Hai thành phố thời từng phát triển mạnh dọc Con đường Tơ lụa đã được phát hiện nhờ công nghệ lập bản đồ máy bay không người lái hiện đại LiDAR.
Các nhà nghiên cứu phát hiện đồ gốm thời trung cổ tại địa điểm Tugunbulak ở Uzbekistan ngày nay - Ảnh: NBC News
Từng là con đường được các thương nhân đi qua, những thành phố bị bỏ hoang này ẩn mình dưới dãy núi Trung Á suốt nhiều thế kỷ.
Hai thành phố mất tích từng là đô thị nhộn nhịp
Một nghiên cứu mới được công bố hôm 31-10 trên tạp chí Nature, đã tiết lộ hai khu định cư ở phía đông nam Uzbekistan từng nằm dọc theo một điểm giao thoa quan trọng của các tuyến đường tơ lụa.
Phát hiện đột phá này có thể thay đổi hiểu biết của chúng ta về Con đường Tơ lụa, một mạng lưới rộng lớn gồm các tuyến thương mại trải dài từ Trung Quốc đến Địa Trung Hải.
Trên các bản đồ thông thường, các tuyến thương mại trải dài trên lục địa Á - Âu được cho là tránh đi qua các dãy núi Trung Á. Nhưng nghiên cứu mới này cho thấy mạng lưới Con đường Tơ lụa rộng lớn hơn nhiều so với dự đoán trước đó.
Sử dụng công nghệ lập bản đồ máy bay không người lái hiện đại được gọi là LiDAR - thiết bị phát hiện và đo khoảng cách bằng ánh sáng, nhóm nhà khảo cổ học đã phát hiện hai thành phố Tashbulak và Tugunbulak từng là các trung tâm đô thị nhộn nhịp bất chấp sự cô lập và độ cao của chúng.
Dẫn dắt nhóm nghiên cứu là Michael Frachetti, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Washington ở St. Louis, cùng với Farhod Maksudov, giám đốc Trung tâm Khảo cổ học quốc gia của Uzbekistan.
Góc nhìn tổng hợp về Tugunbulak sử dụng công nghệ LiDAR - Ảnh: NBC News
Nhóm của Frachetti bắt đầu công việc khảo cổ tại Tashbulak vào năm 2011, và nghiên cứu tại Tugunbulak bắt đầu từ năm 2018. Tuy nhiên, dự án đã phải tạm dừng do hạn chế đi lại trong thời kỳ đại dịch.
Qua thời gian, các tiến bộ công nghệ đã cách mạng hóa việc khám phá và lập bản đồ các trung tâm đô thị trong những vùng khó tiếp cận do các trở ngại như thảm thực vật dày đặc.
Nhờ vào hệ thống cảm biến từ xa dựa trên máy bay không người lái mới này, nhóm nghiên cứu đã thu được hình ảnh tiết lộ hai khu đô thị lớn với các tháp canh, pháo đài, công trình phức hợp và quảng trường.
Frachetti và nhóm của ông không ngờ công nghệ này lại tiết lộ nhiều chi tiết đến vậy. "Chúng tôi khá ngạc nhiên khi các hình ảnh được ghép lại, vì độ phân giải cao tiết lộ rất nhiều về cấu trúc của các thành phố một cách rõ nét", Frachetti nói với NBC News.
Nghiên cứu đột phá
Mặc dù nhiều trung tâm đô thị lớn đã được phát hiện ở Trung Á, phần lớn các thành phố được ghi chép trong khảo cổ học đều nằm ở các vùng đất thấp ven sông.
Tugunbulak và Tashbulak cách nhau khoảng 5km và nằm ở độ cao khoảng 2.100m so với mực nước biển. Những trung tâm đô thị lớn ở độ cao trên 1.800m là cực kỳ hiếm, Frachetti đã đề cập trong bài báo nghiên cứu của mình.
Tim Williams, giáo sư khảo cổ học về Con đường Tơ lụa tại Đại học College London ở Anh, nhấn mạnh tầm quan trọng của những phát hiện này, cho thấy một cảnh quan đô thị vùng núi phức tạp hơn nhiều so với tưởng tượng trước đây.
"Đây là một nghiên cứu đột phá, cho thấy cách liên kết các phương pháp khảo sát hiện đại không xâm lấn, đặc biệt là khảo sát bằng máy bay không người lái, có thể cải thiện đáng kể hiểu biết của chúng ta về các cảnh quan cổ đại và sự thích ứng của con người", ông cho biết trong một email.
Frachetti hình dung các thành phố này là nơi cư ngụ của các cộng đồng đa dạng như thợ thủ công, thương nhân, người chăn nuôi, tầng lớp chính trị và binh lính. "Đây là những khu định cư lớn với các chợ có lẽ rất nhộn nhịp, như hầu hết các khu đô thị thời đó", ông nói.
Theo dữ liệu từ phương pháp xác định niên đại bằng cacbon phóng xạ, cả hai thành phố đều suy tàn nhanh chóng vào nửa đầu thế kỷ 11, "một thời kỳ phân chia chính trị giữa các thế lực thống trị", Frachetti nói.
Nghiên cứu cho thấy hai thành phố này sản xuất sắt hoặc thép để bán, cũng như cung cấp nhiên liệu cho các lữ khách trên Con đường Tơ lụa, và khu vực này được bao quanh bởi các rừng cây bách dày đặc.
Rất có thể người dân ở đó đã khai thác quá mức tài nguyên rừng gần đó đến mức không còn bền vững về mặt kinh tế, dẫn đến bị bỏ hoang.
"Chúng tôi nghĩ rằng có nhiều nguyên nhân khiến các khu định cư này suy tàn, và hy vọng các cuộc khai quật khảo cổ đang tiếp tục sẽ đưa ra câu trả lời rõ ràng hơn trong những năm tới", Frachetti nói.
Theo Bình Minh/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/hai-thanh-pho-mat-tich-hang-the-ky-lo-dien-duoi-cong-nghe-moi-20241031215747981.htm