Trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản
Savills Việt Nam vừa công bố báo cáo Biến động giá bất động sản trong lạm phát, trong đó chỉ ra những diễn biến bất ngờ của tình hình kinh tế chính trị thế giới đang đẩy rủi ro lạm phát tăng cao, là biến số trực tiếp tác động đến thị trường địa ốc.
Tại báo cáo này, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, cho rằng dưới tác động của chiến tranh và ảnh hưởng của Covid-19, mục tiêu giữ lạm phát ở mức dưới 4% của Chính phủ là rất thử thách.
"Mục tiêu này chỉ có thể đạt được trong trường hợp nền kinh tế phục hồi đúng như kỳ vọng và tình hình chiến tranh giữa Nga và Ukraine được giải quyết ổn thỏa thông qua các đàm phán sớm" - ông nhận định.
Trong bối cảnh này, ông cho rằng có 3 kênh trú ẩn tài sản lớn là dầu mỏ, kim loại quý và bất động sản, trong đó bất động sản là phương án an toàn.
Nhà đầu tư đang đổ về Khánh Hòa để đầu tư đất. Ảnh: Kỳ Nam
Ông Khương dẫn một phân tích của Savills World Research cho thấy lạm phát chi phí đẩy (lạm phát xảy ra do các chi phí như nguyên vật liệu, chi phí lao động tăng) sẽ dẫn đến hạn chế nguồn cung bất động sản. Đặc biệt, tại Việt Nam, thời gian qua nguồn cung bất động sản nhà ở rất hạn chế. Người dân chủ yếu đầu tư đất nền, còn các sản phẩm bất động sản nhà ở bao gồm đất và các tài sản trên đất chiếm tỉ lệ thấp hơn.
Do đó, TS Sử Ngọc Khương nhận định trong bối cảnh bất ổn kinh tế - chính trị thế giới, lạm phát tăng nhanh và nguồn cung khan hiếm, thị trường bất động sản bao gồm cả phân khúc nhà ở và thương mại tại Việt Nam sẽ tăng giá đáng kể và là kênh đầu tư giúp giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh lạm phát. Tuy vậy, trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản là đặc biệt quan trọng, tránh lặp lại tình trạng "chết trên đống tài sản" đã từng xảy ra trong quá khứ.
"Trong 9-12 tháng tới, việc một số nhà đầu tư buộc phải bán tháo tài sản do không thể gánh được sức ép từ các công cụ hỗ trợ tài chính là hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, tính đầu cơ của nhóm này không lớn, khó có thể thao túng thị trường, làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá. Bên cạnh đó, nguồn cung nhà ở tại Việt Nam trong thời gian tới còn rất chế, chính vì vậy việc giảm giá bất động sản là rất khó xảy ra" - ông Khương nói thêm.
Phân tích thêm về quan điểm này, ông Khương cho rằng nhìn về lịch sử cuộc khủng hoảng đầu tiên của kinh tế thế giới năm 1917 xuất phát từ Mỹ cho đến hiện tại, gần như chỉ có 1 đợt khủng hoảng khiến giá bất động sản giảm là vào các năm 2007-2008 với mức giảm 30%-40%. Riêng ở Việt Nam, chỉ có giai đoạn 2011-2012 là giá bất động sản giảm đến 30% bởi khi đó các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn. Còn lại, thực tế cho thấy sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, bất động sản lại tăng giá.
Chính vì vậy, các nhà đầu tư trước khi quyết định xuống tiền, cần chú ý về giá và pháp lý của bất động sản. Đối với những nhà đầu tư có ý định bán bất động sản vào lúc này, cần cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản đó. Sẽ là hợp lý nếu khoản tiền này được đầu tư vào những kênh đầu tư hiệu quả hơn trong bối cảnh dịch bệnh, bất ổn chính trị quốc tế.
Theo Sơn Nhung/ NLĐ
https://nld.com.vn/kinh-te/vay-muon-de-dau-tu-bat-dong-san-coi-chung-chet-tren-dong-tai-san-20220322093321565.htm