Giá nhiều loại trái cây liên tục "đổ" từ vườn ra tới chợ. Ngay tại trung tâm TP.HCM, chỉ cần 10.000 đồng là có thể mua được 1 kg trái cây tươi với nhiều lựa chọn như cam, quýt, xoài, mận, dưa hấu...
Cam sành rẻ chưa từng thấy
Nhiều người dân TP.HCM bất ngờ với giá cam sành rẻ chưa từng thấy: 10.000 đồng/kg hay 15.000 đồng/2 kg, thậm chí 6.000 đồng/kg cũng có. Trên đường Bà Hạt (Q.10), những chiếc xe bán cam sành với giá siêu rẻ thường xuyên hút khách. Bà Thu Hường, một khách hàng đang lựa mua cam, chia sẻ: "Thường trước đây, giá cam sành có rẻ lắm cũng 25.000 - 30.000 đồng/kg. Cả tuần nay ngày nào đi chợ tôi cũng tranh thủ mua 2 - 3 kg cam về vắt nước cho cả nhà cùng uống. Thấy bán xe đẩy vậy thôi chứ cam rất tươi, ngon ngọt mà lại quá rẻ, không mua cũng tiếc; chỉ cần vắt lấy nước, thêm ít muối cho đậm đà mà không cần phải thêm đường. Ở đây giá còn thế này, không biết ở vườn giá thấp cỡ nào, thôi coi như vừa mua hàng giá rẻ mình cũng có lợi, vừa ủng hộ bà con nông dân".
Nhiều người dân TP.HCM nỗ lực ủng hộ trái cây Việt. Chí Nhân
Ông Lê Văn Sáu, ngụ TP.Thủ Đức, cho biết: "Nhà tôi ở gần chợ đầu mối Thủ Đức, giá cam sành bán lẻ loạt trái to chỉ 6.000 đồng/kg. Mỗi lần tôi mua 5 - 10 kg, để ở nhà dùng dần 2 - 3 ngày mới hết. Thấy rẻ quá, cuối tuần rồi tôi tranh thủ mua nguyên thùng 50 kg gửi về quê ở miền Trung cho bà con. Không riêng cam, mà nhiều loại khác cũng rất rẻ, tuy nhiên mình không mua được nhiều hơn vì không phải loại nào cũng vận chuyển xa được, ngoài ra cũng phải có thời gian đi gửi hàng và cước phí cũng khá cao".
Theo khảo sát của PV ở nhiều chợ truyền thống, ngoài cam sành, không ít loại trái cây có giá từ 10.000 đồng/kg trở xuống như: mận An Phước, xoài Đài Loan, quýt đường, dưa hấu Long An, ổi Đài Loan; hay dừa xiêm Bến Tre 15.000 đồng/2 trái…
Chị Thu Tuyết, một tiểu thương ở chợ Hòa Bình (Q.5), cho biết dù nhiều loại trái cây giá đang rất rẻ nhưng thường càng rẻ càng khó bán, vì lúc đó nguồn cung dư thừa và người tiêu dùng đã ăn quá nhiều sinh ra ngán và sẽ đổi khẩu vị. "Trước rằm tháng giêng, giá trái cây còn tạm được, từ đó đến nay giá liên tục giảm. Năm nay, giá cam và nhiều loại trái cây rẻ vậy là do tết đến sớm hơn so với thông thường. Trong khi thời điểm này đang vào cao điểm thu hoạch rộ cam và nhiều loại khác; do cao điểm thu hoạch và tiêu thụ không trùng nhau nên giá giảm. Bên cạnh đó, còn có yếu tố xuất khẩu không thuận lợi", chị Tuyết lý giải.
Giá "đổ" vì thiếu đầu ra?
Hiện tại, nhiều nhà vườn ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp đang thu hoạch cam sành. Nhiều nhà vườn cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi, đặc biệt là mưa nhiều nên năng suất tăng so với trung bình nhiều năm trước. Nhưng giá cả đầu ra lại rất đáng buồn. Chị Nguyễn Thu Hiền, ở Tam Bình (Vĩnh Long), cho biết cam 5.000 - 6.000 đồng/kg là giá của các vựa giao khách lẻ vài chục đến 100 kg, nếu từ vài trăm ký trở lên giá còn thấp hơn nhiều. Còn giá tại vườn hoặc tính theo tấn chỉ khoảng 3.000 đồng/kg. "Hiện nay hàng đi thành phố tuy số lượng lớn nhưng rất chậm, chủ yếu bán qua mạng rồi gửi xe về các tỉnh miền Trung, Tây nguyên khá nhiều", chị Hiền nói.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, một chủ vựa thu mua trái cây ở H.Kế Sách (Sóc Trăng), thông tin: Hiện nay đang vào vụ thu hoạch rộ nhiều loại trái cây nên giá "đổ" liên tục, hết loại này đến loại khác. Ngày 8.2 giá mận An Phước từ 10.000 - 11.000 đồng/kg hồi cuối tuần trước xuống còn 7.000 - 8.000 đồng/kg. Xoài cát chu hiện cũng còn có 7.000 - 8.000 đồng/kg. Vú sữa trắng từ 11.000 - 13.000 đồng/kg, loại vú sữa tím từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, giảm từ 10.000 - 20.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Ổi rubi còn giữ giá được mức 8.000 - 9.000 đồng/kg, ổi Đài Loan chỉ có giá 3.000 - 4.000 đồng/kg. "Hàng trái cây xuất khẩu chậm mà tiêu thụ nội địa cũng yếu nên giá giảm liên tục. Giá giảm đến mức một số vựa không dám thu mua vì sợ không giải phóng được hàng sẽ lỗ vốn, làm cho giá càng đổ nhiều hơn", anh Hoàng giải thích.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Chi nhánh phía Nam - Hội Làm vườn VN, cho biết: Nhiều loại trái cây của chúng ta thời gian qua thường rơi vào cảnh "được mùa mất giá" do tính mùa vụ cao của các sản phẩm này, thêm vào đó trúng ngay lúc thị trường biến động mạnh. Không chỉ riêng năm nay mà một vài năm gần đây thị trường rất không ổn định. Cuối năm ngoái, khách hàng nhập khẩu trái cây lớn nhất của VN là Trung Quốc mở cửa trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu theo hình thức truyền thống. Chúng ta có thể thấy, những loại trái cây đang rớt giá trên thị trường nội địa là những sản phẩm chưa được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, xuất khẩu đi các nước khác cũng bị ảnh hưởng từ quý 4/2022 kéo dài đến nay vì các vấn đề kinh tế và chính trị trên thế giới. Thêm vào đó, thường thì sau Tết Nguyên đán, năm nào cũng vậy, sức mua của thị trường nội địa cũng giảm. Đó là những yếu tố thị trường làm cho một số mặt hàng giảm giá mạnh trong thời gian gần đây.
"Sáng 9.2 tôi có tham gia cuộc họp với một số doanh nghiệp trong lĩnh vực rau quả; các đơn vị này cũng đang tích cực tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường ở cả Trung Quốc và các nước khác. Khi có thêm đầu ra, các sản phẩm trái cây tươi sẽ không còn cảnh cung vượt cầu, giá giảm như hiện nay", ông Mười hy vọng.
Theo Ban quản lý cửa khẩu tỉnh Lào Cai, trong tháng 1, có 6.713 xe nông sản được xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành - Lào Cai, đạt tổng giá trị gần 59 triệu USD. Nông sản xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, gần 33 triệu USD. Hàng xuất chủ yếu là nông sản tươi từ phía nam ra, gồm: thanh long, chuối, dưa hấu, chôm chôm, mít… Trong đó nhiều nhất là thanh long với gần 600 xe. Để thúc đẩy hơn nữa việc xuất nhập khẩu nông sản giữa VN và Trung Quốc, ngày 10.2, Bộ NN-PTNT tổ chức diễn đàn "Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa VN và Trung Quốc (Vân Nam)". Diễn đàn do lãnh đạo Bộ NN-PTNT và lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai đồng chủ trì. |
Theo Chí Nhân/Thanh niên
https://thanhnien.vn/vi-sao-co-nhieu-loai-trai-cay-gia-sieu-re-185230209232314035.htm