Động thái “ra đòn” với mạng xã hội WeChat của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến cộng đồng người Trung Quốc ở nước ngoài cảm thấy “sốc”.
WeChat trở thành tâm điểm kế tiếp trong căng thẳng Mỹ - Trung nhiều tháng qua (Ảnh: Reuters)
Với những người Trung Quốc đang sinh sống ngoài nước, WeChat còn hơn cả một ứng dụng nhắn tin khi nó còn dược xem là kênh để họ có thể duy trì liên lạc với bạn bè và gia đình ở quê nhà.
Vì vậy, khi Tổng thống Trump tuần trước ban lệnh cấm các công ty Mỹ làm ăn với WeChat, cộng đồng người Trung Quốc đã bị “sốc”.
“WeChat đã trở thành ứng dụng thân thuộc với cộng đồng người nói tiếng Trung, bất kể bạn ở đâu trên thế giới”, một người dân Thượng Hải nói với BBC.
Ứng dụng thuộc tập đoàn Tencent là một nền tảng mạng xã hội và có thể được sử dụng như là nơi để mua sắm trực tuyến, chơi điện tử và thậm chí trung gian hẹn hò.
Tuy nhiên, theo BBC, WeChat cũng bị nghi là công cụ quan trọng của bộ máy giám sát nội bộ Trung Quốc. Một ví dụ là vụ việc liên quan bác sĩ Lý Văn Lượng ở Vũ Hán, Hồ Bắc hồi năm ngoái. Anh Lý đã từng cảnh sát triệu tập sau khi gửi tin nhắn cảnh báo cho đồng nghiệp về dịch Covid-19 thời điểm dịch mới bùng phát. Nhóm nghiên cứu Citizen Lab (Canada) cho biết họ tìm được bằng chứng cho thấy WeChat dường như có động thái kiểm duyệt thông tin liên quan tới Covid-19.
Cũng theo BBC, sự thành công của WeChat ở Trung Quốc một phần là vì nước này đã cấm các ứng dụng của Mỹ như WhatsApp hay Instagram.
Trong mệnh lệnh hành pháp, ông Trump cáo buộc WeChat là mối đe dọa cho an ninh quốc gia Mỹ và thu thập lượng lớn dữ liệu người dùng, đe dọa tới thông tin cá nhân của người Mỹ.
Chủ sở hữu TenCent, WeChat, bị yêu cầu phải bán ứng dụng này trước thời điểm giữa tháng 9, nếu không nó sẽ bị cấm hoạt động tại Mỹ.
Động thái cấm WeChat bị nhiều người Trung Quốc xem là động thái tấn công vào nền văn hóa, người dân và nhà nước. Cộng đồng người Hoa ở Mỹ đã bị "sốc" trước động thái này, và nhiều người lo lắng - không chỉ về việc giữ liên lạc với những người thân ở Trung Quốc, mà họ băn khoăn liệu điều này tác động ra sao tới quan hệ Trung - Mỹ.
Jennie, 21, sinh viên đại học California cho biết ban đầu, cô không tin chuyện này là sự thật và sau đó cô cảm thấy buồn. Jennie dành 4 tiếng mỗi ngày trên WeChat để liên lạc với những người cô quen ở cả Mỹ và Trung Quốc. Đó cũng là một nguồn tin tức quan trọng với Jennie.
Trả lời BBC, cô cho biết dù cô rất lo lắng WeChat sẽ chia sẻ thông tin của cô với chính phủ Trung Quốc, nhưng cô phản đối việc Mỹ chặn ứng dụng WeChat. Cô tin rằng nên có các phương pháp ứng phó thay thế nhằm xử lý và kiểm soát mối đe dọa từ WeChat hơn là việc ban hành lệnh cấm ứng dụng này.
Những người nhập cư từ Trung Quốc cũng bày tỏ sự thất vọng với lệnh cấm. Miley Song, một người gốc Trung Quốc đang sống ở California, nói rằng động thái của Washington dường như gửi “một tín hiệu không chào mừng” với cộng đồng người nhập cư từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Song cũng cho rằng lệnh cấm của Mỹ khá mơ hồ và “tôi nghĩ rất khó để cấm hoàn toàn WeChat được”.
Theo Đức Hoàng/Dân trí
https://dantri.com.vn/the-gioi/nguoi-trung-quoc-soc-vi-lenh-cam-wechat-cua-tong-thong-trump-20200811114900351.htm