Vừa qua có nhiều trường hợp bệnh nhân bị bệnh suy thận mạn tính khi vào bệnh viện thì đã tiến triển sang giai đoạn nặng, cần phải lọc thận hoặc ghép thận.
Một bệnh nhân suy thận mạn chạy thận - Ảnh: BS Úc Nguyễn
Vì sao suy thận mạn tính phát hiện trễ, cách phòng tránh thế nào?
Đừng để suy thận giai đoạn cuối
Thận là một phần của hệ tiết niệu và có chức năng quan trọng trong việc lọc máu, đào thải chất cặn bã của cơ thể và điều chỉnh lượng nước, điện giải trong cơ thể.
Bình thường hai quả thận lọc khoảng 200 lít máu mỗi ngày. Trong quá trình lọc, thận loại bỏ các chất thải, chất độc và nước dư thừa khỏi máu. Sau đó hấp thu lại gần như toàn bộ dịch lọc, chỉ đào thải ra ngoài từ 1,5 lít đến 2 lít nước tiểu mà thôi.
Nhờ đó, thận điều chỉnh lượng nước và điện giải trong cơ thể, giúp duy trì cân bằng chất toan - kiềm trong máu và huyết áp.
Ngoài ra, thận còn có chức năng sản xuất một số hormone quan trọng, bao gồm erythropoietin (EPO - kích thích tạo máu), calcitriol (đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nồng độ canxi, phốt pho trong máu) và renin (giúp điều chỉnh huyết áp, thể tích dịch ngoại bào).
Suy thận là tình trạng thận không thể thực hiện đầy đủ chức năng kể trên. Suy thận mạn tính là một quá trình lâu dài, từ khi bước vào giai đoạn nhẹ cho đến giai đoạn nặng.
Có năm giai đoạn, giai đoạn 5 là giai đoạn cuối cùng, phải mất hàng chục năm trời. Bởi vì thận có khả năng bù trừ, sửa chữa tổn thương ban đầu, nhưng tới khi thận tổn thương 50%, tức là thận chỉ còn 50% chức năng, thì mới bước vào suy thận giai đoạn nhẹ. Chức năng thận giảm trên 90% là giai đoạn cuối.
Tại sao lại mắc suy thận mạn?
Có ba bộ phận của thận bị tổn thương gây ra suy thận mạn tính:
Tổn thương cầu thận: Cầu thận là đơn vị lọc của thận, có nhiệm vụ lọc máu và loại bỏ các chất thải, nước dư thừa và các chất điện giải ra khỏi cơ thể. Khi cầu thận bị tổn thương, chức năng lọc sẽ bị suy giảm, dẫn đến tích tụ các chất thải trong máu.
Cầu thận tổn thương do: bệnh lý tự miễn là tình trạng hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tế bào khỏe mạnh của mình, trong đó có cầu thận; viêm cầu thận; thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc ức chế miễn dịch và thuốc hóa trị; chất độc có thể gây tổn thương cầu thận, như kim loại nặng, thuốc trừ sâu và các chất ô nhiễm môi trường, một số cây lá có thể có chất độc cho thận, kể cả cỏ mực mà bà con quen dùng; chấn thương thận cũng gây tổn thương cầu thận.
Tổn thương ống thận: Ống thận là nơi tái hấp thu các chất cần thiết cho cơ thể và bài tiết các chất thải. Khi ống thận bị tổn thương, chức năng tái hấp thu và bài tiết sẽ bị suy giảm, dẫn đến các rối loạn cân bằng nước, điện giải và các chất dinh dưỡng trong máu.
Nguyên nhân thường gặp là: tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu, đái tháo đường là nguyên nhân thứ hai, bệnh lý mạch máu thận gây tổn thương các mạch máu cung cấp máu cho ống thận.
Tăng sản mô sợi: Khi thận bị tổn thương, cơ thể sẽ kích thích sản sinh mô sợi để cố gắng sửa chữa tổn thương, giống như việc cơ thể tạo ra sẹo các vết thương. Quá trình này dẫn đến xơ hóa thận, làm giảm lưu lượng máu đến thận và làm trầm trọng thêm tổn thương thận.
Vì sao khó phát hiện sớm
Suy thận mạn tính kéo dài âm thầm, không có dấu hiệu nổi bật nên rất khó phát hiện sớm, chỉ khi nào các bộ phận của thận bị tổn thương trên phân nửa chức năng thì người bệnh mới bắt đầu có triệu chứng, mà chỉ là triệu chứng ẩn mình "bên trong", tức là triệu chứng không biểu hiện ra rõ ràng bên ngoài ở giai đoạn nhẹ, mà nó xuất hiện qua xét nghiệm máu, nước tiểu và siêu âm.
Vì vậy phần lớn bệnh nhân suy thận mạn tính được phát hiện tình cờ khi đi xét nghiệm vì một bệnh khác, hoặc khi bệnh bước vào giai đoạn cuối, là giai đoạn phải chạy thận hoặc ghép thận.
Trong lúc bối rối, hoang mang, người bệnh rất dễ xiêu lòng trước lời mách bảo của người khác là uống thuốc này thuốc nọ, cây này cỏ nọ, tới khi không chịu nổi nữa mới vô bệnh viện.
Cách phòng tránh suy thận mạn tính
Kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Tất cả mọi người nên kiểm tra chức năng thận ít nhất một lần trong đời. Nhất là người trên 50 tuổi phải kiểm tra chức năng thận, phân tích nước tiểu, siêu âm thận.
Đối với người không có nguy cơ cao kiểm tra chức năng thận mỗi 5 năm một lần.
Đối tượng nguy cơ cao phải kiểm tra mỗi năm một lần: Đó là những người trong gia đình đã mắc bệnh thận, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, suy tim, sử dụng thuốc kháng viêm và kháng sinh kéo dài.
Đối với người được chẩn đoán suy thận mạn tính: phải được kiểm tra ít nhất 6 tháng một lần.
Đối với người đang điều trị suy thận mạn tính: kiểm tra mỗi tháng hoặc mỗi quý một lần.
Cần điều trị tốt các bệnh nguy cơ gây suy thận mạn tính Kiểm soát tốt huyết áp. Kiểm soát tốt đường huyết. Kiểm soát mỡ trong máu. Giảm cân nếu bị thừa cân hoặc béo phì. Không hút thuốc lá. Tránh sử dụng thuốc hại thận kéo dài. Không sử dụng cây cỏ chưa có chứng minh khoa học. Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên giúp kiểm soát huyết áp, đường huyết, mỡ máu, cân nặng. Tất cả đều có thể giúp giảm nguy cơ mắc suy thận mạn. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/suy-than-man-tinh-lam-sao-tranh-20240109232319532.htm