Những sàn thương mại điện tử chưa đăng ký, chưa được cấp phép hoạt động tại VN, hoạt động "chui" nhưng vẫn rầm rộ, "oanh tạc" thị trường mua sắm online bằng nhiều chiêu trò tri ân, quay thưởng...
"Đôn" giá cao rồi hạ đến 90%?
Một tuần sau khi đặt mua vài món hàng gia dụng trên Temu với giá khuyến mại giảm 62%, chị Minh Minh (ngụ Q.4, TP.HCM) nhận hàng kèm lời tri ân qua mail. "Thư tri ân với lời mời ưu đãi kín là giảm 90% giá trị hàng hóa rất hấp dẫn. Vẫn biết là chiêu trò thu hút người mua, nhưng cách bán hàng và chăm sóc khách hàng của họ rất chuyên nghiệp, khiến các tín đồ mua sắm khó cưỡng lại cho những lần sau. Nhưng do không hài lòng lắm về chất lượng của các món hàng đã mua nên tôi không tiếp tục nữa", chị Minh chia sẻ.
Sàn Temu tung chiêu khuyến mại, tri ân, giảm giá cho khách hàng với mức “khủng” khó tin. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Với những người cài ứng dụng Temu, chọn hàng hóa nhưng chưa bấm mua, hằng ngày sàn thương mại điện tử này vẫn đều đặn gửi mail, tin nhắn nội dung "có quà đặc biệt cho bạn, giảm giá đến 95%", hoặc quay trúng thưởng mà lần nào cũng vào ô giảm giá đến 94%, tặng 3 sản phẩm 0 đồng bất kỳ; người dùng mới được thưởng ngay 1,5 triệu đồng...
Chị Thanh Phương (ngụ Q.11, TP.HCM), cũng mua hàng trên Temu, cho biết 4 đơn hàng của chị gồm 17 sản phẩm từ kệ đựng giày đến nhiều váy áo, phụ kiện… với tổng trị giá 17,5 triệu đồng, khuyến mại chỉ còn 4,3 triệu đồng. Chưa hết vui mừng vì được giá hời thì khi nhận hàng, chị hoàn toàn thất vọng. Hai chiếc váy từ 700.000 - 800.000 đồng, giảm còn 150.000 đồng, nhưng chất lượng thực tế chỉ ngang hàng bán ngoài chợ giá 100.000 - 200.000 đồng; đồ phụ kiện được "đôn" giá lên vài trăm ngàn, nhận về như thứ hàng đồ chơi trẻ con chỉ vài chục ngàn. Kệ đựng giày, trên hình ghi kệ giày tre giả gỗ chắc chắn nhưng nhận về chỉ là những tấm nhựa sơn giả gỗ, trong đó còn có một tấm bị vỡ, để lộ bên trong lõi… bìa các tông.
"Mua 10 món thì cố chắc dùng được 1 - 2 món là giấy lau bếp, giá bỏ giấy. Tôi đang hồi hộp mấy chiếc vali lớn giá gốc trên 8 triệu đồng, được bán giá 2,3 triệu đồng theo đơn hàng gửi tới sau. Hẳn là hàng giá rẻ thì đã đành, đằng này đôn giá lên thành hàng khá, rồi bán với giá thấp khiến người mua nghĩ rằng mình đang được mua hàng tốt giá khuyến mại", chị Phương chán nản nói.
Kệ giày rao bán trên sàn với giá khuyến mại giảm từ 1,1 triệu xuống 362.000 đồng. ẢNH: CMH
Đáng nói, dù hoạt động chui nhưng các sàn Temu, Shein... lại khuyến mại rầm rộ đủ các chiêu trò tri ân, giảm giá đến 94% hoặc biếu không.
Đại diện Sở Công thương TP.HCM khẳng định: Đã có kiến nghị quyết liệt ngăn chặn hiển thị quảng cáo, khuyến mại vi phạm quy định trên các website, nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội. Thậm chí, áp dụng biện pháp chế tài nghiêm khắc bằng hình thức ngăn chặn, tạm ngưng hoặc đình chỉ hoạt động tên miền, ứng dụng tại VN đối với các website, nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội… vi phạm nhiều lần.
"Bên cạnh đó, các bộ ngành quản lý cần nghiên cứu sớm ban hành các quy định cụ thể hơn về thuế quan, thủ tục hải quan và kiểm soát hàng hóa trong thương mại điện tử xuyên biên giới. Qua đó, có cơ sở pháp lý quản lý, điều chỉnh hiệu quả các hoạt động này, nhất là một số nội dung còn bỏ ngỏ hoặc chưa có cơ sở để can thiệp. Song song đó, các quy định và chính sách thuế phải được hoàn thiện, bảo đảm các sàn thương mại điện tử nước ngoài có cơ chế nộp thuế đầy đủ khi kinh doanh tại VN", đại diện Sở Công thương TP.HCM nhấn mạnh.
Có thể chặn, dừng hoạt động nếu vi phạm lặp lại nhiều lần
Tiến sĩ - luật sư Châu Huy Quang, Giám đốc điều hành Công ty luật TNHH Rajah & Tann LCT, cho biết: Luật Thương mại và Nghị định 81 quy định hình thức khuyến mại giảm giá ngoài việc phải thực hiện thủ tục thông báo trước thì mức giảm giá tối đa không được vượt quá 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ. Trừ một số trường hợp đặc biệt như tổ chức chương trình khuyến mại tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại), hay một số loại hàng hóa đặc biệt theo chính sách bình ổn giá của Nhà nước, hàng thực phẩm tươi sống. Quy định này nhằm khống chế mức giảm giá tối đa, ngăn chặn hành vi lợi dụng phương thức này để bán phá giá hàng hóa, cạnh tranh và gây thiệt hại cho thương nhân kinh doanh khác.
Kệ giày thực nhận về. ẢNH: H.M
"Tuy nhiên, việc giám sát, quản lý và thực thi quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có sử dụng ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt và đang cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng Việt vẫn còn nhiều hạn chế. Theo tôi, việc thực thi quy định phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực, quan tâm và nguồn lực của cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Bộ Công thương. Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính, vi phạm được tái diễn nhiều lần, cần có các biện pháp xử lý, ngăn chặn quyết liệt hơn, như phối hợp với Bộ Công an, Bộ TT-TT… Nếu cần, hoàn toàn có thể tiến hành biện pháp kỹ thuật như thiết lập rào cản tường lửa để ngăn chặn truy cập, giao dịch trên các nền tảng vi phạm, và xử lý vi phạm trong quá trình lưu thông, vận chuyển, lưu trữ hàng hóa…", luật sư Châu Huy Quang nêu.
Đồng quan điểm, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhấn mạnh cuộc chiến trên sàn thương mại điện tử đã được báo động từ lâu nhưng phản ứng của cấp quản lý quá chậm trước làn sóng hàng giá rẻ trên sàn thương mại điện tử. Họ hoạt động rầm rộ lâu nay, không phải Temu mới vào VN mấy tháng gần đây, sàn Shien đã tiến hành hoạt động kinh doanh từ mấy năm trước mà nay mới hay chưa đăng ký hoạt động là rất khó hiểu.
"Bà tiểu thương ngoài chợ biết sự tồn tại của các sàn này, tại sao quản lý thị trường lại không biết? Temu to lừng lững thế kia, vào VN ban ngày rõ ràng lại không hay. Mấy ngày qua, Bộ Công thương mới thông báo yêu cầu phải đăng ký. Tôi cho là chúng ta đang quản lý thương mại điện tử kiểu "mất bò mới lo làm chuồng" và cần nhanh chóng bịt lỗ hổng để bảo đảm sự cạnh tranh sòng phẳng hơn", chuyên gia Vũ Vinh Phú nói thẳng.
Chúng ta đang quản lý theo kiểu "nắm kẻ có tóc" Hiện hàng hóa nước ngoài bán qua sàn điện tử đang có lợi thế so với hàng trong nước do chính sách của chúng ta vô tình bảo hộ cho họ. Đó là quy định đơn hàng dưới 1 triệu đồng được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Trong khi đó, hàng hóa nói chung chịu thuế giá trị gia tăng 10% và nếu nhập khẩu, còn thêm thuế nhập khẩu nữa. Trong tương quan đó, hàng qua sàn xuyên biên giới có lợi thế vô cùng lớn so với hàng hóa trong nước và hàng nhập chính ngạch. Hơn nữa, doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh thương mại điện tử tại VN đang phải đáp ứng rất nhiều thủ tục, điều kiện so với doanh nghiệp xuyên biên giới. Rồi doanh nghiệp đang kinh doanh trong nước làm sao được phép khuyến mại giảm giá đến 70 - 90%, sẽ bị phạt ngay, trong khi họ thì thoải mái cho không cũng được. Có phải chúng ta đang quản lý kiểu "nắm kẻ có tóc" không? Chính doanh nghiệp trong nước là "kẻ có tóc" trong trường hợp này. Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú |
Theo Nguyên Nga/Thanh niên
https://thanhnien.vn/con-loc-hang-gia-re-theo-san-chui-nao-loan-thi-truong-sai-pham-hang-loat-van-hoat-dong-ram-ro-185241029223307952.htm