Những con số mới nhất liên quan đại án Việt Á và chuyến bay giải cứu
Những con số trên đề cập chi tiết trong Báo cáo của Đoàn giám sát về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Nội dung này cũng được Quốc hội dành trọn một ngày để nghe và thảo luận trên hội trường trong hôm nay (29/5).
3 năm huy động 230.000 tỷ đồng để chống dịch
Trong báo cáo được gửi tới các đại biểu Quốc hội trước đó, Đoàn giám sát cho biết về huy động tài chính chống dịch, Chính phủ thống kê tổng nguồn lực trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện chính sách an sinh xã hội huy động trong giai đoạn 2020-2022 khoảng 230.000 tỷ đồng, trong đó huy động từ ngân sách là hơn 186.000 tỷ, còn lại từ các nguồn khác.
Dù vậy, ở nhiều địa phương, kể cả những nơi cân đối được ngân sách như TPHCM, Đồng Nai vẫn gặp khó khăn, thiếu kinh phí chống dịch trong giai đoạn "cao điểm".
Nhiều lãnh đạo Trung ương và địa phương bị xử lý hình sự liên quan đến sai phạm trong vụ Việt Á (Đồ họa: Thủy Tiên).
Tổng số kinh phí đã phân bổ trong 3 năm 2020-2022 là gần 176.000 tỷ đồng.
Chỉ ra hạn chế, Đoàn giám sát cho biết, ở một số đơn vị, địa phương ghi nhận việc mượn, mua vật tư, kít xét nghiệm… với nhiều hình thức khác nhau như có hoặc không có văn bản thỏa thuận, có hoặc không có hợp đồng, đơn giá, phương án hoàn trả.
"Kiểm toán Nhà nước đã chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kít xét nghiệm có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương", báo cáo của Đoàn giám sát nêu rõ.
Đoàn giám sát cũng chỉ ra có nhiều vi phạm trong đấu thầu, mua sắm, vay, mượn kít xét nghiệm.
Theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong 2 năm 2020 và 2021, các đơn vị đã mua sắm sinh phẩm, hóa chất, kít xét nghiệm với các mức giá khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại, xuất xứ, hãng sản xuất.
Trong đó có một số đơn vị mua kít xét nghiệm từ Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á giá trị lên tới hơn 2.100 tỷ đồng.
Liên quan đến vụ việc mua kít xét nghiệm của Công ty cổ phần Việt Á, Đoàn giám sát cho biết, đến đầu tháng 5, theo báo cáo của Bộ Công an, các cơ quan điều tra đã khởi tố 30 vụ án, 107 bị can.
Trong đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) khởi tố 1 vụ án, 31 bị can; Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng khởi tố 1 vụ án, 5 bị can; Cơ quan cảnh sát, điều tra của 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã khởi tố 28 vụ án, 71 bị can. Vụ án cũng đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
Về việc tổ chức chuyến bay giải cứu, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án Đưa và nhận hối lộ. Nhiều lãnh đạo, cán bộ, công chức có liên quan ở Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế và một số địa phương đã bị khởi tố.
Đến ngày 3/4, Cơ quan điều tra của Bộ Công an đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 54 bị can về 5 tội: Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Vụ án đã được VKSND hoàn tất cáo trạng và chuyển cơ quan xét xử. Cơ quan chức năng chưa phát hiện vi phạm các quy định về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực trong vụ việc này.
Hàng chục triệu người được hỗ trợ về an sinh trong đại dịch
Liên quan đến chính sách an sinh xã hội, Đoàn giám sát nhận định với độ bao phủ rộng, các chính sách đã hỗ trợ được một số lượng lớn đối tượng chỉ trong thời gian ngắn.
"Việc này góp phần tích cực duy trì ổn định cuộc sống, sản xuất, kinh doanh, việc làm cho người lao động, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, ổn định, trật tự, an toàn xã hội", theo Đoàn giám sát của Quốc hội.
Một người dân ở Cần Thơ được nhận tiền hỗ trợ do phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 hồi cuối năm 2021 (Ảnh: Bảo Kỳ).
Tổng số đối tượng được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền theo Nghị quyết số 42 của Chính phủ là gần 13,2 triệu người và hơn 41.000 hộ kinh doanh.
Thực hiện Nghị quyết số 68 và Nghị quyết số 126 của Chính phủ, đến 30/6/2022, cả nước đã hỗ trợ cho gần 36 triệu người lao động, người dân; hơn 394.000 đơn vị sử dụng lao động và hơn 500.000 hộ kinh doanh với tổng số tiền là hơn 45.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra công tác xây dựng và tổ chức thực hiện một số chính sách còn bất cập, chưa sát với nhu cầu của đối tượng; mức hỗ trợ còn thấp; chưa thể hiện sự ưu tiên, tập trung; điều kiện tiếp cận còn chặt chẽ, các công cụ hỗ trợ thực hiện chính sách chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện.
Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá Covid-19 là đại dịch có quy mô toàn cầu, chưa từng có tiền lệ, gây hàng triệu ca tử vong trên thế giới.
Tại Việt Nam trải qua 4 đợt dịch, đến ngày 31/12/2022, cả nước ghi nhận hơn 11,5 triệu ca mắc; tỷ lệ tử vong 0,4%.
Trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến nhanh và phức tạp, chưa có tiền lệ, công tác huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 còn một số tồn tại, hạn chế.
Đặc biệt, Đoàn giám sát chỉ ra đã có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch, nhất là sai phạm liên quan đến Công ty Việt Á và tổ chức các chuyến bay giải cứu. Những sai phạm này khiến nhiều cán bộ ở Trung ương và địa phương bị xử lý hình sự.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/xa-hoi/nhung-con-so-moi-nhat-lien-quan-dai-an-viet-a-va-chuyen-bay-giai-cuu-20230528233156630.htm