Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ cho rằng, người quay video cháu bé bị bạo hành sống chung như vợ chồng với người bạo hành và biết rõ việc bạo hành trẻ em là trái pháp luật nhưng không tố cáo tới cơ quan chức năng là có dấu hiệu của tội che giấu tội phạm.
Ngày 3/2, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) vẫn đang tạm giữ hình sự, lấy lời khai đối tượng Nguyễn Thị Thanh Thúy (sinh năm 1989, ngụ thị xã Tân Uyên) để điều tra về hành vi bạo hành trẻ em.
Cơ quan điều tra tiếp tục tạm giữ Thúy để điều tra.
Trước đó, vào tối 31/1, trên mạng xã hội xuất hiện một clip ghi lại hình ảnh Thúy dùng sợi dây dù loại để buộc võng đã mua trước đó và quấn một đầu vào cổ của cháu Thái rồi cầm đầu dây còn lại lôi kéo cháu Thái qua lại trên nệm trong phòng ngủ, đồng thời Thúy còn dùng tay đánh nhiều cái vào mặt, ném cháu Thái trên giường. Sau đó, người phụ nữ này tiếp tục đập đồ đạc và cự cãi với người nhà.
Được biết những hình ảnh này được 1 người đàn ông hiện đang sống chung như vợ chồng với Thúy sử dụng điện thoại di động ghi lại rồi đăng lên mạng xã hội gây bức xúc dư luận.
Sau khi những hình ảnh này được đăng tải, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh và mời Thúy lên làm việc. Tại cơ quan Công an, Thúy đã khai nhận hành vi của mình.
Thúy bạo hành con mình một cách dã man.
Quá trình xác minh, cơ quan Công an còn làm rõ, trước đó vào năm 2016, Thúy từng bị chính quyền địa phương xử phạt hành chính cũng về hành vi đánh đập con cái.
Được biết, Thúy có nhiều đời chồng, một mình nuôi 2 con trong căn nhà trên đường D10, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một. Còn ông bà ngoại của các bé thì sống tại nơi khác. Lực lượng chức năng bước đầu đã cách ly bé trai bị bạo hành cùng chị gái 6 tuổi khỏi người mẹ. Đồng thời, xem xét giao 2 bé này cho ông bà ngoại chăm sóc.
Liên quan tới vụ việc, Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cũng chính thức đến làm việc tại địa phương cháu bé bị mẹ bạo hành, nhằm can thiệp, bảo vệ quyền lợi kịp thời cho các bé. Đồng thời, hội đã thăm hỏi, giúp đỡ, tư vấn, hỗ trợ cho ông bà ngoại 2 bé về thủ tục pháp lý.
Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng chi hội Luật sư - Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM), người quay video sống chung như vợ chồng với Thúy và biết việc Thúy đánh đập các con rất nhiều lần nhưng không can ngăn cũng không tố cáo đến chính quyền địa phương để có các biện pháp bảo vệ trẻ em. Người quay video biết hành vi của Thúy là trái quy định của pháp luật nhưng không tố cáo thì có dấu hiệu của tội che dấu tội phạm. Vì vậy, Hội bảo vệ trẻ em đã có yêu cầu khởi tố đối với người quay video trên.
Luật sư Nữ cũng cho rằng, đoạn video quay cảnh bạo hành rất dài, nếu mục đích quay để tố cáo thì người quay chỉ cần quay đủ chứng cứ và sau đó vào can ngăn. Quay video những cảnh bạo hành luôn có 2 mặt, về tích cực nhằm tố cáo những người có hành vi trái pháp luật còn tiêu cực sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của những đứa trẻ bị bạo hành. Ngoài ra, người tố cáo tới cơ quan chức năng là ông bà ngoại của bị hại chứ không phải là người quay. Qua đó, cơ quan điều tra cần làm rõ động cơ của người quay video.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ đề nghị khởi tố người quay video.
Cũng theo luật sư Nữ, hành vi của người mẹ sẽ được cơ quan chức năng điều tra, xử lý đúng theo trình tự pháp luật. Hành vi bạo hành của người mẹ đối với đứa con do chính mình đẻ ra, nuôi nấng, hoàn toàn không có khả năng tự vệ là nhẫn tâm, đê hèn.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết đã nhận được công văn chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc khẩn trương tiến hành kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời để đảm bảo an toàn sức khỏe, ổn định tinh thần cho cháu bé bị mẹ hành hung xảy ra tại phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một. Đồng thời phối hợp cơ quan liên quan để xử lý nghiêm hành vi bạo hành con của người mẹ. Kết quả xử lý vụ việc gửi về văn phòng bộ trước 14h ngày 3/2.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/phap-luat/de-nghi-khoi-to-nguoi-quay-video-chau-be-4-tuoi-bi-me-bao-hanh-20200203081539913.htm