Ách tắc về khâu vận chuyển đang dần được cải thiện, nhưng doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp xe phụ thuộc linh kiện từ Trung Quốc lại đối diện nỗi lo mới, nguy cơ chậm tiến độ giao xe cho khách, giá bán tăng.
Chưa kịp vui cải thiện nguồn cung, doanh nghiệp ô tô đối diện nỗi lo mới do thiếu hụt nguồn linh kiện nhập khẩu - Ảnh: Công Trung
Không chỉ giá xe điều chỉnh tăng giá, nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và kinh doanh xe tại Việt Nam cho hay ngành ô tô chưa kịp vui khi khâu vận chuyển vừa được cải thiện lại đối diện nỗi lo mới tiếp tục gián đoạn chuỗi cung ứng linh kiện.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, tổng giám đốc một doanh nghiệp lắp ráp xe tải cho biết phần lớn linh kiện phụ tùng của đơn vị này nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chưa kịp phấn khởi với đơn hàng ký kết mới với đối tác cung cấp hàng ngàn xe, doanh nghiệp này đang lo lắng tiếp tục đứt gãy chuỗi cung ứng khi Trung Quốc đối diện với thiếu điện nên một số nhà máy sản xuất cầm chừng.
Chẳng hạn việc cắt điện ở Thành Đô (Trung Quốc) diễn ra trong bối cảnh nắng nóng kéo dài, các đơn vị dùng điện công nghiệp buộc phải "nhường" điện cho người dân sinh hoạt hằng ngày. Doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp, linh kiện chập chờn trong sản xuất khi bị cắt điện.
Thậm chí nhà máy Foxconn ở Thành Đô, chuyên sản xuất iPad, phải đóng cửa 6 ngày vì thiếu điện khiến tiến độ ra mắt sản phẩm mới có thể bị ảnh hưởng.
Đối tác sản xuất linh kiện mà doanh nghiệp này nhập về Việt Nam cũng đang trong diện ảnh hưởng. Do đó, vị tổng giám đốc này không khỏi lo lắng tới tiến độ sản xuất, lắp ráp để giao hàng đúng hẹn cho đối tác, chưa kể chi phí sắp tới sẽ dự kiến đội lên do khan hàng.
Các linh kiện, phụ tùng thay thế cho ô tô cũng tăng giá do khan hàng - Ảnh: Công Trung
Sau cuộc khủng hoảng chip bán dẫn, thiếu thủy tinh sẽ là vấn đề tiếp theo khiến các nhà sản xuất ô tô phải lo ngại. Việc Nga cắt giảm khí đốt đến châu Âu sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp sản xuất xe hơi.
“Việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Đức sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng thiếu phụ tùng khác và kính lái là một ví dụ điển hình”, Silja Pieh - chiến lược gia của thương hiệu hạng sang Audi - cho biết gần đây.
Được biết, thủy tinh thường dùng để chế tạo kính, và việc không thể tự sản xuất được kính sẽ buộc các hãng xe phải nhập khẩu bộ phận này từ các quốc gia khác.
Trong cuộc khủng hoảng chip, nhiều hãng xe đã thay thế một số chip theo thiết kế ban đầu bằng những loại chip khác để tránh việc giao hàng chậm, nhưng với chất liệu thủy tinh, họ sẽ khó khăn hơn để giải quyết.
Nhiều mẫu xe hơi tăng giá Bước sang tháng 9, nhiều hãng xe hơi đã tăng giá bán các dòng xe khiến nhiều khách hàng bất ngờ. Peugeot, Kia đã được nhà phân phối tại Việt Nam điều chỉnh tăng bắt đầu từ ngày 1-9. Mẫu Peugeot 3008 Active có mức tăng từ 20 - 40 triệu đồng/chiếc, đẩy giá mới dao động từ 1,1 - 1,2 tỉ đồng/chiếc. Mẫu Peugeot 5008 tăng 40 triệu đồng cho cả hai phiên bản Allure và GT, với mức giá mới lần lượt là 1,3 tỉ đồng và 1,4 tỉ đồng. Với mẫu xe KIA cho Thaco Trường Hải của tỉ phú Trần Bá Dương, sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam, cũng điều chỉnh tăng giá bán các mẫu xe Morning, K3, K5, Sorento và Carnival từ 5 - 40 triệu đồng. Theo đó, giá Kia Morning tăng từ 10 - 15 triệu đồng, có giá mới từ 389 - 449 triệu đồng tùy bản... |
Theo Công Trung/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-o-to-doi-dien-noi-lo-thieu-thuy-tinh-202209021207448.htm