Một doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam vừa bị mất cơ hội vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) chỉ vì đóng gói bằng khay nhựa, chậm chuyển đổi sang bao bì thân thiện môi trường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn và triển lãm Kinh tế xanh ngày 28-11 - Ảnh: N.BÌNH
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chia sẻ thông tin trên. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải thay đổi tư duy, quan tâm tới "tính xanh" của chuỗi cung ứng để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.
Sản phẩm xanh đã trở thành quy định
Tại diễn đàn "Xúc tiến xuất khẩu xanh" do Bộ Công Thương tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn và triển lãm Kinh tế xanh ngày 28-11, các thông tin cho thấy xu hướng sản phẩm xanh, bền vững đã bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu.
Theo ông Trương Đình Hòe, việc theo đuổi chiến lược xuất khẩu xanh với mục đích xanh hóa sản phẩm sẽ giúp khách hàng trên thị trường nước ngoài có thiện cảm hơn với sản phẩm của các doanh nghiệp, tạo nên lợi thế cạnh tranh.
Ngành dệt may cũng thuộc nhóm sản phẩm phải tuân thủ các tiêu chuẩn xanh hóa. Hiện có từ 75 đến 96 tiêu chí đánh giá của các nước đối với sản phẩm dệt may Việt Nam. Trong đó, quy định mới của EU là yêu cầu hàng dệt may có thể tái sử dụng và sửa chữa ở mức cao.
Theo ông Vũ Bá Phú - cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, nếu như trước đây các tiêu chuẩn xanh, bền vững chỉ được nhìn thấy ở các phân khúc cao cấp thì hiện nay đã trở thành yêu cầu phổ biến ở mọi phân khúc.
Để không bị loại khỏi cuộc chơi
Theo ông Bartosz Cieleszynski - phó Ban thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể thu nạp được nhiều lợi ích liên quan đến ứng dụng và thúc đẩy công nghệ xanh. Ông cho rằng công nghệ xanh không hề vượt tầm tay của Việt Nam.
Hiện EU cũng tập trung khuyến khích canh tác hữu cơ. Trong vài năm gần đây, việc nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ từ Việt Nam có sự phát triển với các sản phẩm đa dạng như trái cây nhiệt đới, rau củ quả, thực phẩm chế biến sẵn, thủy sản... và cần tiếp tục đi theo con đường này.
Chia sẻ tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng và đang hình thành nên "luật chơi" mới về thương mại và đầu tư.
Các thị trường nhập khẩu quan trọng triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có "dấu chân carbon"... "Sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tăng trưởng xanh là những vấn đề phát triển kinh tế, là chiến lược lâu dài và sẽ thường xuyên được các cơ quan của bộ cập nhật, xem trọng" - bộ trưởng nói.
Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ như nước phát triển Ngày 28-11, Diễn đàn và triển lãm Kinh tế xanh 2022 (GEFE 2022) với chủ đề "Các sáng kiến và giải pháp xanh từ châu Âu đến Việt Nam" đã khai mạc tại TP.HCM. Tham dự lễ khai mạc, Thủ tướng đã chia sẻ ba thông điệp quan trọng. Trong đó nhấn mạnh Việt Nam là một trong năm quốc gia bị tác động, ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu. Do vậy, chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh là yêu cầu khách quan đối với Việt Nam. Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì lợi ích phát triển con người; mong các quốc gia EU tiếp tục hỗ trợ công nghệ tiên tiến, nguồn vốn xanh với giá rẻ cho Việt Nam, bởi Việt Nam là một nước đang phát triển nhưng phải thực hiện nhiệm vụ như một nước phát triển. |
Theo N.Bình/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/co-hoi-xuat-khau-xanh-20221128223947962.htm