Nigeria là quốc gia châu Phi có tỷ lệ tiếp cận điện thấp nhất thế giới. Phụ nữ và trẻ em gái đang phải gánh chịu tình trạng nghèo năng lượng.
Các tấm pin mặt trời được lắp đặt tại một cộng đồng ở Nigeria. Ảnh: EtinPower
Trong bối cảnh này, một số phụ nữ đã tiên phong phát triển các dự án năng lượng, giúp nhiều người thoát khỏi cảnh tối tăm.
Khi mới 6 tuổi, Fatima, bạn thân thuở nhỏ của doanh nhân năng lượng xanh 32 tuổi Yetunde Fadeyi, đã thiệt mạng cùng với cha và người mẹ đang mang thai do ngộ độc khí carbon monoxide từ máy phát điện tại nhà ở Lagos.
Ở Nigeria, số trẻ em chết vì ô nhiễm không khí, chủ yếu trong nhà, cao nhất châu Phi. Fadeyi thực hiện lời kêu gọi của cuộc đời mình là chấm dứt tình trạng nghèo năng lượng gây ra những cái chết như vậy.
Sau khi vượt qua nhiều trở ngại, Fadeyi đã thành lập Tổ chức Năng lượng Tái tạo và Bền vững Môi trường (REES). Tổ chức phi lợi nhuận này dành riêng cho việc ủng hộ môi trường và cung cấp năng lượng sạch cho các cộng đồng nghèo ở vùng nông thôn Nigeria.
Từ khi thành lập năm 2017, REES châu Phi đã cung cấp năng lượng mặt trời cho hơn 6.000 người ở những vùng nghèo nhất Nigeria, nhờ các khoản tài trợ và quyên góp từ thiện. REES cung cấp các lưới điện mặt trời siêu nhỏ, tạo ra năng lượng thông qua các tấm pin mặt trời và lưu trữ chúng để phân phối.
Các lưới điện nhỏ mang lại nguồn điện chất lượng cao, giá rẻ và ổn định trong việc cung cấp điện cho các bóng đèn, radio và các thiết bị tiêu thụ năng lượng thấp khác tới 100 ngôi nhà.
Fadeyi nói rằng, các công ty năng lượng không nhìn thấy bất kỳ tiềm năng lợi nhuận nào ở các cộng đồng nghèo và thiệt thòi. Với khoảng 40% người Nigeria sống dưới mức nghèo khổ quốc gia, các công ty như của Fadeyi hiện có trách nhiệm lấp đầy khoảng trống này.
Tại làng Aba-Oje, một vùng nông thôn ở phía Tây Nam Nigeria, người đứng đầu cộng đồng 76 tuổi Muritala Ojeleye cho biết, cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi REES lắp đặt lưới điện mặt trời năm 2018.
Mary Ojo, một người buôn bán 46 tuổi cũng đồng tình với ý kiến trên. Bà đã sinh 5 người con dưới ánh đèn dầu. Bệnh viện gần nhất ở đây cách xa 2 - 3 giờ đi bộ. Các nữ hộ sinh đỡ đẻ đều phải dùng đèn dầu để làm việc ban đêm. Nhờ có điện, giờ đây bà có thể làm việc lâu hơn và kiếm được nhiều tiền hơn vì không phải ngừng làm việc khi trời tối.
Việc tạo ra những khác biệt như thế này, đặc biệt là đối với phụ nữ trong cộng đồng, đã thúc đẩy cô Fadeyi. Cô cho biết những vấn đề đối với phụ nữ như bạo lực gia đình, rắn cắn, bị hãm hiếp… có thể thay đổi nhờ điện xuất hiện.
Mở rộng quy mô
Nữ Giáo sư Yinka Omoregbe, Giám đốc điều hành của Etin Power thực hiện việc cung cấp năng lượng cho các cộng đồng không nối lưới điện bằng cách sử dụng năng lượng mặt trời mini. Trong năm đầu tiên, Etin Power cung cấp điện cho hơn 5.200 người tại 3 cộng đồng ven biển bị bỏ quên ở bang Edo, miền Nam Nigeria.
Mặc dù, kết quả đạt được còn khiêm tốn, nhưng tham vọng của bà Omoregbe lại lớn hơn nhiều. Bà coi việc cung cấp năng lượng là yếu tố then chốt để chấm dứt nghèo đói, đặc biệt là ở vùng nông thôn Nigeria, nơi gần một nửa dân số cả nước sinh sống nhưng chỉ có khoảng 34% người dân được sử dụng điện.
Bà Omoregbe nói: “Những cộng đồng nông thôn này đã hoàn toàn bị loại khỏi cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu, ngay cả khi họ bị ảnh hưởng nặng nề nhất”.
Cùng với đó, phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề do thiếu điện là động lực đằng sau Solar Sister, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ, nhằm chống lại tình trạng nghèo năng lượng, đồng thời giúp phụ nữ ở châu Phi thoát khỏi nghèo đói.
Các sản phẩm năng lượng mặt trời được trưng bày ở buổi tiếp cận của Solar Sisters tại cộng đồng người Nigeria. Ảnh: Solar Sisters Nigeria
Thành lập năm 2009 bởi cựu Giám đốc ngân hàng đầu tư Mỹ Katherine Lucey, Solar Sister nhằm mục đích giúp phụ nữ nông thôn trở thành doanh nhân năng lượng mặt trời, sở hữu và điều hành doanh nghiệp bán các sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời như đèn, đèn pin, bộ sạc và radio.
Solar Sister đang làm việc tại Uganda, Kenya, Tanzania và Nigeria. Kể từ khi ra mắt ở Nigeria 9 năm trước, tổ chức phi chính phủ này đào tạo hơn 3.000 phụ nữ để điều hành các doanh nghiệp năng lượng mặt trời nhỏ của riêng họ và hiện họ đang hoạt động ở 29 trong số 36 bang của Nigeria.
Olasimbo Sojinrin, Giám đốc điều hành của Solar Sisters ở Nigeria, nhớ lại: “Khi chúng tôi bắt đầu cách đây 9 năm, hầu hết người tham gia vào lĩnh vực năng lượng đều là nam giới”.
Tuy nhiên, bà nhận thấy phụ nữ chịu ảnh hưởng đặc biệt trước những thách thức liên quan đến nghèo năng lượng. Do đó, việc xây dựng mạng lưới các doanh nhân nữ, đi đầu trong việc giải quyết những vấn đề này là điều hợp lý.
Solar Sister không chỉ trao quyền kinh tế cho phụ nữ khi họ kiếm tiền từ việc bán sản phẩm của mình, mà còn mang lại tất cả những lợi ích của năng lượng sạch như tiết kiệm thời gian, tiền bạc, ánh sáng giúp trẻ em học tập và không phải hít khói độc do máy phát điện tạo ra.
Theo Hải Yến/ GD&TĐ
https://giaoducthoidai.vn/dem-dien-mat-troi-den-nigeria-post688364.html