Indonesia mong đợi hàng tỷ USD đầu tư đổ vào nước này khi các công ty di dời nhà máy khỏi Trung Quốc vì cuộc chiến thương mại với Mỹ, ông Tom Lembong, Chủ tịch Ủy ban điều phối đầu tư quốc gia cho biết.
Indonesia vẫn còn chỗ để cải thiện nguồn cung nhằm thúc đẩy nền kinh tế. (Nguồn: Bloomberg)
Trong khi các quốc gia như Indonesia, Việt Nam, Bangladesh và Campuchia có thể được hưởng lợi khi các nhà máy rời khỏi Trung Quốc, nhưng căng thẳng thương mại sẽ gây ra sự suy giảm về nhu cầu và niềm tin khi các quốc gia trong cuộc chiến này chiếm tới 1/3 nhu cầu của thế giới, ông Lembong nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg bên lề của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.
“Trong 20 năm qua, Việt Nam, Indonesia, Campuchia và các nước khác đã mất rất nhiều nhà máy cho Trung Quốc. Có thể việc những nhà máy này quay trở lại sẽ rất tích cực đối về phương diện lực lượng lao động, về cán cân thanh toán và những thứ tương tự”, ông Lembong nói.
Theo dữ liệu chính thức, Indonesia đang vật lộn để thu hút đầu tư khi đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 20% trong quý III vừa qua so với cùng kỳ năm trước. Ông Lembong cho biết vào tháng trước rằng, năm 2018 có lẽ là năm đầu tiên số liệu tăng trưởng đầu tư có xu hướng tiêu cực như vậy kể từ khi Tổng thống Joko Widodo lên nắm quyền vào năm 2014.
“Indonesia vẫn còn cơ hội để cải thiện và thúc đẩy nền kinh tế. Hơn nữa, nhiều cải cách có thể sẽ đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 4 sắp tới”, ông Lembong nhận định.
Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng nặng nề vào năm 2018 bởi một thói quen của thị trường mới nổi, chứng kiến đồng Rupiah của nó giảm xuống mức thấp trong hai thập kỷ so với đồng USD, khiến chính phủ phải áp dụng các biện pháp, bao gồm cả thuế quan cao hơn đối với một số hàng hóa. Ngân hàng trung ương cũng tăng lãi suất 6 lần để ngăn chặn đà thị trường.
Theo Hồng Vân/ Dân Trí