Theo tính toán, EVN sẽ thu hơn 20.000 tỉ đồng từ việc tăng giá điện 8,36% từ ngày 20.3.
Ông Đinh Quang Tri - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Thông tin đến báo chí trong cuộc họp báo chiều 20.3 về điều chỉnh giá điện năm 2019, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tập đoàn này dự kiến thu thêm hơn 20.000 tỉ đồng từ việc tăng giá điện 8,36%.
Toàn bộ số tiền này được dùng để chi trả phần chi phí đầu vào tăng thêm. Cụ thể, EVN phải chi trả cho đối tác bán than cho điện là 7.000 tỉ đồng; chênh lệch tỷ giá khí trong bao tiêu 6.000 tỉ; một số chênh lệch tỷ giá của nhà máy điện ngoài EVN khoảng 3.825 tỷ đồng.
EVN sẽ báo cáo bộ Công Thương để bộ ra quyết định đối với từng nhà máy được hưởng chênh lệch tỉ giá. 3.835 tỉ đồng này, EVN sẽ phải tiến hành thanh toán ngay cho các nhà đầu tư, đáng nhẽ phải được thanh toán từ cách đây 2 năm.
Tổng chi phí thanh toán mà EVN phải thanh toán bổ sung là khoảng 21.000 tỉ đồng.
"Chúng tôi gần như là người trung gian đi thu rồi trả cho các đối tác cung cấp than, khí,..", ông Tri thông tin.
Như vậy ngành điện vẫn bị âm khoảng 1.000 tỷ đồng nếu chi trả hết các đối tác. "Khoản tiền này EVN phấn đấu giảm chi phí để tiết kiệm và sẽ được đưa vào năm 2019", ông Tri nói thêm.
Bộ Công thương công bố quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 được điều chỉnh với mức giá mới là 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế Giá trị gia tăng), tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh).
Trên cơ sở mức giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh; cơ cấu phụ tải điện năm 2018, dự báo năm 2019; giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện được xây dựng theo cơ cấu biểu giá quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg.
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giá điện tăng 8,36% sẽ làm CPI năm 2019 tăng trong khoảng 3,3% - 3,9%. Với mức tăng CPI này, việc điều chỉnh giá điện vẫn đảm bảo mục tiêu CPI năm 2019 được Quốc hội thông qua là dưới 4%.
Theo Phạm Dung/Lao Động