Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an từ nay phải giải thích lý do nếu dùng quyền phủ quyết (veto).
Nghị quyết 76/262, do Liechtenstein khởi xướng, đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông qua hôm 26.4 mà không có nước nào phản đối, theo thông báo trên Twitter của ông Abdulla Shahid, chủ tịch Đại hội đồng khóa 76.
Việc sử dụng quyền phủ quyết của 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc, từ lâu đã gây tranh cãi và dẫn đến những lời kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an. Quyền này khiến bất cứ nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an cũng đều có thể bị bác bỏ chỉ bằng một phiếu từ bất cứ nước nào trong 5 nước.
Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết yêu cầu 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an biện giải việc sử dụng quyền phủ quyết.
Nghị quyết mới được thông qua không loại bỏ hay giới hạn quyền phủ quyết của 5 nước nói trên. Song giờ đây, nếu bất cứ nước nào bỏ phiếu veto, Đại hội đồng phải triệu tập cuộc họp và yêu cầu nước này biện giải cho việc sử dụng quyền phủ quyết.
Theo đó, trong vòng 10 ngày làm việc kể từ khi một nước bỏ phiếu veto, Đại hội đồng phải "tổ chức tranh luận về tình hình dẫn đến sự phủ quyết đó". Trong cuộc họp này, tất cả các nước thành viên LHQ đều có thể bình luận về phiếu veto này. Nước sử dụng quyền phủ quyết sẽ được ưu tiên trong danh sách phát biểu.
Tuy nhiên, nghị quyết này không có tính ràng buộc và nước đã sử dụng quyền phủ quyết có quyền từ chối giải thích trước Đại hội đồng.
Theo một nhà ngoại giao, mục đích của nghị quyết là khiến các nước có quyền veto "phải trả cái giá chính trị cao hơn" khi họ dùng ý chí của mình để bác bỏ các nghị quyết bất lợi cho họ và đồng minh.
Nghị quyết này được đề xuất từ hơn 2 năm trước, nhưng cho đến khi Nga dùng quyền phủ quyết của mình để bác bỏ các nghị quyết liên quan đến chiến sự tại Ukraine từ cuối tháng 2, vấn đề mới được thảo luận sôi nổi trở lại. Nghị quyết đã nhận được sự bảo trợ của 83 nước, không có Nga và Trung Quốc.
Đại sứ của Liechtenstein tại LHQ, Christian Wenaweser, nói rằng nghị quyết ra đời là để "thúc đẩy tiếng nói của tất cả chúng ta, những nước không có quyền phủ quyết và những nước không phải thành viên Hội đồng Bảo an, về các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế vì chúng ảnh hưởng đến tất cả chúng ta".
Tuy nhiên, ông Wenaweser khẳng định nghị quyết này "không chống lại bất cứ ai", bao gồm Nga.
Theo một thống kê của Al Jazeera, Nga (và Liên Xô trước đây) là nước sử dụng quyền phủ quyết nhiều nhất với 119 lần, tính từ lần đầu tiên phiếu veto xuất hiện vào năm 1946 đến ngày 25.2.2022. Tiếp theo là Mỹ - 82 lần, Anh - 29 lần, Trung Quốc và Pháp - mỗi nước 16 lần.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/lien-hiep-quoc-ra-nghi-quyet-lien-quan-viec-phu-quyet-o-hoi-dong-bao-an-post1452835.html