Sau khi phim "Lost in Mekong Delta" do Nguyễn Thành Nam đạo diễn tiến hành tuyển chọn diễn viên, dự án "Cố nội anh là Thủy Tinh" của đạo diễn Đức Thịnh cũng bắt đầu tìm kiếm những người hóa thân vào các nhân vật cho phù hợp.
Nhiều người trong giới và khán giả tỏ ra hào hứng với 2 dự án phim này vì đều khai thác chủ đề "độc, lạ" đối với thị trường phim Việt. Trong đó, "Lost in Mekong Delta" nói về zombie (xác sống) còn "Cố nội anh là Thủy Tinh" thuộc thể loại "comedy - fantasy" (hài hước - kỳ ảo), lấy cảm hứng từ mối hận thù giữa Sơn Tinh - Thủy Tinh.
Thực tế, phim khai thác chủ đề xác sống được thực hiện rất nhiều ở Hollywood và cũng mang đến thành công cho điện ảnh Hàn Quốc. Một trong những phim Hàn Quốc về chủ đề này từng chinh phục khán giả là "Train to Busan", ra rạp năm 2016. Gần đây, phim nhiều tập "All of us are dead" của Hàn Quốc cũng được nhiều khán giả yêu thích.
Ngoài kịch bản đầy cảm xúc và thuyết phục, những tác phẩm này chinh phục được khán giả còn nhờ phần hóa trang nổi bật, khả năng diễn xuất tốt của diễn viên. Việc đầu tư khâu hóa trang sao cho chân thật, không giả tạo, gượng gạo là điều không hề dễ dàng, nhất là các đại cảnh đòi hỏi số lượng lớn diễn viên hóa thân thành xác sống. Đây là thách thức không hề nhỏ với nhà làm phim Việt khi khai thác chủ đề này.
Áp phích giới thiệu phim “Lost in Mekong Delta”
Trong khi đó, dù không đặt nặng vấn đề hóa trang như "Lost in Mekong Delta", "Cố nội anh là Thủy Tinh" lại đòi hỏi sự đầu tư về kỹ xảo. Nhiều phim điện ảnh Việt cũng sử dụng kỹ xảo nhưng để hình ảnh đẹp mắt, không giả tạo lại chẳng phải là chuyện dễ giải quyết nếu không đầu tư tương xứng. Khán giả Việt đã được thưởng thức rất nhiều tác phẩm "bom tấn" của các nền điện ảnh phát triển trên thế giới nên sự đòi hỏi về mặt hình ảnh của họ cũng cao hơn trước đây.
Nếu không thỏa mãn được những yếu tố cơ bản nêu trên, phim Việt với nội dung "độc, lạ" rất khó thuyết phục khán giả trong nước. Trước đây, điện ảnh Việt cũng có một số phim khai thác chủ đề này, như "Fan cuồng" của đạo diễn Charlie Nguyễn, "Lôi báo" của Victor Vũ... Tuy nhiên, các phim này không gặt hái được thành công như mong đợi bởi chưa có câu chuyện hấp dẫn cuốn hút khán giả, kịch bản còn nặng tính sắp đặt, thiếu yếu tố quen thuộc. Điều đó cũng cho thấy với phim "độc, lạ", sự mạo hiểm và thách thức rất lớn, đòi hỏi nhà làm phim phải nỗ lực gấp nhiều lần nếu muốn chạm đến thành công.
Áp phích giới thiệu phim “Cố nội anh là Thủy Tinh”
Nhiều người trong giới và khán giả kỳ vọng "Lost in Mekong Delta" và "Cố nội anh là Thủy Tinh" sẽ khắc phục được những hạn chế của các phim cùng chủ đề nêu trên. Cả hai phim này đều có được những chất liệu gần gũi như bối cảnh, câu chuyện về tình làng nghĩa xóm của người miền Tây sông nước hay truyền thuyết dân gian về Sơn Tinh - Thủy Tinh.
"Dù có nhiều thử thách, mạo hiểm nhưng theo tôi, thị trường phim Việt cần những nhà sản xuất mạnh dạn khai thác chủ đề "độc, lạ" để tạo sự đa dạng, tránh theo lối mòn khiến khán giả nhàm chán. Đây cũng sẽ là động lực để thị trường phim ảnh trong nước ngày càng phát triển" - nhà biên kịch Đông Hoa nhìn nhận.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/van-nghe/thach-thuc-voi-phim-doc-la-20220313195037704.htm