Trưa tháng 9, Thùy Linh, 11 tuổi, ở nhà một mình, hoảng sợ khi mẹ ở cơ quan gọi điện về mắng 'sao không học mà nằm đọc truyện tranh'.
Thùy Linh chạy khắp nhà tìm mẹ mà chẳng thấy, cô bé ngỡ ngàng sao mẹ ở xa mà biết rõ mọi chuyện. Đến tối, bố mẹ cô bé mới chỉ cho con thấy chiếc camera theo dõi mà họ vừa lắp.
Trong căn hộ 69 m2 ở Mỹ Đình, camera được vợ chồng chị Trần Thu Hà lắp ở phòng khách nhưng có thể bao quát được cả phòng ngủ của Thùy Linh. Hàng ngày, chị Hà có thể theo dõi nhất cử nhất động của con từ bất cứ đâu, thông qua chiếc smartphone. Thấy bé không học bài hoặc mải mê "buôn" điện thoại với bạn, bà mẹ lập tức gọi điện nhắc nhở. Muốn riêng tư, Thùy Linh chỉ có cách đóng cửa phòng nhưng mỗi khi làm thế, bé lại bị hỏi "Làm gì mà phải đóng cửa?".
Sau hai tháng lắp camera, chị Hà than phiền với đồng nghiệp rằng Thùy Linh trở nên lầm lì, dễ nổi cáu dù trước đây hay nói, cười. Giáo viên khẳng định em học tập vẫn ổn nên một số người đoán Thùy Linh khó chịu với sự kiểm soát qua camera của bố mẹ. Tuy vậy, chị Hà gạt đi, tin mình làm đúng vì con gái đang dậy thì, cần để ý sát sao.
Ảnh: BrickHouse Security.
Giống Thùy Linh, Thu Anh (TP HCM) từng sống trong cảnh bị camera theo dõi. Nữ sinh đại học năm nhất chia sẻ, thời cấp ba, trong một lần dọn phòng, cô phát hiện thiết bị quay lén trên kệ sách đối diện giường ngủ. Hỏi bố mẹ, Thu Anh mới vỡ lẽ camera được họ đặt trước đó một tháng với lý do "con cần được quan tâm hơn".
Trong căn nhà 5 tầng, chỉ phòng Thu Anh lắp camera. Cô không chấp nhận lời giải thích của bố mẹ, đòi vứt camera ngay. Sau nhiều lần tranh luận căng thẳng, bố mẹ Thu Anh cuối cùng miễn cưỡng chiều theo ý con. Camera không còn, nhưng lòng tin của Thu Anh vào bố mẹ cũng mất. Nữ sinh 19 tuổi chia sẻ: "Em rùng mình mỗi khi nghĩ lại. Hóa ra mình làm gì riêng tư đều có con mắt theo dõi".
Hiện Thu Anh vẫn sống cùng bố mẹ nhưng tìm cách ở nhà ít nhất có thể. Cô xin đi tình nguyện xa, lấy cớ qua nhà bạn ngủ, kiếm việc làm thêm buổi tối. Mỗi ngày, Thu Anh rời nhà lúc 6h30 sáng và trở về lúc 23h đêm, hạn chế đụng mặt bố mẹ.
"Lắp camera theo dõi con là một dạng kiểm soát bí mật, nối dài quyền lực và ảnh hưởng của bố mẹ lên đứa trẻ", thạc sĩ tâm lý Nguyễn Xuân Phong (Hà Nội) cho biết. Dù mục đích ban đầu có thể là tốt, hành động này thể hiện sự thiếu tôn trọng không gian cá nhân của con, thậm chí cho thấy sự bất lực của phụ huynh đối với đứa trẻ mà họ tưởng là hiểu rõ.
Theo dõi con qua camera cũng là biểu hiện của nỗi sợ. Trong cuốn sách Small Animals: Parenthood in the Age of Fear (Những sinh vật bé nhỏ: Làm cha mẹ trong thời đại của sự sợ hãi), tác giả Kim Brooks (Mỹ) lập luận, các bậc phụ huynh nghĩ con mình luôn luôn trong tình trạng nguy hiểm nên không dám cho trẻ ra đường một mình và cài đặt định vị điện thoại, lắp camera.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Tú An (Hà Nội) thì cho rằng: "Đôi khi chính bố mẹ mới là người cần sự bảo vệ chứ không phải đứa con". Họ lo bản thân bị đánh giá là thiếu quan tâm con cái nên nhờ cậy đến các thiết bị theo dõi để chứng tỏ mình có trách nhiệm.
Về lâu dài, lắp camera theo dõi con dẫn đến nhiều tác động tiêu cực đối với trẻ. "Nếu bị giám sát ở bất cứ đâu trong nhà, trẻ sẽ thấy bị xâm phạm quyền riêng tư. Chúng hoặc phản kháng lại, hoặc biến thành những diễn viên bất đắc dĩ. Trẻ không được sống thật với bản thân trong chính ngôi nhà của mình sẽ mất đi cảm giác an toàn và tìm đến môi trường khác", phó giáo sư tâm lý Trịnh Thị Linh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, lý giải.
Đứa trẻ bị theo dõi quá mức dễ mất niềm tin vào bố mẹ nên không còn thói quen chia sẻ với người lớn, khiến mối quan hệ gia đình bị đứt gãy. Ngoài ra, chúng mất niềm tin vào chính bản thân, sợ hãi thế giới bên ngoài. Một số trường hợp nặng còn có nguy cơ rơi vào lo âu.
"Đứa trẻ cũng có thể học theo, sau này đưa bố mẹ vào trại dưỡng lão và theo dõi qua camera như ngày trước mình trải nghiệm", thạc sĩ Phong lưu ý và cho rằng càng phụ thuộc vào camera, chính các bậc phụ huynh sẽ càng sợ hãi, lo lắng.
Vậy bố mẹ có nên lắp camera ở nhà hay không?
Theo phó giáo sư Linh, câu trả lời tùy thuộc vào tình hình mỗi gia đình và đặc điểm của từng đứa trẻ. "Dù lớn hay nhỏ, trẻ đều cần không gian riêng. Nếu trẻ bình thường, bố mẹ nên để con tự do phát triển. Trường hợp trẻ cần hỗ trợ hoặc bố mẹ nhận thấy dấu hiệu bất thường ở con thì có thể xem xét lắp camera", bà nói. Bên cạnh đó, phó giáo sư Linh khuyến cáo việc theo dõi con qua camera ở trường học cũng không cần thiết.
Phó giáo sư tâm lý Trần Thành Nam, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định bố mẹ có thể lắp camera nhưng hãy giải thích rõ điều này phục vụ nhiều mục tiêu, trong đó mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn gia đình. Điều quan trọng là phụ huynh hãy tin tưởng con và không lạm dụng camera.
"Thiết bị này chỉ như một công cụ hỗ trợ chúng ta khi sự việc nào đó xảy ra mà thôi", ông Nam khuyên.
Theo VnExpress
https://vnexpress.net/doi-song/tre-so-o-nha-vi-bo-me-lap-camera-theo-doi-4028351.html