Ngành rau quả Việt Nam tiếp tục đón tin vui khi Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư cho phép nhập khẩu chính ngạch khoai lang, tổ yến vào nước này.
Ngày 10/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã tiếp nhận thông tin từ công điện hỏa tốc của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc về Nghị định thư xuất khẩu khoai lang, tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc.
Trung Quốc chính thức nhập khẩu tổ yến của Việt Nam
Trong ngày 9/11, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đã nhận được Nghị định thư (phía Trung Quốc đã ký), về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm tổ yến và khoai lang của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, khoai lang và tổ yến sẽ là sản phẩm nông sản thứ 12, 13 xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc sau 11 loại quả gồm: thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải và sầu riêng.
Đối với quả chanh leo, phía Trung Quốc đã đồng ý cho xuất khẩu thử nghiệm và chỉ đi qua cửa khẩu Quảng Tây của Trung Quốc. Sau khoai lang và tổ yến, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục các thủ tục để xuất khẩu quả bưởi và quả dừa tươi vào thị trường Trung Quốc.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhu cầu nhập khẩu tổ yến của thị trường Trung Quốc rất lớn, trong khi tiềm năng xuất khẩu tổ yến (yến sào) của Việt Nam rất dồi dào, chất lượng tổ yến Việt Nam đã được khẳng định.
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngành yến của Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện nay, cả nước có 22.087 nhà nuôi chim yến. Sản lượng yến của Việt Nam hiện đạt trên dưới 120 tấn, giá trị tương đương 450 triệu USD.
Khảo sát nhu cầu của một doanh nghiệp ở Phúc Kiến (Trung Quốc) cho thấy, hiện sản lượng yến của Việt Nam có thể xuất khẩu chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của họ, vì vậy, khi Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc được ký kết thì cơ hội cho ngành hàng triệu đô này ngày càng rộng mở.
Để đón nhận cơ hội từ thị trường, xây dựng thương hiệu yến sào Việt Nam lớn mạnh đủ tầm vươn ra thị trường quốc tế, xâm nhập thị trường Trung Quốc, tạo uy tín ở các thị trường cao cấp như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ và Canada…. ông Nguyễn Văn Trọng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, cần phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, gắn kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Đối với sản phẩm khoai lang, đây là một trong những loại cây trồng quan trọng của nước ta, tập trung nhiều nhất tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Nhiều năm liền, địa phương này có diện tích trồng khoai lang tím Nhật lớn nhất cả nước, ổn định ở mức trên 13 nghìn ha.
Để chuẩn bị tâm thế cho việc đưa khoai lang, mà chủ yếu là khoai lang tím Nhật xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng, sản xuất khoai theo tiêu chuẩn quy định. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, đơn vị đã làm hồ sơ cho 22 mã số vùng trồng với diện tích hơn 500ha cho cây khoai lang xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu khoai lang Việt Nam khoảng 39 triệu USD, trong đó khoai lang thô đạt trên 15,3 triệu USD, khoai lang chế biến đạt khoảng 23,1 triệu USD, còn lại là lá khoai lang.
Theo Nguyễn Hạnh/Báo Công thương
https://congthuong.vn/trung-quoc-chinh-thuc-nhap-khau-khoai-lang-va-to-yen-cua-viet-nam-226575.html