Giống như bất kỳ loại ung thư nào, ung thư tuyến tiền liệt xảy ra khi các tế bào khỏe mạnh phát sinh những biến đổi di truyền bất thường. Hệ quả là khiến chúng phát triển không kiểm soát. Sưng ở một số bộ phận cơ thể có khả năng là dấu hiệu cảnh báo ung thư tuyến tiền liệt.
Các tế bào ung thư trong tuyến tiền liệt sẽ dùng nội tiết tố nam để phát triển và lan sang các bộ phận gần đó. Dù ung thư tuyến tiền liệt phát triển chậm nhưng nếu không được điều trị thì tế bào ung thư có thể di căn đến gan, não và phổi, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Ung thư tuyến tiền liệt có khả năng gây sưng ở chân và bàn chân PEXELS
Ung thư tuyến tiền liệt thường không có dấu hiệu cảnh báo sớm. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nam giới nên bắt đầu sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt từ tuổi 45.
Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, ung thư tuyến tiền liệt có thể gây ra những triệu chứng tiết niệu khá giống với phì đại tuyến tiền liệt, chẳng hạn như tiểu đau, tiểu không tự chủ hoặc có máu trong nước tiểu. Ung thư tuyến tiền liệt cũng có thể gây đau khi xuất tinh, đau trực tràng, vùng xương chậu, đùi.
Ngoài ra, ung thư tuyến tiền liệt sẽ gây sưng ở một số bộ phận cơ thể. Cụ thể, hạch bạch huyết đóng vai trò quan trọng với hệ miễn dịch, giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh và kiểm soát nhiễm trùng.
Khi ung thư tuyến tiền liệt lan đến các hạch bạch huyết thì hệ bạch huyết có thể bị tắc nghẽn. Dịch bạch huyết ứ đọng lại ở một số nơi trong cơ thể, chẳng hạn như chân và bàn chân. Tình trạng này gọi là phù mạch bạch huyết và gây sưng. Đôi khi, một số phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt cũng gây phù mạch bạch huyết.
Vết sưng này sẽ làm chân đau, cảm thấy nặng nề và khó cử động. Vùng da vị trí sưng cũng bị kéo căng. Ngoài ra, ung thư tuyến tiền liệt còn có thể làm sưng dương vật hoặc bìu.
Phù mạch bạch huyết không phải là dấu hiệu duy nhất cảnh báo ung thư tuyến tiền liệt đã bắt đầu lây lan đến vị trí khác trong cơ thể. Theo tổ chức Cancer Research UK, xương cũng là một trong những nơi dễ bị tế bào ung thư tuyến tiền liệt tấn công.
Nguyên nhân là do tuyến tiền liệt nằm ở vùng bụng dưới nên cột sống, xương chậu hoặc xương sườn sẽ dễ bị tế bào ung thư lan đến. Khi đó, người bệnh sẽ bị đau nhức xương. Chẳng hạn, nếu người bị ung thư tuyến tiền liệt mà đau lưng kéo dài thì có khả năng là ung thư đã lan đến cột sống, thậm chí khối u đang chèn ép tủy sống, theo Healthline.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/dau-hieu-sung-tren-co-the-canh-bao-ung-thu-tuyen-tien-liet-18524050800245635.htm