Theo thông tin của Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12.2018 giảm 0,25% so với tháng trước; tăng 2,98% so với tháng 12 năm 2017; CPI bình quân năm 2018 so với năm 2017 tăng 3,54%.
CPI tháng 12.2018 giảm do giá xăng dầu, giá gas và giá thịt lợn giảm mạnh. Ảnh: VGP
CPI năm 2018 găng 3,54%, kìm lạm phát dưới 4%
Số liệu thống kê cho thấy, so với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 8 nhóm hàng chỉ số giá tiêu dùng tăng, gồm: Thuốc và dịch vụ y tế tăng 5,76%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,43%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,22%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,05%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,02%; bưu chính viễn thông tăng 0,02%. Nhóm giáo dục không đổi.
Có 2 nhóm giảm: Giao thông giảm 4,88%; Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,89%.
Các mặt hàng tác động làm giảm CPI tháng 12
Theo Tổng cục Thống kê, đến ngày 24.12.2018, giá dầu Brent thế giới bình quân tháng 12 giảm 9,83%, giá xăng Ron 92 tại thị trường Singapore giảm 12,41% so với tháng 11.2018. Theo đó, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm vào ngày 6.12.2018 và ngày 21.12.2018, tổng cộng giá xăng A95 giảm 1.830 đồng/lít, giá xăng E5 giảm 1.840 đồng/lít, giá dầu diezen giảm 1.630 đồng/lít nên bình quân tháng 12.2018 giá xăng dầu giảm 10,77% so với tháng trước, đóng góp giảm CPI chung 0,45%.
Từ ngày 1.12.2018 giá gas trong nước điều chỉnh giảm 33.000 đồng/bình 12kg, giảm 9,64% so với tháng 11.2018, do giá gas thế giới giảm 102,5 USD/tấn xuống mức 430 USD/tấn.
Giá thịt lợn tháng 12.2018 giảm 0,67% so với tháng trước do nguồn cung dồi dào, ước tính đến tháng 12.2018, tổng đàn lợn cả nước tăng khoảng 3,2%, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 3,8 triệu tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, bên cạnh các nguyên nhân làm giảm CPI, còn có một số nguyên nhân tăng CPI tháng 12.2018 là giá dịch vụ y tế, vé tàu hỏa, nhóm hàng hóa, giá thực phẩm tăng do mưa lũ…
Theo KH.V/Lao động