Thực hiện Đề án "Phát triển nông sản hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh giai đoạn 2019-2021", năm nay, Sở Công Thương Bắc Giang hỗ trợ một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn đầu tư máy móc hiện đại, thiết kế tem truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác. Qua đây giúp các đơn vị nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản và tiêu thụ thuận lợi.
Chất lượng tốt, bao bì đẹp
HTX mỳ Chũ Dậu Anh, thôn Cảnh, xã Nam Dương (Lục Ngạn) là đơn vị được tham gia đề án. Theo chị Nguyễn Thị Kiều Anh, Giám đốc HTX, tháng 3/2021 đơn vị được Sở Công Thương hỗ trợ một máy tráng mỳ, nồi hơi công suất lớn và bao bì, nhãn mác mới với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Máy đi vào hoạt động nâng công suất tráng mỳ đạt 250-300 kg/giờ, tăng 150-200kg/giờ so với trước. Sản phẩm làm ra có độ mỏng đồng đều, tỷ lệ đứt gãy giảm 90%, dễ cắt, phơi và bó.
HTX Sản xuất na dai Lục Nam được hỗ trợ thùng carton đựng na.
Chất lượng mỳ nâng lên, khi chế biến, sử dụng mỳ dai hơn. HTX được hỗ trợ thiết kế mới thùng carton 3 lớp và túi đựng mỳ cao cấp để đóng gói sản phẩm. Nhờ vậy, mỳ bảo đảm chất lượng, mẫu mã đẹp, đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng. “Kinh doanh online là phương pháp chính được HTX sử dụng để tiêu thụ hàng hóa. Từ khi được hỗ trợ máy móc, bao bì, túi đựng mới, chất lượng sản phẩm nâng lên, hình thức đẹp nên HTX đã liên kết với hơn 200 cộng tác viên bán hàng online tại nhiều trang thương mại điện tử và trên facebook, zalo. Hiện HTX có 7 hộ thành viên, sản phẩm chủ yếu là mỳ rau, củ, quả và mỳ trắng bao thai hồng. Bình quân mỗi tháng đơn vị cung cấp ra thị trường khoảng 60 tấn, tăng gấp đôi số lượng so với những làm mỳ thủ công. Sản phẩm của đơn vị có mặt ở nhiều tỉnh, TP trong cả nước”, chị Kiều Anh nói.
Tại huyện Lục Nam, HTX Na dai Nghĩa Phương (xã Nghĩa Phương) và HTX Sản xuất na dai Lục Nam (xã Huyền Sơn) vụ vừa qua tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn hẳn do được hỗ trợ bao bì, tem truy xuất nguồn gốc từ đề án phát triển hàng hóa đạt tiêu chí cấp tỉnh năm 2021. Mỗi đơn vị được thụ hưởng hơn 6 nghìn thùng carton đựng na in màu loại 5 kg, 10 kg và tem truy xuất nguồn gốc.
Ông Hoàng Văn Hướng, Giám đốc HTX na dai Nghĩa Phương cho biết: "Vụ na năm nay, nhờ có mẫu mã, bao bì đẹp nên đơn hàng tăng mạnh. Nhiều nhà hàng, siêu thị đặt mua với số lượng lớn. Hơn 200 tấn na của HTX được thu mua nhanh, giá bán cao. Vừa qua, chính vụ thu hoạch, sản phẩm đã khẳng định được uy tín về chất lượng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và đóng gói đẹp, phù hợp làm quà biếu, tặng nên na dai trái vụ được nhiều khách hàng đặt mua online, giá bán trung bình 40 nghìn đồng/kg.
Ngoài 3 đơn vị trên, giai đoạn 2019 - 2021, toàn tỉnh có hơn 20 doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ tham gia đề án. Đến nay, cơ quan chức năng tỉnh đã hoàn thành nghiệm thu.
Hướng đến sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc gia
Theo ông Dương Văn Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương), đề án giúp các HTX sản xuất mỳ và na dai trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã, liên kết hình thành vùng sản xuất tập trung và tiêu thụ thuận lợi hơn hẳn so với trước. Các HTX sản xuất mỳ theo phương pháp thủ công dần được thay thế bằng máy móc hiện đại; khắc phục tình trạng phụ thuộc vào thời tiết, giảm công lao động.
Đặc biệt, sau khi nghiệm thu sản phẩm đều được cơ quan chức năng chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc gia. Đây là điều kiện giúp nông sản tiêu thụ thuận lợi, nhất là tại các sàn thương mại điện tử trong thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Đề án giúp các HTX sản xuất mỳ và na dai trên địa bàn tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã, liên kết hình thành vùng sản xuất tập trung và tiêu thụ thuận lợi hơn hẳn so với trước. Trong đó, HTX sản xuất mỳ theo phương pháp thủ công dần được thay thế bằng máy móc hiện đại; khắc phục tình trạng phụ thuộc vào thời tiết, giảm công lao động trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Ông Dương Văn Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương) |
Qua tìm hiểu, bên cạnh những kết quả đạt được, đề án vẫn còn hạn chế nhất định trong quá trình thực hiện bởi việc sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ. Vì vậy, các đơn vị được hỗ trợ chưa phát huy hết hiệu quả khi đưa trang thiết bị hiện đại vào sử dụng. Để tiếp tục hoàn thiện và phát huy ưu điểm từ đề án, Phòng Quản lý thương mại tham mưu Sở Công Thương hằng năm lồng ghép nguồn kinh phí khuyến công tiếp tục hỗ trợ máy móc, tem nhãn, bao bì, xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, HTX.
Cùng đó, Sở Công Thương đề nghị các địa phương chủ động bố trí ngân sách sự nghiệp cấp huyện cho các đơn vị tham gia dự án. Bản thân các doanh nghiệp, HTX cần tích cực huy động mọi nguồn lực nâng cao năng lực, quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, quốc tế. Các đơn vị đã được hỗ trợ duy trì kết quả đạt được, mở rộng sản xuất, kinh doanh và thị trường xuất khẩu.
Tới đây, Sở Công Thương sẽ phối hợp cùng các đơn vị đánh giá tổng kết cả giai đoạn thực hiện đề án 2019-2021, sau đó trình UBND tỉnh xem xét, ra quyết định công nhận các sản phẩm đạt tiêu chí cấp tỉnh. Kết quả công nhận là căn cứ để Sở Công Thương và địa phương tiếp tục nhân rộng; đồng thời tổ chức xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao vị thế nông sản của tỉnh.
Theo Hoàng Phương/Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/370991/bac-giang-nang-gia-tri-nong-san-cho-hop-tac-xa.html