Theo dự báo, mức giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm nay có thể đạt 21-22 tỉ USD, tăng 6,4-11,5% so với năm 2021.
Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, từ đầu năm đến ngày 20-10-2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt hơn 22,46 tỉ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 10 tháng qua, có 1.570 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 14,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký chỉ đạt gần 9,93 tỉ USD, giảm 23,7% so với cùng kỳ trong khi số vốn điều chỉnh dự án đăng ký lại tăng khá, 23,3% so với cùng kỳ, thêm 8,74 tỉ USD.
Ngoài ra, còn có 2.997 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 2,2% so với cùng kỳ, với tổng giá trị vốn góp đạt hơn 3,79 tỉ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ.
Điểm sáng trong thu hút vốn FDI của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2022 là giải ngân tiếp tục giữ đà tăng trưởng. Theo đó, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt 17,45 tỉ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo cả năm nay, mức giải ngân có thể đạt 21-22 tỉ USD, tăng 6,4-11,5% so với năm 2021.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường còn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc đi lại giữa các nước vẫn còn chưa thực sự phục hồi như trước, nhà đầu tư còn chưa sẵn sàng di chuyển để tìm hiểu cơ hội thì vốn đầu tư mới chậm lại là tất yếu.
Tín hiệu lạc quan là dòng vốn điều chỉnh, tăng thêm vào Việt Nam cho thấy cam kết đầu tư lâu dài của nhà đầu tư nước ngoài. Tốc độ tăng về số lượt dự án điều chỉnh vốn tiếp tục tăng, đạt mức cao hơn 9 tháng đầu năm.
Trong đó, dự án Samsung Electro-Mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng vốn 2 lần (920 triệu USD và 267 triệu USD), dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE tăng trên 841 triệu USD; dự án Nhà máy Chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD…
Ông Tim Evans, tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết: "Việt Nam là một ví dụ điển hình trong việc kiểm soát thành công dịch bệnh COVID-19. Với những yếu tố cơ bản vững chắc và vị thế là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam hiện đang vươn lên trở thành một trung tâm sản xuất trên thế giới".
Vốn tăng thêm rất tích cực, khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Rất nhiều nhà đầu tư muốn tận dụng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để tăng cường và hỗ trợ hoạt động giao thương của họ với khu vực ASEAN.
TP.HCM dẫn đầu thu hút vốn ngoại trong 10 tháng Ở góc độ đối tác, đã có 103 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 5,34 tỉ USD; Nhật Bản đứng thứ hai với hơn 4,19 tỉ USD; Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,9 tỉ USD. Trong nước, TP.HCM dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 3,42 tỉ đô la, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Theo N.Bình/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/von-fdi-giai-ngan-tang-dat-hon-17-ti-usd-20221028123704889.htm