Nhiều bộ, ngành liên tục có những đề xuất giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp tăng tốc, phục hồi trong nửa cuối năm nay.
Giảm nhiều loại phí trong ngành vận tải
Bão giá xăng dầu càn quét, hệ thống logistics từ đường bộ, đường thủy cho tới hàng không đều bị tác động trực tiếp đầu tiên. Trông chờ từng ngày những chính sách hỗ trợ giảm thuế, phí để khống chế giá cước, kìm đà leo thang của giá hàng hóa, các doanh nghiệp (DN) vận tải thở phào nhẹ nhõm khi Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị xem xét, điều chỉnh nhiều loại phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho ngành giao thông do chi phí xăng, dầu tăng cao.
Đề xuất giảm giá xăng dầu góp phần vực dậy doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Độc Lập
Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 10% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa. Lĩnh vực hàng không được đề xuất giảm 20% mức thu phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay. Giảm 20% mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay. Lĩnh vực hàng hải, kiến nghị giảm 20% phí trọng tải tàu, thuyền hoạt động hàng hải nội địa; giảm 20% phí bảo đảm hàng hải hoạt động hàng hải nội địa; giảm 20% lệ phí vào, rời cảng biển hoạt động hàng hải nội địa. Tất cả các loại phí, lệ phí này đều được kiến nghị xét giảm từ nay đến hết năm 2022. Trong thực tế, mức đề xuất của Bộ GTVT vẫn còn thấp hơn so với kiến nghị trước đó. Đơn cử, Cục Đường thủy nội địa từng trình phương án giảm tới 100% lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa và tiếp tục giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa tới hết năm nay; Cục Hàng không đề xuất giảm 50% phí hạ, cất cánh với đường bay nội địa.
Cần tăng tốc hỗ trợ giảm thuế, phí cho doanh nghiệp để kìm giá cả hàng hóa. Ng.Nga
Tại TP.HCM, HĐND TP ngày 7.7 đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển sau hơn 3 tháng triển khai. Theo đó, TP miễn thu phí với các loại hàng: nhập khẩu phục vụ trực tiếp an ninh, quốc phòng; đảm bảo an sinh, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; gửi kho ngoại quan; quá cảnh; ra vào cảng bằng các tuyến đường thủy theo hiệp định giữa Chính phủ VN và Campuchia về vận tải đường thủy. Hàng xuất, nhập khẩu chở bằng đường thủy được giảm 50% mức phí. Ngoài ra, mức phí hàng hóa xuất, nhập khẩu mở tờ khai tại TP.HCM hay địa phương khác cũng được điều chỉnh cùng một mức thu. Mặc dù phí hạ tầng cảng biển được nhận định là nguồn thu chính giúp TP.HCM sớm triển khai nhiều dự án giao thông, hạ tầng trọng điểm, song, trước áp lực giá xăng dầu đè nặng lên DN vốn đang kiệt quệ hậu Covid-19, TP vẫn quyết định giảm phí nhằm khuyến khích vận tải hàng bằng đường thủy nội địa và hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh.
Mới nhất, Bộ Công thương trực tiếp xin ý kiến Thủ tướng cho ngân sách để bù giá xăng dầu giúp ngư dân bám biển, người nghèo bớt khó khăn. Trước đó, Bộ Tài chính cùng Bộ NN-PTNT cũng thống nhất kiến nghị phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp; Bộ Tài chính cũng kiến nghị giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng , nhập khẩu đối với mặt hàng xăng... Kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu của Bộ cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, dự kiến có hiệu lực từ ngày 11.7 tới đây. Ngoài ra, Bộ Công thương cho biết đang tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ ngành rà soát, đề xuất giảm thêm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng để giảm giá mặt hàng xăng dầu trong nước.
Như “nắng hạn gặp mưa rào”
“Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua giảm thuế bảo vệ môi trường trên giá xăng dầu và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ nhanh chóng trình Quốc hội thông qua giảm thêm các loại thuế khác, đối với DN không khác gì cơn mưa rào giữa ngày nắng hạn. Nay các bộ, ngành tiếp tục trình giảm thêm nhiều loại phí, lệ phí, thật sự đã trở thành mưa thu, vực các DN vận tải hồi sinh”, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, chia sẻ. Bởi theo ông Tính, các DN vận tải hiện nay gần như đã đứng trước bờ vực. Kiệt quệ sau 2 năm Covid-19, hoạt động vận tải trong điều kiện dịch bệnh mới phục hồi còn đang chệch choạc, chưa ổn định thì giá xăng dầu đã tăng quá nhanh, rồi neo ở đó suốt từ nhiều tháng qua, đã giáng thêm “đòn” khiến DN không vực dậy nổi. Trải qua liên tiếp 3 - 4 mùa cao điểm du lịch, nhu cầu đi lại bùng nổ nhưng DN vẫn khốn khổ, kiệt quệ, càng chạy càng lỗ bởi lực cản chi phí, kéo lùi tất cả sự hồ hởi, phấn khởi của các DN.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kêu gọi các bộ, ngành lập tức thực hiện chỉ đạo, rà soát các loại phí không cần thiết hoặc quá cao để giảm gánh nặng cho DN. Với tinh thần trên, các địa phương cho tới từng đơn vị quản lý nhỏ hơn như bến xe, cầu, cảng…cũng sẽ đồng loạt chung tay hỗ trợ các DN. “Đây là những tín hiệu rất khả quan giúp DN có niềm tin vào sự đồng hành của cơ quan quản lý để tiếp tục duy trì, hồi phục. Thuế thì có khi phải chờ, còn phí, lệ phí thì có thể quyết ngay được. Nền kinh tế sẽ sớm cân bằng trở lại và tiếp tục phát triển sau đại dịch”, ông Tính kỳ vọng.
Tương tự, đại diện một DN hàng không cũng cho biết việc miễn giảm các loại phí đánh vào các phương tiện vận tải trong lúc này như hành động “tiếp sức” cho DN. Hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới, lượng khách nhanh chóng bùng nổ vượt đỉnh trước đại dịch nhưng các DN hàng không vẫn đang gồng mình gánh lỗ. Một phần do “vết sẹo” từ Covid-19 vẫn chưa lành, một phần do thị trường quốc tế chưa phục hồi nhưng vấn đề lớn nhất của các hãng lúc này là chi phí nhiên liệu tăng quá cao so với dự báo. Năm 2022, đa phần hãng hàng không tại VN đều tính toán chi phí dựa trên mức dự báo giá dầu khoảng 80 USD/thùng, đã có dự phòng trượt giá so với mức giá bình quân năm 2021 là khoảng 73 USD/thùng. Tuy nhiên, giá nhiên liệu đưa vào chi phí tháng 5 của hãng này là 134,4 USD/thùng, tăng 54,4 USD/thùng so với kế hoạch. Tổng chi phí nhiên liệu tháng 5 tăng 577 tỉ đồng, tương đương khoảng 25 triệu USD.
Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2022, số tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được gia hạn, miễn, giảm là gần 40.000 tỉ đồng, trong đó số gia hạn gần 7.500 tỉ đồng; số miễn, giảm gần 32.500 tỉ đồng.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế quốc dân, đồng ý với cách tiếp cận bằng cách chia sẻ khó khăn trực tiếp giữa Chính phủ với DN. Để cứu DN và kìm đà tăng giá của nền kinh tế, cần có loạt chính sách hỗ trợ, tăng tốc và mạnh mẽ chứ không thể chậm hơn nữa. Các đề xuất giảm phí thuế, phí sẽ rất được cộng đồng DN ủng hộ, song để hiệu quả hơn, cần phải triển khai sớm. “Chúng ta đề xuất, nhưng nếu những đề xuất quan trọng này lại không được đưa vào áp dụng thực tế ngay thì hiệu quả lại không như kỳ vọng. Nếu hỗ trợ đúng thời điểm, DN sẽ mạnh dạn mở rộng đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm, ổn định xã hội nhiều hơn. Sau khi phục hồi rồi sẽ đóng góp lại cho ngân sách. Hơn nữa, chúng ta có nền kinh tế mở, nguyên phụ liệu nhập khẩu, phụ thuộc nước ngoài nhiều, nên tìm cách hạ nhiệt giá cả bằng nội lực một cách linh hoạt là điều đáng triển khai”, ông nói.
PGS-TS Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện Công nghệ và phát triển tài chính (Học viện Tài chính), lại cho rằng thực tế các loại phí không khiến lạm phát trầm trọng thêm, cũng chưa hẳn là nguyên nhân gây tăng giá cả… Xăng dầu mới ảnh hưởng cả nền kinh tế. Theo ông, “đề xuất giảm thuế đối với mặt hàng xăng dầu trong thời gian qua vậy là được, nhưng cần giảm tiếp thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào xăng mới có tác động mạnh mẽ”. Ông nhận định giá xăng dầu tăng, đẩy mặt bằng giá cả hàng hóa tăng, chi phí đầu vào của DN tăng… thế nên, trong bối cảnh này, giảm được khoản chi nào cho DN được thì nên giảm ngay, ví dụ như phí cảng biển giảm được 50% và một số phí khác.
“Điều tôi lo ngại nhất là kỳ vọng lạm phát. Tâm lý lúc này là bây giờ chưa lạm phát đâu, cuối năm mới lạm phát, hàng hóa mới tăng… Các biện pháp làm sao để dập tắt suy nghĩ rằng rồi mọi thứ tăng giá, cái gì cũng sẽ tăng. Khi có suy nghĩ như vậy, ti tỉ thứ gì cũng tăng giá. Trong thực tế, trong thời gian qua, giá tiêu dùng, thực phẩm, xăng dầu tăng, nhưng giá lương thực không tăng, giá áo quần, giày dép đâu có tăng. Cũng cần nói thêm, những nước đang phát triển như VN đừng sợ hãi lạm phát. Mức 4% là quá thấp so với một nước đang phát triển, nếu có vượt ngưỡng cũng đừng quá lo lắng. Tôi cho rằng lạm phát với một quốc gia đang phát triển như VN dưới 7% là không quá lo ngại. Trên mức đó, mới đáng lo”, ông Cường nhấn mạnh.
“Việc giảm thuế, phí là cần thiết trong điều kiện hiện tại. Chấp nhận thu ngân sách thấp, thậm chí thâm hụt để hỗ trợ phục hồi kinh tế. Kể cả ảnh hưởng lớn cũng nên chấp nhận vì nền kinh tế đang trên đà phục hồi mạnh nên trong dài hạn, vai trò nhà nước thể hiện tích cực. Tôi chỉ có đề xuất là mọi việc hỗ trợ cần được triển khai sớm ngày nào hay ngày đó”.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế quốc dân
“Về mức giảm 2% thuế giá trị gia tăng với hàng tiêu dùng dịch vụ tuy không được thiết kế để ngăn chặn đà lạm phát vì giá xăng dầu tăng, nhưng lúc này nó lại có ý nghĩa quan trọng để giảm lạm phát”.
PGS-TS Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện Công nghệ và phát triển tài chính (Học viện Tài chính)
Theo Hà Mai - Nguyên Nga/Thanh niên
https://thanhnien.vn/de-xuat-giam-nhieu-thue-phi-cho-doanh-nghiep-post1476450.html