, ruột rà, quý mến nhau mà đồ đoàn mang đến nhiều hay ít. Đó gần như trở thành thông lệ, văn hóa "bất thành văn", không ai ép ai nhưng ai cũng làm và thấy vui vì điều đó. "Cốt là phụ giúp gia đình thêm, bởi ai cũng biết cưới hỏi tốn kém vô cùng", bà Hoa nói. Cưới hỏi, lễ nghi tốn kém, nhưng theo bà Hoa thì không vì thế mà mọi người mời nhau theo kiểu vơ vét, được chăng hay chớ. Danh sách khách mời được liệt kê đầy đủ, rõ ràng, theo thứ tự ưu tiên (dòng tộc, họ hàng, làng xóm, bạn bè…). Cũng không có chuyện mời khách xã giao, quen biết nhau chút ít đã gửi thiệp, "mời vét kiểu thêm bát thêm đũa kỳ lắm, bị đồn quanh thêm xấu hổ". Với những gia đình đông con, danh sách khách mời của những đám sau gần như đều được tính toán chi li, cân nhắc và lược bỏ gọn nhất. Thậm chí bà Hoa cũng phải tính đến chuyện gia đình người được mời có bao nhiêu người con, từ đó cân đối tiền đi mừng cưới lại, cốt trước chung vui, sau phụ giúp gia đình. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/oai-am-nhan-thiep-nhung-khong-biet-nguoi-moi-cuoi-la-ai-20240519122828361.htm