Theo báo cáo từ các ngân hàng thương mại, sau 3 tháng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước, gần 550 khách hàng được hỗ trợ. Ước tính đến hết tháng 8, số tiền hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 13,5 tỉ đồng.
Nhằm kịp thời có những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỉ đồng, sáng 26-8, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về vấn đề này.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng, thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết mục tiêu chương trình này nhằm giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã giảm chi phí vốn và phục hồi sản xuất kinh doanh sau hơn 2 năm bị tác động bởi dịch COVID-19.
Mới có 550 khách hàng được hỗ trợ
Ngân hàng Nhà nước đánh giá bước đầu kết quả triển khai chưa được nhiều. Báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt gần 4.407 tỉ đồng đối với gần 550 khách hàng. Dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 4.300 tỉ đồng. Dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đến cuối tháng 8 khoảng 13,5 tỉ đồng.
Ông Phạm Toàn Vượng, phó tổng giám đốc Agribank, cho hay qua rà soát, dư nợ của các hợp đồng tín dụng mà Agribank ký kết từ ngày 1-1 đến ngày 22-8 của khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất là khoảng 40.000 tỉ đồng với 2.400 khách hàng.
Tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ được hỗ trợ lãi suất theo nghị định 31 là 1.700 tỉ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất là 1,5 tỉ đồng cho 361 khách hàng.
Dự kiến trong tháng 9, lũy kế dư nợ mà Agribank thực hiện chương trình này là 8.500 tỉ đồng, với số tiền hỗ trợ lãi suất là khoảng 15 tỉ đồng. Ước đến hết năm nay số tiền lãi hỗ trợ là khoảng 1.000 tỉ đồng do các kỳ trả lãi dồn vào cuối năm.
Ông Phan Đức Tú, chủ tịch BIDV, cho biết sau 3 tháng triển khai, BIDV hỗ trợ được 20 khách hàng doanh nghiệp với số tiền hỗ trợ lãi suất là 66 tỉ đồng. Đây là con số rất khiêm tốn so với kỳ vọng.
Điều kiện tiếp cận chính sách quá ngặt nghèo
Nêu lý do số tiền hỗ trợ lãi suất còn quá thấp, phó tổng giám đốc Agribank cho biết có tới 96% khách hàng là cá nhân hoạt động trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Do nhiều hợp đồng ký kết trước ngày 1-1 năm nay nên không thuộc thời gian được hỗ trợ chính sách này.
Ngoài ra, khách hàng là hộ kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nên số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất rất hạn chế.
Nêu nguyên nhân khác, ông Nguyễn Việt Cường, phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết có doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ nhưng lại từ chối nhận. Bởi họ e ngại sau này sẽ kiểm toán, thanh tra.
Mặt khác, ông Nguyễn Minh Tuấn, giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, cho biết nhiều khách hàng mong được ngân hàng cho vay tín chấp, chứ không muốn được hỗ trợ lãi suất. Bởi chịu tác động của đại dịch suốt 2 năm qua, khách vay, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn còn nhiều khó khăn, cơ hội tiếp cận vốn ngân hàng gần như là không có.
Còn về phần đơn vị cho vay triển khai, các ngân hàng thương mại đều băn khoăn trong việc xác định đối tượng thuộc diện hỗ trợ chương trình này. Đại diện Vietcombank cho hay nghị định 31 quy định ngân hàng thương mại phải tự đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng.
Mỗi ngân hàng sẽ có đánh giá một cách khác nhau về khả năng phục hồi của khách hàng. Tuy nhiên, điều ngân hàng e ngại nhất là tại thời điểm này đánh giá khách hàng có khả năng phục hồi khi doanh thu tăng so với năm trước.
Nhưng sau đó, do nguyên nhân khách quan, khách hàng không trả được nợ thì sao? Liệu việc ngân hàng đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng có vi phạm hay không?
Với quy định hiện hành, ông Nguyễn Hưng, tổng giám đốc TPBank, thẳng thắn nhận định khả năng ngân hàng này không giải ngân hết 700 tỉ đồng được phân bổ là điều bình thường.
Nên mở rộng đối tượng hỗ trợ Để đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ, các ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan sớm kiến nghị Chính phủ mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách này. Cụ thể, chính sách nên hỗ trợ lãi suất cả đồng ngoại tệ cho những doanh nghiệp xuất khẩu. Thực tế, có những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thuộc nhóm ngành được hỗ trợ lãi suất nhưng họ chỉ vay ngoại tệ. Ngoài ra, với hộ kinh doanh, nên chăng bỏ điều kiện phải có giấy phép đăng ký kinh doanh. Đây là đối tượng thực sự khó khăn và mong muốn được giảm lãi vay. Bên cạnh đó, chính sách cũng cần hướng dẫn chi tiết, cụ thể về khả năng phục hồi của khách hàng để các ngân hàng thương mại yên tâm triển khai cho vay và hỗ trợ 2% lãi suất từ nguồn tiền ngân sách nhà nước. |
Theo L.Thanh - A.Hồng/Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/goi-ho-tro-lai-suat-2-ngan-hang-than-trong-trien-khai-khach-vay-tu-choi-nhan-20220826131904184.htm