Mỹ khởi động chương trình hợp tác mới với Ấn Độ mà Nhà Trắng hy vọng sẽ giúp hai nước cạnh tranh với Trung Quốc trong các lĩnh vực như vũ khí, chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và người đồng cấp Ấn Độ Ajit Doval đã gặp nhau tại Washington ngày 31.1 cùng với các quan chức cấp cao của hai bên để khởi động Sáng kiến Mỹ - Ấn về Công nghệ Quan trọng và Mới nổi, theo Reuters.
Sáng kiến này đánh dấu động thái mới nhất của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh và đối tác để đối phó với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài ra, Mỹ cũng mong muốn thông qua chương trình này, New Delhi sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại hội nghị G20 ở Bali, Indonesia, hồi tháng 11.2022 REUTERS
"Thách thức ngày càng lớn hơn từ Trung Quốc - các hoạt động kinh tế, các động thái quân sự hung hăng, nỗ lực thống trị các lĩnh vực của tương lai và kiểm soát chuỗi cung ứng trong tương lai đã có tác động sâu sắc đến suy nghĩ ở Delhi", Reuters dẫn lời ông Sullivan.
Theo Financial Times, ông Sullivan cho rằng Ấn Độ đang hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ vì mối quan hệ căng thẳng giữa Ấn Độ với Trung Quốc, đặc biệt là sau các cuộc đụng độ chết người ở biên giới năm 2020. "Ấn Độ không quảng cáo điều này... nhưng sự kiện đó có tác động kiểu như vụ 11.9 hay vụ Trân Châu Cảng đối với tư duy chiến lược của giới tinh hoa nước này", ông nói.
Theo quan chức Mỹ, sáng kiến mới "là một phần cơ bản quan trọng khác trong chiến lược tổng thể nhằm đặt toàn bộ thế giới dân chủ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào vị trí thế mạnh". "Đây là một vụ cá cược chiến lược của hai nhà lãnh đạo... dựa trên quan điểm cho rằng việc tạo ra một hệ sinh thái sâu sắc hơn giữa Mỹ và Ấn Độ sẽ phục vụ lợi ích chiến lược, kinh tế và công nghệ của chúng tôi", ông Sullivan nói.
Washington muốn triển khai thêm các mạng điện thoại di động của phương Tây ở Ấn Độ để chống lại tập đoàn Huawei của Trung Quốc, chào đón thêm các chuyên gia về chip máy tính của Ấn Độ đến Mỹ và khuyến khích các công ty của cả hai nước hợp tác trong lĩnh vực vũ khí chẳng hạn như các hệ thống pháo binh. Sáng kiến mới cũng bao gồm hợp tác về không gian và điện toán lượng tử hiệu suất cao.
Tuy nhiên, trong từng lĩnh vực, Nhà Trắng đều phải đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm những giới hạn của Mỹ trong việc chuyển giao công nghệ quân sự và cấp thị thực cho lao động nhập cư, cũng như sự phụ thuộc lâu năm của Ấn Độ vào Nga về khí tài quân sự. Đây là những vấn đề mà Washington và New Delhi giờ đây hy vọng sẽ giải quyết được.
New Delhi đã khiến Washington thất vọng khi tham gia các cuộc tập trận quân sự với Nga và tăng cường mua dầu thô - vốn được xem là nguồn tài trợ chính cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Song Washington đã giữ im lặng, từng bước thúc đẩy Ấn Độ chống lại Nga trong khi ủng hộ lập trường ngày càng diều hâu của Ấn Độ đối với Trung Quốc.
Mặc dù Ấn Độ tham gia các hợp tác về chuỗi cung ứng, năng lượng sạch và chống tham nhũng trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), một sáng kiến nổi bật của chính quyền Biden, New Delhi đã đứng ngoài các cuộc đàm phán liên quan trụ cột thương mại của IPEF.
Hôm 30.1, ông Sullivan và ông Doval đã tham gia một sự kiện của Phòng Thương mại Mỹ với lãnh đạo các tập đoàn bao gồm Lockheed Martin, Adani Enterprises và Applied Materials.
Trong khi đó, tập đoàn General Electric đang yêu cầu chính phủ Mỹ cho phép hợp tác với Ấn Độ để sản xuất động cơ dùng cho các máy bay do Ấn Độ vận hành và sản xuất. Nhà Trắng cho biết việc đánh giá đang được tiến hành.
Theo Lam Vũ/ Thanh Niên
https://thanhnien.vn/my-an-do-tung-loat-sang-kien-tham-vong-doi-pho-voi-trung-quoc-185230201104947452.htm