Quý III năm nay, Vietnam Airlines dù đã giảm lỗ so với quý III/2021 nhưng hãng vẫn báo lỗ hơn 2.500 tỷ đồng. Cổ phiếu HVN đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết nếu doanh nghiệp thua lỗ 3 năm liên tiếp.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 với doanh thu đạt 21.267 tỷ đồng, tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp bắt đầu dương trở lại.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm từ 560 triệu đồng còn 186 triệu đồng. Tuy nhiên, các chi phí đều tăng. Cụ thể, chi phí tài chính tăng gấp 3 lần lên 1.464 tỷ đồng; chi phí bán hàng cũng tăng gấp 3 lần lên 851 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 44% lên 503 tỷ đồng.
Kết quả, Vietnam Airlines báo lỗ 2.547 tỷ đồng trong quý III, giảm 39% so với con số của quý III năm ngoái là 3.531 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 2.623 tỷ đồng.
(Biểu đồ: Văn Hưng).
5 siêu chính sách chưa từng cóXEM THÊMSiêu an tâmXEM THÊMSiêu sinh lờiXEM THÊMVịnh biển 4 mùa Paradise BayXEM THÊMVốn ban đầu chỉ từ 1,8 tỷ đồngXEM THÊMSiêu quần thể đô thị biểnXEM THÊM
Lũy kế 9 tháng năm nay, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần đạt 51.387 tỷ đồng, tăng 172% so với cùng kỳ. Tổng công ty Hàng không Việt Nam bao gồm 3 hãng bay là Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco đã khai thác tổng cộng hơn 106.000 chuyến bay, tăng trưởng 118% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sau thuế của hãng hàng không quốc gia vẫn âm 7.784 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức này giảm đáng kể so với con số lỗ 12.153 tỷ đồng cùng kỳ 2021.
Trong giải trình, hãng hàng không quốc gia cho biết thị trường vận chuyển quốc tế vẫn đang phục hồi chậm, cộng thêm các yếu tố tiêu cực phát sinh như giá nhiên liệu tăng cao, xung đột Nga - Ukraine kéo dài và các rủi ro tài chính như tỷ giá, lãi suất gia tăng. Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong quý III và 9 tháng năm 2022.
Tại thời điểm ngày 30/9, tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt 62.576 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Hãng hàng không lớn nhất cả nước ghi nhận vốn chủ sở hữu âm 7.511 tỷ đồng và lỗ lũy kế 31.547 tỷ đồng.
Cổ phiếu Vietnam Airlines đang đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán. Trong năm 2020 và 2021, doanh nghiệp cũng lỗ lần lượt gần 11.000 tỷ đồng và 13.000 tỷ đồng.
Theo quy định tại Luật Chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy bỏ niêm yết khi kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Trước đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) đã lưu ý Vietnam Airlines khả năng cổ phiếu bị hủy niêm yết nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 tiếp tục ghi nhận lợi nhuận cổ đông công ty mẹ hoặc vốn chủ sở hữu âm.
Về phía mình, Vietnam Airlines cho biết đã hoàn thành đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021-2025 và đã báo cáo đại hội cổ đông thông qua và đang trình cấp có thẩm quyền. Trong đề án này, năm nay, hãng sẽ thực hiện 3 nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu.
Theo Văn Hưng/Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/vietnam-airlines-lai-lo-them-hon-2500-ty-dong-20221031095946039.htm