Nhiều đại lý, tổng đại lý, thương nhân phân phối cho biết phải chấp nhận chi thêm tiền để nhập xăng dầu với mức giá cao hơn giá bán lẻ được Nhà nước quy định. Tình trạng chiết khấu âm diễn ra nhiều nơi và kéo dài khiến các nhà bán lẻ lỗ nặng.
Cây xăng Petrolimex - cửa hàng 19 trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TPHCM treo bảng hết xăng lúc 19h25 ngày 7-10 - Ảnh: Quang Định
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thương nhân phân phối xăng dầu tại Hà Nội cho biết ba ngày gần đây, nguồn cung xăng dầu bắt đầu khan hiếm, đặc biệt là mặt hàng dầu. Do đó muốn có hàng nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho khách, các nhà bán lẻ phải chấp nhận chi thêm tiền.
Phải "cắn răng" chi thêm
Một số thương nhân phân phối, đơn vị bán buôn xăng dầu của các doanh nghiệp đầu mối đã "chào hàng" cho các thương nhân phân phối xăng dầu với mức giá cao hơn giá bán lẻ khoảng 1.000 đồng/lít. Dù giá được ghi trên hóa đơn vẫn bằng với giá bán lẻ, nhưng trên thực tế nhà bán lẻ phải trả cao hơn thông qua các chi phí khác như phụ phí, cước vận tải...
Trong khi đó, theo nhiều doanh nghiệp đầu mối, sau kỳ điều chỉnh giá ngày 3-10, giá dầu thế giới tăng mạnh, từ mức bình quân là trên 119 USD/thùng đã tăng lên 130 USD/thùng. Do đó dù không rõ nguồn cung nhập khẩu, hay mua từ các nhà máy lọc dầu có thực sự thiếu hàng hay không, nhưng các đơn vị bán buôn hạn chế cung ứng, hoặc muốn mua phải chấp nhận giá cao nên nguồn cung rất khó khăn, thị trường khan hàng với mặt hàng dầu.
Một đại lý tư nhân khác cho hay các tổng kho đều thông báo chiết khấu ở mức chỉ 50 đồng/lít với số lượng cung ứng hạn chế cho các mặt hàng xăng và dầu. Tuy vậy, giá nhập hàng trên là chưa bao gồm chi phí vận chuyển. Nếu cộng thêm chi phí vận chuyển từ Hải Phòng về, đại lý đang âm khoảng 250 đồng/lít, mà còn không có hàng để bán.
Một thương nhân đầu mối khác ở phía Nam cho biết không có nguồn để nhập, tình trạng chiết khấu âm diễn ra nhiều hơn kể từ thời điểm nghỉ lễ và điều chỉnh giá ngày 3-9. Trước thời điểm nghỉ lễ, đơn vị này phải trả thêm cho bên bán tới 3.200 đồng/lít và phân phối lại cho một số đối tác lên tới 4.000 - 5.000 đồng/lít. "Thị trường đang dao động mức chiết khấu âm khoảng 300 - 700 đồng/lít, nhiều đơn vị bán lẻ vẫn phải 'cắn răng' chi thêm để có nguồn cho hệ thống", vị này nói.
Một thương nhân đầu mối khác cho rằng trong bối cảnh nguồn cung hàng khan hiếm, doanh nghiệp đầu mối phải mua với giá cao, dẫn tới tình trạng giá xăng dầu bán buôn ra thị trường cao hơn giá bán lẻ. Nếu như giá bán lẻ được Nhà nước quy định bởi mức giá cơ sở và các cửa hàng bán lẻ không được phép bán giá xăng dầu cao hơn giá bán lẻ, trong khi với bán buôn lại do thị trường quyết định bởi yếu tố cung cầu và diễn biến giá thực tế trên thị trường.
"Nghị định 83 và nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu đều không quy định cụ thể về mức giá bán buôn cũng như chiết khấu trên thị trường. Do đó, việc xác định giá bán buôn hay chiết khấu như thế nào giữa đầu mối, thương nhân phân phối và đại lý, tổng đại lý hoàn toàn do thị trường quyết định. Khi thị trường khó khăn nguồn cung, chúng tôi đang bị lỗ nên phải bán với giá đủ bù đắp chi phí, nên giá cao hơn giá bán lẻ cũng là bình thường và không sai quy định" - vị này giải thích.
36 doanh nghiệp gửi kiến nghị đến Chính phủ
Ngày 7-10, 36 doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu ở TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL đã gửi kiến nghị đến Chính phủ, phản ảnh tình hình bất hợp lý trong kinh doanh xăng dầu. Theo các DN, việc điều hành thời gian qua "có vấn đề", gây bất lợi đến DN, dẫn đến bất ổn thị trường kinh doanh xăng dầu.
Theo các DN, để xảy ra tình trạng chiết khấu âm là DN phân phối đã tìm cách "lách" quy định để bán ra cho DN bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hóa đơn khác. Các nhà cung cấp cũng thường xuyên thông báo hạn chế bán ra, trong khi DN bán lẻ càng bán càng lỗ vẫn phải bấm bụng bán nhưng không ai bù lỗ.
"Điều này dẫn đến một số DN bị âm vốn, khó có thể trụ nổi nếu tiếp tục với việc giá mua vào bằng hoặc cao hơn giá bán ra mà DN không được ngưng bán", DN cho hay.
Để giải quyết những bất cập của thị trường, các DN bán lẻ kiến nghị hàng loạt giải pháp. Đó là các cơ quan điều hành cần có sự liên kết, kịp thời đưa ra các giải pháp đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường. Có giải pháp khắc phục tình hình thua lỗ của các DN bán lẻ xăng dầu, không để DN bán lẻ bị bắt buộc bán ra với giá thấp hơn giá mua vào. Cần thay đổi công thức tính giá cơ sở do chưa tính đủ chi phí dẫn đến DN càng bán ra càng thua lỗ. Áp dụng mức chiết khấu cố định theo định mức đối với DN bán lẻ theo tỉ lệ trên mỗi lít xăng dầu...
Giá bán buôn cao hơn giá bán lẻ
Thông tin từ các doanh nghiệp đầu mối cho biết đang bị lỗ 500 - 700 đồng/lít xăng và lỗ trên 3.100 đồng/lít dầu diesel. Ngoài ra, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về chi phí vốn do yêu cầu nguồn vốn lưu động gấp đôi so với trước đây, nhưng các ngân hàng lại siết vốn.
Đơn cử, nếu trước đây để nhập được một tàu hàng, doanh nghiệp cần khoảng 500 tỉ đồng, nhưng nay cần tới 1.000 tỉ đồng. Chưa kể phụ phí nhập khẩu chỉ được tính ở mức 2,5 USD/thùng trong khi thực tế doanh nghiệp phải trả tới 10 USD/thùng.
Theo một đầu mối kinh doanh khác, biến động thị trường xăng dầu thời gian qua rất lớn nhưng cũng phải chấp nhận bởi đây là ngành kinh doanh có rủi ro cao, có lời có lỗ. Thực tế, có thời điểm khi thị trường có nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định giúp cho doanh nghiệp có được mức chiết khấu tốt, lên tới 4.000 - 5.000 đồng/lít.
Vì vậy, khi thị trường có biến động, cũng không thể tránh khỏi tình trạng nhận chiết khấu ở mức thấp, thậm chí 0 đồng hoặc chiết khấu âm. Nếu nhà bán lẻ nào không thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường, phải chấp nhận rời bỏ cuộc chơi.
Tuy vậy, các doanh nghiệp cũng kiến nghị liên bộ Công Thương - Tài chính cần xem xét điều chỉnh mức chi phí cấu thành giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp, bao gồm các phụ phí và chi phí định mức, lợi nhuận định mức. Việc phân bổ có thể không thực hiện ngay với tất cả các chi phí nhưng cần điều chỉnh phân bổ dần, có lộ trình để phần nào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đảm bảo việc tạo nguồn, tránh làm đứt gãy nguồn cung.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết theo chỉ đạo của Chính phủ, liên bộ Công Thương - Tài chính đã thống nhất sẽ điều chỉnh phụ phí, chi phí đưa xăng dầu từ hai nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng để phản ánh vào giá cơ sở tại các kỳ điều hành tới, qua đó góp phần giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xăng dầu.
Việc điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ tác động tích cực, giúp nâng chiết khấu các cửa hàng bán lẻ, tháo gỡ khó khăn cho các cửa hàng kinh doanh xăng dầu. "Chúng tôi cũng sẽ có những biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đề nghị các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ, các cửa hàng hài hòa lợi nhuận, chia sẻ khó khăn, rủi ro trong lúc khó khăn", vị này nói.
Sẽ điều chỉnh tăng phí vận chuyển
Trong thông cáo phát đi vào chiều 7-10, Bộ Công Thương cho hay liên bộ Công Thương - Tài chính đã phối hợp rà soát và thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước (chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức giá cơ sở) vào công thức tính giá cơ sở xăng dầu tại kỳ điều hành giá ngày 11-10.
Việc điều chỉnh chi phí này, theo Bộ Công Thương, nhằm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế, giúp các doanh nghiệp đầu mối tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối và giảm thiểu mức tác động vào giá xăng dầu... Bộ cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi nhằm tăng nguồn lực cho doanh nghiệp, đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu cho thị trường. (N.AN)
Đắk Nông: ngừng bán xăng do đứt nguồn?
Ngày 7-10, ghi nhận trên tuyến quốc lộ 14, đoạn qua huyện Đắk R’Lấp (Đắk Nông), một loạt cây xăng mà Tuổi Trẻ đã ghi nhận trước đó vẫn tiếp tục đóng cửa hoặc chỉ bán dầu DO. Khi được hỏi, một số chủ cửa hàng giải thích do khó khăn trong vấn đề nhập xăng từ các thương nhân phân phối.
Một trong số nhiều cây xăng ở Đắk Nông tiếp tục ngừng bán xăng - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Ghi nhận trên tuyến tỉnh lộ 681 (huyện Tuy Đức, Đắk Nông) với chiều dài khoảng 45km, trong hơn một chục cây xăng chỉ có khoảng 2 - 3 cây xăng của doanh nghiệp nhà nước vẫn bán hàng như bình thường, nhưng hầu hết các trạm xăng tư nhân đều không bán xăng, chỉ bán dầu.
Việc không có xăng để mua những ngày qua khiến người dân gặp nhiều khó khăn, đặc biệt với các nhà vườn đang vào vụ thu hái cà phê, dọn cỏ vườn điều.
Ông N.V.H. (thôn Tân Bình, xã Đắk Ngo, Tuy Đức) cho biết những ngày qua phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để mua xăng chuẩn bị cho việc phát cỏ, thu hái cà phê. Tuy nhiên, cả hai cây xăng thuộc xã Đắk Ngo chỉ mở bán gián đoạn khiến ông và nhiều nông dân khác mua xăng khó khăn.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/het-xang-nghi-ban-qua-loi-giai-thich-cua-cac-doanh-nghiep-20221007234214963.htm