Kết quả bốc thăm đã đưa U.22 Việt Nam vào bảng tử thần cùng Lào, Malaysia, Singapore và Thái Lan. Với một thể thức thi đấu khốc liệt, những điều kiện thi đấu bất thường kiểu "ao làng", nếu không cẩn thận thì U.22 Việt Nam - nhà vô địch của 2 kỳ SEA Games gần nhất, có nguy cơ bị loại từ vòng bảng.
Thời gian có đủ để HLV Troussier hoàn thiện đội hình ?
Qua 3 trận đấu ở Doha Cup, rất nhiều vấn đề về chuyên môn của U.22 Việt Nam đã bộc lộ, trong đó có rất nhiều lỗi liên quan đến cá nhân và năng lực cầu thủ. Ở hàng phòng ngự, các trung vệ hầu như chưa đạt yêu cầu. Những người có kinh nghiệm tại SEA Games như Tuấn Tài, Lương Duy Cương còn phần nào tròn vai; những nhân tố còn lại như Tiến Long, Quang Thịnh, Xuân Thịnh đều để lại nỗi lo lớn. Hàng tiền vệ cũng đang thiếu những nhân tố chất lượng, Đức Việt còn hơi non, Nhật Nam, Minh Khoa, Sỹ Chinh thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Tuyến trên, những nhân tố đã từng chơi rất hay tại giải U.20 châu Á như Khuất Văn Khang, Thanh Nhàn, Văn Trường, Quốc Việt… vẫn đang tỏ ra khá non khi phải đối đầu với những đối thủ già dặn hơn họ tới 2 tuổi.
HLV Troussier sẽ bổ sung nhân sự cho đội U.22 so với thời điểm dự Doha Cup 2023
U.22 Việt Nam sẽ hội quân ngày 17.4 tại Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 26.4 sẽ di chuyển sang Campuchia và ngày 30.4 sẽ có trận đấu đầu tiên gặp đội Lào. Như vậy, trong giai đoạn đầu, HLV Troussier sẽ có 10 ngày tương đương với 16 buổi tập cho việc kiểm tra, thanh lọc đội hình, tìm ra những gương mặt ưng ý nhất. Đây cũng là giai đoạn vô cùng quan trọng và nhạy giảm vì rất nhiều những sự thử nghiệm về nhân sự của U.22 tại Doha Cup 2023 bị phá sản bởi các cầu thủ chưa đạt yêu cầu. Đó cũng là lý do để thầy Troussier cùng các cộng sự ngược xuôi Nam - Bắc, theo dõi kỹ tất cả các trận đấu từ Cúp Quốc gia cho đến hạng nhất hay V-League để tìm kiếm những mảnh ghép phù hợp. Rất có thể đợt tập trung sắp tới, những cái tên như Võ Nguyên Hoàng (PVF-CAND), Đinh Xuân Tiến (SLNA), Nguyễn Phi Hoàng (SHB.ĐN)… và nhiều cầu thủ chất lượng chưa có cơ hội thể hiện trong đợt tập trung đầu tiên được triệu tập.
U.22 không chỉ cần vá mà còn cần sửa lỗi
Bài toán kiểm soát bóng và phát động tấn công từ phần sân nhà đã được các cầu thủ thấm nhuần và họ làm tốt dần lên sau từng trận tại Doha Cup. Những chỉ số chuyên môn, thời lượng kiểm soát bóng, chất lượng đường chuyền với số lần chuyền bóng thành công cũng dần được cải thiện. Nhưng nếu tập trung phân tích về mặt chuyên môn thì U.22 vẫn có quá nhiều lỗi.
Thứ nhất, tuyến dưới phát động tấn công chưa đạt yêu cầu. Các trung vệ, thủ môn chưa có được khả năng kiểm soát và luân chuyển bóng một cách mềm mại, cũng chưa có được những đường chuyền chính xác và tạo điều kiện thuận lợi cho các cầu thủ ở tuyến giữa. Đây cũng là khu vực mà U.22 Việt Nam mắc lỗi nhiều nhất và trực tiếp dẫn đến những bàn thua.
Thứ hai, các tiền vệ di chuyển rất nhiều, nhưng đôi khi họ giẫm lên chân nhau và chưa tạo ra được những tam giác, tứ giác hợp lý để hỗ trợ nhau trong việc kiểm soát bóng. Nhận bóng từ tuyến dưới đã không thuận lợi, lại không có sự hỗ trợ tốt về hướng, khoảng cách và thời điểm hợp lý nên hàng tiền vệ mất bóng nhiều. Đặc biệt là những trận đấu gặp đối thủ mạnh.
Thứ ba và cũng là yếu tố quan trọng nhất, U.22 Việt Nam đang tỏ ra vô hại ở 1/3 phần sân của đối phương. Ba trận đấu ở Doha Cup, không một bàn thắng và cũng không thể tạo ra những cơ hội rõ rệt. Có cảm giác các học trò của HLV Troussier chưa thuộc hết bài, đến phần quan trọng thì mất bí kíp.
Đúng là đang có quá nhiều khó khăn với U.22 Việt Nam trong hành trình chuẩn bị cho SEA Games lần này: lực lượng thiếu và mỏng, quãng thời gian chuẩn bị gấp gáp, tân HLV và một triết lý lối chơi mới. Nhưng có lẽ khó thì mới cần đến những "phép màu" của người được mệnh danh là "thầy phù thủy trắng". Chắc chắn, kinh nghiệm, bản lĩnh, tài năng của HLV Philippe Troussier sẽ được phát huy một cách tối đa trong giai đoạn này.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/cho-doi-phep-mau-cua-phu-thuy-troussier-o-sea-games-32-185230406121948697.htm