Theo đại biểu Quốc hội, PVN là doanh nghiệp Nhà nước nhưng cũng là một doanh nghiệp rất đặc thù. Dự án luật lần này dành hẳn một chương quy định chức năng, nhiệm vụ của PVN.
Đại biểu Quốc hội: Cần làm rõ vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Ngày 3/6, Quốc hội dành thời gian nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) buổi sáng. Chiều cùng ngày, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án luật này.
Dự thảo luật sửa đổi dành riêng một chương quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết, dự án Luật tăng cường phân cấp thẩm quyền trong thực hiện hoạt động dầu khí. Theo đó là đã phân cấp cho PVN phê duyệt Kế hoạch đại cương phát triển mỏ dầu khí (ODP), phê duyệt điều chỉnh nội dung Kế hoạch khai thác sớm mỏ dầu khí (EDP), Kế hoạch phát triển mỏ dầu khí (FDP) và Kế hoạch thu dọn công trình dầu khí trong một số trường hợp nhất định, chấp thuận đốt và xả khí theo kế hoạch hằng năm liên quan đến an toàn vận hành, bảo dưỡng định kỳ của mỏ dầu khí.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Ảnh: Quốc Chính).
Về nội dung này, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định trách nhiệm của PVN đối với nội dung cụ thể của hợp đồng và ký kết, tổ chức thực hiện hợp đồng dầu khí, xử lý phát sinh trong quá trình triển khai hợp đồng dầu khí khi thực hiện vai trò theo ủy quyền của Chính phủ. Đồng thời đề nghị bảo đảm rõ ràng về phạm vi quyền và giới hạn nghĩa vụ, trách nhiệm khi PVN thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ.
Về trách nhiệm của Hội đồng thành viên PVN, lãnh đạo Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí quy định tại dự thảo Luật nhằm tháo gỡ vướng mắc của quy định hiện hành khi Thủ tướng Chính phủ đã cho phép PVN tham gia góp vốn vào hợp đồng dầu khí.
Tuy nhiên cơ quan này lưu ý, PVN lại phải báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, phê duyệt trước khi quyết định đầu tư.
Thảo luận tại tổ về Luật Dầu khí sửa đổi trong chiều 3/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cũng đã đề nghị cơ quan soạn thảo luật cần làm rõ vai trò của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Theo bà Kim Anh, PVN là doanh nghiệp Nhà nước nhưng cũng là một doanh nghiệp rất đặc thù. Dự án luật lần này dành hẳn một chương quy định chức năng, nhiệm vụ của PVN. Trong đó, PVN vừa tổ chức điều hành; vừa điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí; vừa giám sát hợp đồng dầu khí, cũng như phê duyệt chương trình công tác ngân sách, kiểm toán chi phí.
"Gần như chương trình khép kín, mang tính nội bộ, thế thì vai trò của cơ quan quản lý ở đâu?", bà Kim Anh đặt vấn đề. Đại biểu cũng nhận định cần cân nhắc cụm từ giám sát, bởi giám sát chỉ có Quốc hội và nhân dân được phép giám sát. PVN đi giám sát các hoạt động của mình thì cần phải xem lại.
Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương - cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát quy định đối với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn nhà nước tại PVN, doanh nghiệp 100% vốn của PVN.
"Quy định này làm rõ thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh, nếu giao cho PVN cả hoạt động giám sát nữa thì có nghĩa "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (đơn vị quản lý PVN) sẽ thực hiện chức năng giám sát, để đảm bảo tính khách quan", ông Diên cho hay.
Đại biểu đề nghị cần phải có chính sách bảo hộ dịch vụ dầu khí nội địa
Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu - cho rằng các chính sách của Nhà nước về dầu khí được quy định tại Điều 5 của dự luật đã được cụ thể hóa vào nội dung của 11 chương 64 điều của dự luật, tập trung quy định những nội dung đặc thù trong lĩnh vực dầu khí với 6 nhóm chính sách.
Tuy nhiên, bà đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thể chế hóa, bổ sung hoặc có Nghị định hướng dẫn cụ thể hai chính sách khác về dầu khí. Thứ nhất là các chính sách về dịch vụ kỹ thuật dầu khí, cần quy định và phân chia những nhóm dịch vụ nào các nhà thầu trong nước có năng lực thực hiện; nhóm dịch vụ nào khuyến khích nhà thầu nước ngoài tham gia, với yêu cầu tuân thủ chặt chẽ các quy định, tiêu chí này để khuyến khích, bảo hộ ngành dịch vụ dầu khí nội địa.
Thứ hai là chính sách về ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp nặng sản xuất vật liệu phục vụ ngành công nghiệp dầu khí nói riêng và công nghiệp nặng nói chung để tạo sự chủ động, thuận tiện tránh phải nhập khẩu, phụ thuộc vào bên ngoài. Các chính sách về đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực để hoàn thiện năng lực dầu khí Việt Nam đối với các mảng dịch vụ công nghệ cao.
Bà Yến cho biết, lý do cần phải cân nhắc bổ sung hai chính sách này là vì qua thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực dầu khí ngoài khơi ở các giàn khoan và lĩnh vực công nghiệp dầu khí trên bờ của Việt Nam chưa theo kịp yêu cầu, không cạnh tranh và theo kịp các nước.
Đối với lĩnh vực cơ khí dầu khí ngoài khơi, thực tiễn Việt Nam đã có các nhà thầu, tổ hợp nhà thầu có khả năng làm chủ công nghệ để tham gia đấu thầu quốc tế và cạnh tranh được với một số nhà thầu trong khu vực.
Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh còn nhiều hạn chế do hai nguyên nhân chính là không có phương tiện, thiết bị phục vụ các công tác ngoài biển như vận chuyển, lắp đặt, rải ống cần các tàu cẩu, tàu rải ống chuyên dụng. Các nhà thầu này cũng phải nhập khẩu phần lớn vật tư, nguyên liệu, thiết bị từ nước ngoài với giá thành cao, tốn thời gian; khó kiểm soát về chất lượng đi cùng với các rủi ro về giao dịch, vận chuyển.
Còn lĩnh vực công nghiệp trên bờ hiện nay chưa có nhà thầu Việt Nam nào có thể tự chủ về công nghệ để đáp ứng được năng lực làm tổng thầu thiết kế, mua sắm, thi công xây dựng hoàn thiện.
Các dự án công nghiệp trên bờ hiện nay khi đấu thầu đều do các nhà thầu nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga… đảm nhiệm vai trò nhà thầu chính chiếm hầu hết giá trị và công nghệ của gói thầu (khoảng 80% giá trị).
Các nhà thầu Việt Nam nếu tham gia thì chỉ đơn thuần thực hiện các phần việc thi công xây lắp có giá trị thấp, thâm dụng nhiều lao động cơ bản, hàm lượng chất xám ít và khó có khả năng phát triển về trình độ khoa học kỹ thuật. Do vậy, theo bà, cần phải có chính sách bảo hộ dịch vụ dầu khí nội địa, có lộ trình chung để phát triển năng lực khoa học kỹ thuật công nghệ quốc gia, giúp cho ngành dầu khí dần gỡ bỏ tiềm thức chỉ làm gia công, thi công, chế tạo đơn thuần và đưa các doanh nghiệp trong nước lên làm chủ về công nghệ, tiệm cận với cuộc cách mạng công nghiệp.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/luat-dau-khi-sua-doi-danh-han-mot-chuong-ve-pvn-dai-bieu-luu-y-20220603165507226.htm